| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch lở mồm long móng: Trên "nóng" dưới "lạnh"

Thứ Bảy 29/12/2018 , 13:31 (GMT+7)

Từ đầu tháng 12/2018 đến nay, dịch bệnh Lở mồm long móng (LMLM) đã xảy ra tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Nam,...) làm nhiều gia súc mắc bệnh và đang có chiều lây lan, diễn biến rất phức tạp như nongnghiep.vn đã phản ánh.

 Qua tìm hiểu thực tế và trao đổi với Cục Thú y cho thấy, nguyên nhận dẫn đến tình trạng dịch bùng phát là do trên "nóng", dưới "lạnh" , trên cứ ra văn bản, cứ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc… dưới thì cứ thờ ơ như không có chuyện gì xảy ra.

Thú y cấp thôn, xã, huyện, tỉnh chưa chủ động

Nguyên nhân chủ yếu xẩy ra dịch bệnh là do: Hệ thống thú y cấp thôn, xã, huyện, tỉnh chưa chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời và chưa báo cáo đầy đủ theo quy định hoặc có nhưng chưa chính xác; việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở chưa tốt, còn nhiều tồn tại, bất cập, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện; một số địa phương không lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm của cơ quan có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm.

Bên cạnh đó, các địa phương chưa đề xuất công bố dịch để làm cơ sở hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Người chăn nuôi không biết được chủ trương và mức hỗ trợ khi có gia súc bị bệnh, chết buộc phải xử lý, vứt xác lợn chết ra đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh động vật chưa thường xuyên, liên tục và chưa hiệu quả; người chăn nuôi tự điều trị gia súc bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh sang các đàn gia súc khác chưa có dịch bệnh.

Lợi dụng điều đó, việc buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh tăng, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh và ở phạm vi rộng; việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi tại một số địa phương chưa được triển khai thực hiện đầy đủ;…

Để khẩn trương khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên, đặc biệt để nhanh chóng tổ chức kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, giảm thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi, ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, nhất là trước và sau Tết Nguyên đán việc chăn nuôi, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ngày càng gia tăng, Cục Thú y đã tích cực chủ động tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Cục Thú y kiểm tra tình hình dịch LMLM tại Ba Vì, Hà Nội

Quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh LMLM

Trong năm 2018, Cục Thú y đã tham mưu, trình Bộ NN-PTNT ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, cụ thể: Ngày 16/01/2018, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 403/BNN-TY gửi Bộ Lao động và Thương binh xã hội và Bộ Tài chính về việc bố trí kinh phí vắc xin thực hiện Chương trình 30a năm 2018 (trong đó có vắc xin phòng bệnh LMLM); Ngày 25/01/2018, Bộ NN-PTNT đã có Thông báo số 863/TB-BNN-VP thông báo ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2017 và Kế hoạch năm 2018 tại Hà Nội vào ngày 19/01/2018;  Ngày 31/01/2018, Bộ NN-PTNT đã Công văn số 1160/BNN-TY gửi UBND tỉnh Sơn La về việc công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM tại Cty CP giống bò sữa Mộc Châu; Ngày 02/02/2018, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 1256/BNN-TY về việc triển khai tháng tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2018.

Ngày 08/3/2018, Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 1907/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc xây dựng Kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm bằng nguồn ngân sách địa phương; Ngày 06/8/2018, Bộ NN-PTNT ban hành Công văn số 5983/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; trong đó có nội dung đề nghị chỉ đạo chấn chỉnh công tác thú y, nhất là tại tuyến huyện, tuyến xã; khắc phục những tồn tại, bất cập trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (bao gồm: chủ động giám sát, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý; hướng dẫn các biện pháp vệ sinh phòng bệnh; phòng bệnh bằng vắc xin kịp thời, trước thời điểm có nguy cơ cao xuất hiện các loại dịch bệnh; công tác kiểm dịch vận chuyển ra, vào địa bàn cấp tỉnh,…)

Ngày 15/8/2018, Bộ NN-PTNT có Công văn số 6302/BNN-TY gửi UBND tỉnh Đắk Nông về việc bố trí kinh phí mua vắc xin Chương trình LMLM năm 2017; Ngày 30/8/2018, Bộ NN-PTNT có Công văn số gửi Chủ tịch UBND UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phối hợp chỉ đạo sử dụng Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS); trong đó có nội dung kể từ ngày 01/9/2018 các địa phương báo cáo dịch bệnh động vật thông qua hệ thống VAHIS (nhưng đến nay, đối với bệnh LMLM chỉ có duy nhật tỉnh Tiền Giang báo cáo số liệu dịch); Ngày 26/12/2018, Bộ NN-PTNT có Công văn số 10127/BNN-TY gửi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Đồng thời, Cục Thú y cũng ban hành nhiều văn bản gửi các địa phương về công tác phòng chống dịch bệnh LMLM, cụ thể: Ngày 15/8/2018, Cục Thú y đã có Công văn số 1940/TY-DT gửi Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật. 

