| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh cho gà bằng thảo mộc

Thứ Ba 29/05/2012 , 10:59 (GMT+7)

Thay vì dùng kháng sinh phòng trừ bệnh, anh Vinh đã trộn các loại thảo mộc quý hiếm vào thức ăn cho gà. Nhờ đó, gà tăng sức đề kháng, thịt thơm ngon, bổ dưỡng hơn.

Lứa gà hơn hai tháng tuổi 6.000 con nuôi bằng thảo dược của anh Vinh sinh trưởng, phát triển rất tốt

Thay vì dùng kháng sinh phòng trừ bệnh như hầu hết các trang trại chăn nuôi khác, anh Mè Anh Vinh ở xã Phú Mỹ (Phù Ninh - Phú Thọ) đã trộn các loại thảo mộc quý hiếm vào thức ăn cho gà. Việc làm sáng tạo này giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, thịt thơm ngon, bổ dưỡng hơn.

“KHÁNG SINH” THÂN THIỆN

Có mặt tại trang trại của Mè Anh Vinh, xã Phú Mỹ đúng lúc anh đang pha trộn thảo mộc cho gà. Trái với suy nghĩ ban đầu của tôi, anh Vinh sẽ giấu kín bí kíp của mình, nhưng ngược lại, anh rất cởi mở cung cấp thông tin về sản phẩm. Theo đó, loại “kháng sinh” anh Vinh bào chế ra được làm từ rất nhiều loại thảo mộc gồm tỏi, gừng, quế, cam thảo, kim tiền, trần bì, cát cánh, bạch linh, bán hạ... và một số loài thảo mộc khác.

Anh Vinh cho biết, mỗi loại thảo mộc có tác dụng khác nhau trong quá trình sinh trưởng của gà. Có loại giúp lọc máu làm mát cơ thể, loại khác tăng sức đề kháng, miễn dịch, loại lại giúp vật nuôi mượt lông, hạn chế cắn mổ nhau…

Xuất phát từ thực trạng hiện nay dịch bệnh quá nhiều buộc người chăn nuôi phải lạm dụng kháng sinh, ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm và sức khoẻ người tiêu dùng (NTD). Mặt khác, lạm dụng kháng sinh trong thời gian dài khiến các chủng virus không ngừng biến đổi ra kháng thể khiến dịch bệnh ngày một trầm trọng hơn.

“Người chăn nuôi không dùng kháng sinh họ sẽ chết nếu dịch bệnh hỏi thăm. Bản thân tôi ngày trước cũng phải dùng kháng sinh cho vật nuôi đến lúc xuất chuồng mới thôi. Ngừng kháng sinh là nguy cơ dịch bệnh, mà chăn nuôi gặp dịch bệnh coi như tay trắng. Chính vì lí do đó đã thôi thúc tôi phải tìm ra một loại thuốc hữu hiệu nào đó vừa phòng trừ được dịch bệnh lại không gây hại đến sức khoẻ con người", anh Vinh bộc bạch.

Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, chàng thanh niên sinh năm 1981 Mè Anh Vinh thấy rằng, ngày xưa cha ông chủ yếu chữa bệnh bằng các loại thảo mộc chứ làm gì có thuốc Tây y như ngày nay. Mặt khác, bản thân con gà sống hoang dã ngoài tự nhiên nếu cơ thể thiếu khoáng chất nào nó cũng tự bổ sung bằng việc ăn thêm hoa, lá, cỏ. Vậy, tại sao không tôn trọng quy luật của tạo hoá, dùng chính các loại thảo mộc có chứa các hoạt chất tương tự như kháng sinh trộn vào thức ăn cho gà, chủ động giúp bổ sung các chất cám, gạo, ngô thiếu, từ đó tăng tính kháng thể, miễn dịch cho vật nuôi.

Nghĩ là làm, hôm sau anh Vinh bắt tay vào tìm hiểu bằng việc mua sách Đông y về đọc rồi lên mạng internet tìm kiếm thông tin. Cảm thấy chưa đủ, Vinh thuyết phục vợ bỏ ra gần 20 triệu đồng để anh đi dọc từ Bắc vào Nam tìm hiểu các mô hình về chăn nuôi gà bằng thảo mộc mới manh nha hình thành. Một tháng trời lang thang khắp các vùng chăn nuôi trong nước, Vinh nhận thấy một quy luật chung rằng, các mô hình nuôi gà bằng thảo mộc chỉ phát triển được một thời gian rồi tàn lụi.

Nguyên nhân do sản phẩm bán ra không cạnh tranh được với gà nuôi bằng phương pháp bình thường vì chi phí cao. Bên cạnh đó, người chăn nuôi có thói quen cố hữu tham lam chạy theo lợi nhuận, trà trộn gà kém chất lượng vào bán khiến NTD mất lòng tin với sản phẩm, dẫn tới đánh mất thương hiệu.

“Từ bài học kinh nghiệm đó tôi xác định, nếu tạo ra sản phẩm gà sạch bằng phương pháp bổ sung thêm thảo mộc vào thức ăn thì giá thành của nó không được quá cao so với mặt bằng chung của thị trường. Song, điều quan trọng nhất là phải gây được lòng tin với NTD, tức là khiến các bà nội chợ tin sản phẩm của mình qua chất lượng, uy tín chứ không phải qua lời rêu rao, quảng cáo. Làm được hai việc đó, thắng lợi gần như nắm chắc trong tay", anh Vinh tâm sự.

THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU

Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện mô hình nuôi gà bằng thảo dược, thất bại với Mè Anh Vinh là điều không tránh khỏi, những lứa gà đầu, dù dùng thảo mộc nhưng sức đề kháng của gà chưa tốt nên anh vẫn phải dùng kháng sinh giải nguy. Vừa làm vừa dò, cạy cục học hỏi không thiếu bậc thầy thuốc Đông y nổi tiếng nào của Việt Nam. Thậm chí, Vinh còn dành nhiều ngày trời ngụy trang đi theo gà xem chúng ăn loại cây cỏ gì để bổ sung vào thức ăn. Mất tới 3 năm trời, Vinh mới đưa ra được công thức pha chế cũng như quy trình nuôi gà bằng thảo dược hiệu quả như hiện nay.

Theo đó, giai đoạn gà con 1 tháng tuổi nhất thiết vẫn phải dùng đầy đủ các loại kháng sinh thiết yếu để phòng dịch bệnh bởi lúc này cơ thể gà còn rất yếu. Tuy nhiên, từ tháng thứ 2 đến lúc xuất chuồng, chỉ cần trộn thảo mộc vào thức ăn hằng ngày cho gà mà không phải dùng bất cứ loại kháng sinh nào nữa. Khi có được quy trình, Vinh bắt tay vào chọn giống gà nhằm hiện thực hóa ý tưởng.

Sau nhiều lứa chắt lọc giống gà từ nhiều vùng khác nhau, Vinh nhận thấy có giống gà J-DABACO đáp ứng tốt các tiêu chí của con gà đặc sản như dễ nuôi, tỉ lệ đồng đều cao, chất lượng thịt tốt, giá cả phải chăng...

Dẫn chúng tôi tham quan hai khu chuồng gà 60 ngày tuổi với 6.000 con gà J-DABACO "đẹp long lanh" được nuôi bằng thảo mộc, anh Vinh nở nụ cười khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại mô hình chăn nuôi gà bằng thảo mộc của tôi đã cơ bản thành công. Các lứa gà được nuôi bằng thảo mộc gần đây đều phát triển bình thường, gà lớn đồng đều, lông mào đẹp, khoẻ mạnh, chưa mắc phải loại dịch bệnh nào, dù quanh đó rất nhiều trang trại đã bị dịch bệnh càn quét.

Sau khi có được thành công với trang trại của mình, Mè Anh Vinh cho biết, đang phối kết hợp với Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ triển khai tập huấn cho nông dân xây dựng một vùng chăn nuôi gà đồi chất lượng cao bằng thảo mộc tại Phú Thọ vào tháng 6 tới đây với quy mô ban đầu khoảng 50.000 con/lứa. Với mức giá 90.000 - 95.000 đồng/kg gà nuôi bằng thảo dược như hiện nay, anh Vinh nhận định thị trường tiêu dùng hoàn toàn chấp nhận được.
Do được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất nên gà không có hiện tượng cắn mổ nhau, thịt không còn mùi tanh, có thêm vị thơm ngon của các loại thảo mộc. Đặc biệt, khi nuôi bằng thảo mộc, giá thành gà đến tuổi xuất chuồng chi phí chỉ đội thêm 2.000 đồng/con, nhưng bù lại là ngăn chặn triệt để việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi giai đoạn cuối. Đây là mục tiêu to lớn, lâu dài nhất mà ngành chăn nuôi đang hướng tới.”

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tiệu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia cho biết, việc dùng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay là con dao hai lưỡi, nếu dùng đúng, đủ sẽ giúp vật nuôi tăng khả năng phòng trừ bệnh, ngược lại, lạm dụng quá mức hoặc dùng sai sẽ gây hậu quả đối với sức khoẻ con người. Để giảm thiếu nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ NTD, một số quốc gia ở như Đức, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã dùng các loại thảo mộc có tác dụng như kháng sinh có trong cây cỏ ngoài tự nhiên trộn vào thức ăn giúp tăng khả năng đề kháng dịch bệnh cho vật nuôi, kết quả đạt được khá khả quan.

Ông Tiệu nhấn mạnh, nếu ở nước ta có đơn vị, cá nhân nào bào chế ra các loại thảo mộc hỗ trợ cho kháng sinh trong chăn nuôi thì rất đáng được đầu tư khuyến khích, bởi đây là hướng phát triển chăn nuôi trong tương lai.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.