| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch bệnh GSGC: Thiếu "vũ khí" hay thiếu trách nhiệm?

Thứ Tư 22/09/2010 , 08:31 (GMT+7)

Ông Hoàng Văn Năm-Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các địa phương kêu ca: chống dịch tai xanh mà không có vacxin thì khác gì ra trận không có vũ khí. Tuy nhiên, không ít địa phương, công tác phòng chống dịch vẫn lơ là, thiếu trách nhiệm.

Tiêm vacxin ngừa tai xanh cho đàn heo
Ông Hoàng Văn Năm-Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các địa phương kêu ca: chống dịch tai xanh mà không có vacxin thì khác gì ra trận không có vũ khí. Tuy nhiên, không ít địa phương, công tác phòng chống dịch vẫn lơ là, thiếu trách nhiệm.

Phía Nam rất chủ quan

Hiện dịch tai xanh vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại nặng nề. Ông Hoàng Văn Năm cho biết, đã có 30 tỉnh dính dịch mà mới nhất là tỉnh Quảng Ninh.

Về nguyên nhân dịch bùng phát, Cục phó Cục Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn vừa có chuyến thị sát các tỉnh miền Nam đã chỉ ra những dấu hiệu nghiêm trọng của dịch tai xanh ở đây là: Thứ nhất dịch diễn ra trên địa bàn rất rộng, hầu như nếu tỉnh đã bị là các huyện đều bị, huyện đã bị gần như tất cả các xã đều dính. Thứ hai là thời gian đầu của dịch lực lượng chuyên môn rất lúng lúng trong việc quyết định tiêu hủy hay không nên chậm chễ trong hành động. Thứ ba nhiều lợn chết không phải do…bệnh tai xanh mà do úm ba la các loại bệnh khác, thậm chí có mẫu công bố là dịch tai xanh nhưng đem phân tích lại phát hiện lợn chết do bệnh tả. Thứ tư là tỷ lệ lợn chết khi mắc dịch rất khác nhau ở các tỉnh, có tỉnh 40-50% nhưng có tỉnh như Đồng Tháp chỉ khoảng 20%.

Cuối cùng là một quy trình luẩn quẩn cực kỳ nguy hiểm: Điều trị không khỏi rồi bán chạy cho thương lái xong mới báo cáo nên gần như thông tin báo cáo đến cơ quan chức năng sau khi dịch đã xảy ra cả nửa tháng đến một tháng. “Sự lây lan quá rộng của dịch tai xanh là do các địa phương chủ quan, không nghĩ dịch có thể lan đến mình, lây rộng ra nhanh đến thế. Khi dịch xảy ra rồi cũng không kịp thời vào cuộc, thậm chí còn không ngăn được tình trạng bán chạy từ tỉnh này sang tỉnh kia”- ông Sơn kết luận

Đánh nhau không vũ khí?

Ông Hoàng Văn Năm cho biết, trong hai tuần qua cả nước không có dịch cúm gia cầm. Toàn quốc còn 3 tỉnh có dịch LMLM và có nguy cơ lây lan ra xác tỉnh miền Trung.

Biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới được Ban chỉ đạo quốc gia vạch ra là: Với dịch cúm gia cầm quan trọng nhất phải chuẩn bị cho công tác tiêm phòng đợt 2; Với LMLM chỉ đạo các tỉnh đang có dịch xử lý triệt để các ổ dịch; Với dịch tai xanh phải giám sát việc thử nghiệm và khảo nghiệm vacxin nhập từ TQ sao cho thật sát để xem đánh giá hiệu quả thực sự của việc tiêm loại vacxin này ra sao.

Cuộc giao ban chiều qua tại Bộ NN- PTNT gồm cả dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng (LMLM) nhưng dường như điểm nóng nhất vẫn xoay quanh chủ đề dịch tai xanh. Ông Hoàng Văn Năm kể chuyện khi ông tiếp xúc với nhiều cán bộ ban, ngành ở các địa phương, họ đều kêu rằng không cho vacxin phòng bệnh thì khác gì xua ra trận đánh nhau mà quân lính không có vũ khí. Tuy nhiên, đã có một xu hướng ngược lại được chính Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần thông tin sau chuyến đi thực tế hai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương là dù cả hai nơi đều đã nhận vacxin tai xanh nhưng vẫn chần chừ chưa tiêm.

Liên quan đến hiệu quả của việc tiêm vacxin tai xanh, ông Năm giải thích đại ý vacxin tai xanh được Trung Quốc nghiên cứu, tung ra diện rộng đã có tác dụng trấn áp mạnh sự bùng phát dịch này ở nước bạn. Khi nhập về, chúng ta đã thử nghiệm ở trong phòng thí nghiệm, kết quả tốt rồi mới phân phát cho các địa phương. Tuy nhiên gần đây dư luận cũng phản ánh là hiệu quả của vacxin chưa cao nên hiện tại nếu dùng tiền ngân sách để tiêm, sau này lỡ có bề gì chính Cục cũng bị quy trách nhiệm này nọ mà không tiêm cũng bị kêu.

Một vấn đề bức xúc khác được Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đưa ra trước cuộc giao ban là việc chậm hỗ trợ kinh phí tiêu hủy. Bà con chăn nuôi ở một số địa phương bị dịch xảy ra từ cuối tháng 6, lợn tiêu hủy đã lâu mà giờ tiền vẫn chưa giải ngân được tiền hỗ trợ. “Điều đó cực nguy hiểm không khác gì tiếp tay cho tình trạng bán chạy bởi người dân thấy chậm trễ hỗ trợ thì thà họ bán rẻ cho thương lái để chạy dịch còn hơn chờ chính sách nhà nước. Do đó ngoài việc định giá hỗ trợ hợp lý quan trọng hơn là phải chi trả thật kịp thời…”- Thứ trưởng Tần nói. Tại cuộc giao ban, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng nhấn mạnh việc để thực hiện công tác phòng chống dịch hiệu quả, các địa phương phải  vào cuộc quyết liệt, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan.

Xem thêm
Nuôi trâu, bò vỗ béo gặp khó khi giá xuống thấp

Trước tình trạng giá trâu, bò thịt giảm, các hộ nuôi vỗ béo trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều chỉnh giảm số lượng nuôi, có hộ thậm chí tạm dừng.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Làng thông minh - 'Cuộc cách mạng' mới ở Đồng Tháp

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, làng thông minh được xây dựng từ các hội quán nông dân, phù hợp với xu hướng phát triển nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.