Cục Thú y đã thành lập 08 Đoàn công tác đến tổng cộng 54 tỉnh, thành phố để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, trọng tâm đối với các dịch bệnh nguy hiểm như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng và Tai xanh.

Ngày 06/12/2018, Cục Thú y có Công văn số 2879/TY-DT gửi Giám đốc NN-PTNT thành phố Hà Nọi chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y khẩn trương thực hiện nghiêm công tác báo cáo tình hình dịch bệnh về Cục Thú y; đồng thời khẩn trương tổ chức phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật thú y hiện hành; Ngày 27/12/2018, Cục Thú y có số 3006/TY-DT gửi Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Ngày 27/12/2018, Cục Thú y đã có Công văn số 3037/TY-DT gửi Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh LMLM. Cục Thú y đã đề nghị Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y, Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố khẩn trương phối hợp với Un cấp huyện, UBND tập trung chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM theo đúng quy định tại Luật Thú y và các văn bản của Bộ NN&PTNT như Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; Công văn số 5983/BNN-TY ngày 06/8/2018 về việc chỉ đạo chấn chỉnh công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.

Gần đây là Chỉ thị của Bộ trưởng số 9747/CT-BNN-TY ngày 14/12/2018 về việc tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vụ Đông Xuân;.... Trong đó, khẩn trương tập trung tổ chức thực hiện tốt các biện pháp chính sau:

Đối với các địa phương đã, đang có ổ dịch LMLM: Xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh LMLM. Tổ chức tổng vệ sinh, xử lý gia súc bệnh, gia súc chết, phun thuốc tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho toàn bộ đàn gia súc của các xã đã, đang có dịch bệnh và các địa phương có nguy cơ cao. Quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra khỏi vùng có dịch theo đúng quy định.

Thành lập ngay BCĐ phòng, chống dịch bệnh và phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Thực hiện công bố dịch và khẩn trương tổ chức chống dịch theo đúng các quy định của pháp luật thú y hiện hành. Bố trí kinh phí và tổ chức các hoạt động chống dịch trên địa bàn. Tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi biết và chủ động hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh; trong đó cần nói rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh LMLM, các biện pháp xử lý gia súc bệnh, mức hỗ trợ của nhà nước đối với gia súc nghi mắc bệnh, mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Hằng ngày báo cáo đầy đủ, chi tiết và kịp thời cho Cục Thú y và các Chi cục Thú y vùng theo đúng quy định hiện hành.

Đối với các địa phương chưa có dịch: Chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp gia súc mắc bệnh; thực hiện lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có thẩm quyền đã được chỉ định để xét nghiệm, xác định chính xác các chủng vi rút LMLM gây bệnh để tổ chức tiêm phòng có hiệu quả. Rà soát, tổ chức tiêm phòng tại các địa bàn có nguy cơ cao; củng cố hệ thống báo cáo dịch nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, bảo đảm chính xác, kịp thời. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở trên địa bàn.

Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật và các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống dịch; về quyền lợi, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, nhằm phát triển chăn nuôi, cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh.

Đồng thời thành lập ngay các Đoàn công tác trực tiếp đến các xã đang có dịch để chỉ đạo xử lý dứt điểm các ổ dịch; và các nơi có nguy cơ cao để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật tại cơ sở theo đúng các quy định hiện hành.

 

Cục Thú y kiểm tra tình hình dịch LMLM tại Ba Vì, Hà Nội


Đôn đốc và kiểm tra phòng, chống dịch bệnh LMLM kịp thời nhưng địa phương không làm

Trong thời gian vừa qua, Cục Thú y đã thành lập nhiều Đoàn công tác đi đến các địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực tế công tác ở nhiều địa phương, cụ thể ở một số địa phương như sau:

Tại thành phố Hà Nội, ngay khi nhận được thông tin dịch bệnh LMLM xảy ra, ngày 06/12/2018, Cục Thú y đã cử đoàn công tác do Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y vùng I trực tiếp đến cơ sở đển hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM tại các huyện Ba Vì và Đan Phượng; Đoàn công tác đã đề nghị Chi cục khẩn trưởng tổ chức phòng, chống dịch bệnh và báo cáo đầy đủ theo quy định.

Sau nhiều lần nhắc nhở, ngày 07/12/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hà Nội mới lần đầu tiên có báo cáo, nhưng cũng không báo cáo chi tiết theo quy định, chỉ báo cáo số liệu dịch bệnh đã được Cục Thú y nêu tại Công văn số 2879/TY-DT gửi Giám đốc NN-PTNT TP. Hà Nội.

