| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài của tàu cá Việt Nam

Thứ Ba 15/10/2019 , 12:51 (GMT+7)

Sáng 15/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã họp lần thứ 2, để bàn các “giải pháp cấp bách” giải quyết những tồn tại trong hoạt động khai thác hải sản theo kiến nghị của EC.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU lần thứ 2. Ảnh: Minh Phúc

Nguy cơ bị EC phạt "thẻ đỏ"

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC về chống khai thác IUU, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể và kịch bản đón, làm việc với đoàn Thanh tra EC.

Bên cạnh đó, Bộ cũng có văn bản gửi UBND 28 tỉnh, thành ven biển chuẩn bị báo cáo, hồ sơ, cơ sở vật chất để sẵn sàng làm việc với Đoàn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường: "Phải để EC hiểu rằng, Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để triển khai các kiến nghị của các nước EU đối với hoạt động khai thác thủy sản trong nước". Ảnh: Minh Phúc

Đến nay, hệ thống giám sát tàu cá tại trung ương đặt tại Tổng cục Thủy sản đảm bảo giám sát được gần 32.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên. Các địa phương ven biển, các cơ quan chức năng liên quan có thể truy cập hệ thống giám sát tàu cá, khai thác thông tin hoạt động tàu cá phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Ngoài việc kiểm soát chặt tàu cá ra, vào cảng, các lực lượng chấp pháp trên biển tăng cường kiểm tra, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước tại khu vực giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam với Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Campuchia.

Tuy nhiên, tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn xảy ra. Từ đầu năm 2019 đến nay, xảy ra 113 vụ/187 tàu cá với 877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (tỉnh có tàu cá bị bắt giữ nhiều nhất là Kiên Giang với 50 vụ).

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo 28 tỉnh, thành ven biển và các bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công thương, NN-PTNT, Công an... Ảnh: Minh Phúc

Tình hình trên đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng”, đặc biệt là khả năng sẽ bị EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam sau đoàn thanh tra sắp tới (từ ngày 5-14/11/2019).

Do yêu cầu của EC là việc kiểm sát, giảm thiểu tàu cá Việt Nam vi phạm tại vùng biển nước ngoài là một điều kiện tiên quyết cần phải giải quyết trong nhóm các khuyến nghị của EC về khai thác IUU.

Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, EC đang phải chịu áp lực rất lớn trước cộng đồng quốc tế đối với việc tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài do các nước trong khu vực liên tục cung cấp.

Chậm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lo ngại, việc chậm trễ trong khâu phê duyệt cấp kinh phí thuê cơ sở hạ tầng giám sát nghề cá, dẫn đến việc triển khai lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không đáp ứng được quy định.

Theo đó, đến ngày 1/7/2019, 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh. Tuy nhiên, đến hết tháng 9, các địa phương mới lắp đặt được hơn 66%.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết: Ngày 5/11, đoàn thanh tra của EC sẽ làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra các cảng cá, hoạt động truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác của các đơn vị liên quan; làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác sang EU...

Đến ngày 7-8/11, Đoàn sẽ làm việc với tỉnh, sau đó sẽ về Hà Nội để làm việc với các bộ, ngành quan đến hoạt động chống khai thác IUU.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các đơn vị liên quan duy trì kênh cung cấp thông tin thường xuyên đối với EC, tuyên truyền để họ hiểu về nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong công tác chống khai thác cá IUU, qua đó vừa tuyên truyền ngoại giao, vừa đấu tranh đối với những luận điệu sai trái từ bên ngoài.

Cuộc họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU diễn ra tại Hà Nội sáng 15/10. Ảnh: Minh Phúc

Tàu cá Việt Nam vẫn xâm phạm vùng biển các nước láng giềng

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, nguyên nhân khách quan dẫn đến hiện tượng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là do nguồn lợi hải sản không đáp ứng năng lực, nhu cầu khai thác cá trong nước.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chúng ta chưa đề ra được các giải pháp hữu hiệu để thực hiện các kiến nghị của EC trong thời gian quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa được triển khai đồng bộ, kịp thời và tin cậy. Việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm chưa nghiêm, chưa triệt để. Rõ ràng đây là những yếu kém.

Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ Quốc phòng phải trực tiếp chỉ đạo lực lượng, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi xâm phạm vùng biển nước ngoài của tàu cá Việt Nam. Nếu giáo dục, tuyên truyền không được thì phải cưỡng chế.

Bộ Công an xử lý kịp thời các vi phạm, nhất là các đối tượng móc nối, môi giới, lôi kéo ngư dân và tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo các tỉnh có tàu cá vi phạm phải chịu trách nhiệm, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, tiếp đến là Phó Chủ tịch được giao phụ trách mảng.

"Nếu thủy sản khai thác của Việt Nam bị EC phạt "thẻ đỏ", thì sẽ  ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam, giảm xuất khẩu vào khu vực EU, ảnh hưởng uy tín của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia và đời sống của ngư dân", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất