| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống cháy rừng lưu vực sông Bến Hải

Thứ Tư 28/05/2014 , 08:15 (GMT+7)

Mùa hè nắng nóng dữ dội, ranh giới giữa sự an toàn và rừng bị bốc cháy rất mong manh.

Những ngày này gió tây nam (gió Lào) thổi rất mạnh, từng cơn ào về khiến rừng oằn mình tạo ra những cánh sóng nhấp nhô giữa trời nắng rực. Trạm PCCR ở xã Linh Thượng thuộc BQL Rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải (BQL) chỉ còn lại một người ở nhà lo cơm nước cho anh em. Tất cả đều lên rừng trực chiến 24/24 giờ.

Mùa hè nắng nóng dữ dội, ranh giới giữa sự an toàn và rừng bị bốc cháy rất mong manh. Ngô Quang Phúc, Trạm trưởng Trạm PCCR Linh Thượng mồ hôi nhễ nhại khắp người, vừa từ rừng trở ra. Mùa này thượng nguồn sông Bến Hải nắng vỗ mặt, đi ra rừng một lúc đã nghe mùi khét nắng bốc trên da người. Các đồng chí trong BQL làm việc với môi trường nóng nắng khắc nghiệt như vậy từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm.

Ông Trần Minh Lý, GĐ BQL cho biết, đơn vị quản lý chăm sóc và bảo vệ diện tích rừng hơn 21.700 ha, trong đó rừng trồng hơn 4.200 ha, rừng tự nhiên hơn 13.800 ha, đất trống đồi núi trọc hơn 3.654 ha... thuộc địa bàn hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Vị trí của khu rừng phía Bắc giáp tỉnh Quảng Bình, phía Nam giáp huyện Cam Lộ, phía Tây giáp huyện hướng Hóa và Đăkrông.

Đây là khu rừng ở đầu nguồn và lưu vực sông Bến Hải, có địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều khe suối. Hằng năm, vào mùa hè như hiện tại thời tiết Quảng Trị nắng nóng, nhiệt độ cao, có ngày lên đến 39 - 42 độ C, tốc độ gió lớn có lúc lên đến cấp 6, cấp 7, làm cho thảm thực bì khô kiệt và nguy cơ cháy rừng rất lớn, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy anh em lúc nào cũng cơm đùm cơm bới, căng người ra mà đi canh rừng.

Theo ông Lý, rừng dễ cháy là rừng trồng, loại cây dễ cháy nhất là thông nhựa. Trong địa bàn quản lý của ban có 4.214 ha rừng trồng chủ yếu là hỗn giao cây bản địa như thông nhựa, sao đen với các loại keo. Rừng trồng khu vực phía Nam thuộc địa bàn huyện Gio Linh, có địa hình hiểm trở, bị chia cắt nhiều bởi khe suối, thảm thực bì dưới tán rừng chủ yếu là cỏ tranh và lau lách mùa nắng nóng rất dễ cháy.

Trong khi đó hàng ngày người dân thường xuyên vào rừng làm ăn với số lượng lớn nên rất khó kiểm soát. Đặc biệt trên diện tích rừng trồng của ban còn sót lại rất nhiều loại bom lân tinh của chiến tranh, nằm lộ trên mặt đất khi gặp nhiệt độ cao tự bốc cháy. Đây là nguyên nhân gây ra cháy rừng rất khó kiểm soát.

Để thực hiện tốt công tác PCCCR năm 2014, BQL đã thành lập Ban Chỉ huy PCCR, tiến hành xây dựng phương án PCCR khoa học, nhằm thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cấp, các ngành.

Ông Trần Minh Lý cho biết năm 2014, BQL tiếp tục mở mới 30 km và nâng cấp 20 km đường ranh cản lửa đảm bảo cho công tác tuần tra, canh gác bảo vệ rừng cũng như hạn chế sự lây lan của đám cháy và thuận tiện trong việc chữa cháy. Xây dựng 2 chòi canh lửa rừng tại tiểu khu 604T và 592A thuộc địa bàn huyện Gio Linh...

Khi chúng tôi có mặt Trạm Linh Thượng và Trạm 604 khu vực huyện Gio Linh, cán bộ của BQL phối hợp phân công người trực chòi 24/24 giờ, tuần tra kiểm soát các tuyến đường người dân thường vào rừng, như đường từ xã Hải Thái, xã Linh Thượng vào thôn Khe Me; tuyến đường Bản Chùa, đường cây số 27 vào tiểu khu 604T, tuyến đường từ xã Vĩnh Ô qua làng Cát huyện Cam Lộ nhằm tuyên truyền, nhắc nhở người dân khi vào rừng phải thực hiện tốt công tác PCCR.

Hiện tại hệ thống đường ranh cản lửa của BQL có chiều dài hơn 162 km, chủ yếu ở huyện Gio Linh, lực lượng PCCR phải có mặt thường xuyên mỗi ngày trên đoạn đường này. Năm 2008, BQL đã xây dựng một chòi canh lửa rừng kiên cố tại tiểu khu 593 thuộc xã Linh Thượng đáp ứng yêu cầu quan sát phát hiện sớm lửa rừng trong khu vực rừng trồng.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng BCH PCCR của ban cho biết phương tiện tham gia chữa cháy của ban gồm 1 xe ô tô, 7 chiếc xe máy. Nguyên tắc đặt ra là khi phát hiện có đám cháy phải khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ kịp thời dập tắt.

Nếu xác định đám cháy có khả năng lan rộng thành đám cháy lớn phải báo về BCH PCCR của ban, Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương nơi xảy ra cháy rừng để kịp thời huy động lực lượng ứng cứu...

Lực lượng lao động chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng khoảng 80 - 100 người thường xuyên có mặt tại hiện trường tham gia chữa cháy rừng trên địa bàn được phân công. Ngoài ra còn phối hợp với Cty Lâm nghiệp Bến Hải tuần tra, canh gác, khi phát hiện cháy rừng phải thông báo cho nhau biết để chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng cứu.

Trường hợp khi có cháy rừng lớn xảy ra nếu trên địa bàn huyện Gio Linh, Vĩnh Linh thì BQL xin ý kiến của BCH-BVR các huyện Gio Linh, BCH-BVR tỉnh huy động xe chữa cháy chuyên dụng tham gia chữa cháy. Nhờ vậy mà những năm qua cháy rừng rất ít xảy ra ở địa bàn do ban quản lý.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.