Từ ngày 07 – 21/12/2018, Cục Thú y liên tục đề nghị Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Hà Nội báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh, nhưng Chi cục không báo cáo; ngày 22/12/2018, Cục Thú y mới nhận được báo cáo lần thứ 2 của Chi cục nhưng cũng không có số liệu chi tiết theo quy định. 

Từ ngày 23 - 25/12/2018, Cục Thú y thành lập 03 Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn tiếp tục đến các địa phương của TP. Hà Nội để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và đã yêu cầu Chi cục báo cáo số liệu và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Tại tỉnh Hòa Bình, ngày 25/12/2018, Cục Thú y thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục làm trưởng đoàn đến tỉnh Hòa Bình để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh và đã yêu cầu Chi cục báo cáo số liệu và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM. Khi làm việc tại tỉnh Hòa Bình, Lãnh đạo Cục Thú y đề nghị Chi cục khẩn trương báo cáo theo đúng quy định; Ngày 27/12/2018, Cục Thú y có Công văn số 3006/TY-DT gửi Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y về việc thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và đã nhận được báo cáo của địa phương.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 25/11/2018, Cục Thú y đã cử Đoàn công tác đến hướng dẫn cho toàn bộ hơn 250 cán bộ thú y từ cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh về phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh LMLM và bệnh Tai xanh. Ngày 28/12/2018, Cục Thú y tiếp tục có Công văn số 3051/TY-DT gửi Sở NN-PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang về việc Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục Thú y đến làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM vào ngày 29/12/2018.

Tại tỉnh Hà Nam, ngày 25/12/2018, Cục Thú y cử đoàn công tác do Lãnh đạo Chi cục Thú y vùng I đến tỉnh Hà Nam để kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh LMLM.

Sau đó, ngày 26/12/2018, Lãnh đạo Cục Thú y đã trao đổi và đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở tổ chức kiểm tra và phòng, chống dịch bệnh và báo cáo tình hình dịch bệnh LMLM; ngày 28/12/2018, Cục Thú y tiếp tục có văn bản số 3052/TY-DT gửi Sở NN-PTNT và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Nam về việc thành lập Đoàn công tác do Lãnh đạo Cục Thú y đến làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM vào ngày 29/12/2018.

Sau sáp nhập, thú y cơ sở trở nên yếu ớt

Các địa phương đang sắp xếp lại hệ thống tổ chức theo hướng gộp đầu mối để tinh giảm biên chế; một số Chi cục được sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc Sở NN-PTNT; nhiều tỉnh đã cắt giảm rất nhiều nguồn nhân lực và kinh phí, do đó không còn bảo đảm khả năng tổ chức có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.

Nhiều tỉnh, thành phố đã sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y với các đơn vị khác thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý. Do vậy, các Chi cục Chăn nuôi và Thú y không còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y trực thuộc như trước đây; và việc tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM nói riêng và công tác thú y nói chung do các Trung tâm này thực hiện theo chỉ đạo của UBND cấp huyện. 

Lãnh đạo Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục đã thành lập Đoàn công tác đến nhiều địa phương khác để kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh LMLM và các dịch bệnh động vật khác.

Ví dụ về các địa phương đã thành lập các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện quản lý như: Tỉnh Bắc Ninh (từ 01/10/2018), Hà Nam (từ 01/7/2018), Hòa Bình (Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cắt giảm 31/90 người (giảm 35%) so với trước đây; và đã có kế hoạch sáp nhập các đơn vị thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thuộc UBND huyện quản lý vào tháng 01/2019),… Mặt khác, nhiều địa phương đã giao cho chính quyền cấp xã tuyển chọn và trả lương, phụ cấp cho nhân viên thú y xã, thôn, bản (trước đây do Chi cục tổ chức thực hiện).

Các địa phương chỉ có chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin LMLM cho trâu, bò, lợn nái và lợn đực giống; không hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho lợn thịt, trong khi đó vi rút LMLM lưu hành nhiều, nhất là đối với các trường hợp lợn bệnh, người chăn nuôi giữ lại để điều trị nên mặc dù lợn có thể khỏi triệu chứng lâm sàng, những vẫn mang và bài thải vi rút LMLM lây lan sang các đàn chưa bị bệnh.

Như vậy, có thể nói trong thời gian qua và ngay trong những ngày nghỉ Tết dương lịch, lãnh đạo Cục Thú y và các đơn vị thuộc Cục đã và đang rất nỗ lực, trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành phố để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch LMLM và các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Xem thêm
Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất