| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi - Tái cấu trúc chăn nuôi lợn: Vừa chống, vừa xây!

Chủ Nhật 28/04/2019 , 10:27 (GMT+7)

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động chăn nuôi lợn, đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm đang được Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu cần phải đẩy mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt, đa dạng hóa tiêu dùng thực phẩm.

Xa hơn, đây còn là định hướng để từng bước vươn ra XK sản phẩm gia cầm.
 

Lấy thịt gà bù thịt lợn

Tại hội nghị bàn về giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm mới đây cùng các tỉnh thành chăn nuôi gia cầm trọng điểm trên cả nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Thịt lợn và thịt gia cầm (chủ yếu là gà) chiếm tới 90% nhu cầu tiêu thụ thịt hàng năm của cả nước. Trong đó, thịt lợn đóng vai trò chủ chốt trong ngành chăn nuôi. Vì vậy khó khăn, bất cập cho ngành chăn nuôi hiện nay đó là khi ngành hàng thịt lợn có biến động, mà điển hình là ảnh hưởng do DTLCP vừa qua, thì lập tức có tác động tới CPI cả nước. Đây là đặc thù và là thói quen tiêu dùng đòi hỏi phải có sự thay đổi, từng bước đa dạng hóa rổ thực phẩm thịt, trong đó có việc phải từng bước nâng cao cơ cấu tiêu dùng thịt gia cầm trong thời gian tới.

14-48-51_dscf0601
Chăn nuôi lợn khó khăn là cơ hội để phát triển gia cầm

Khẳng định vai trò quan trọng của gia cầm trong rổ thực phẩm của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể phải dai dẳng, thời gian khôi phục ngành hàng thịt lợn sẽ còn lâu dài. Nếu 2 - 3 năm tới, ngành hàng thịt lợn trong nước mới có thể khôi phục được hoàn toàn thì nguy cơ thịt lợn, thịt gia cầm nước ngoài NK vào Việt Nam sẽ tăng cao. Vì vậy, việc đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, nhất là gà không chỉ có vai trò thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong nước, mà còn hướng tới XK trong tương lai.

Bàn về giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm gắn với XK, Bộ trưởng cho rằng những năm qua, Việt Nam đã hình thành đầy đủ nền công nghiệp chăn nuôi gia cầm, từ công nghệ giống, siêu thịt, trứng, nền tảng công nghiệp thức ăn, có dạng hình chăn nuôi phù hợp, đồng thời cũng đã có cả những lĩnh vực liên kết trong SX. Đây là cơ sở để thúc đẩy SX, tiến tới XK trong lĩnh vực này. Bởi gia cầm có điều kiện và dư địa SX còn rất lớn, chỉ hơn 2 tháng đã có thể xuất chuồng được (gà màu). “Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì được một bộ phận người chăn nuôi gia cầm được tổ chức bài bản, có tiềm lực, vì vậy để nâng lên thành một ngành hàng có quy mô phù hợp là hoàn toàn khả thi” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý: Việc phát triển chăn nuôi gia cầm cần phải đúng quy hoạch, không để xảy ra dịch bệnh; từng quy mô ngành hàng phải tính được thị trường, phải định dạng thị trường nhằm tập trung phát triển, đẩy nhanh XK.
 

“Tất cả các dòng sông đều chảy”

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: DTLCP đã, đang và sẽ ảnh hưởng dai dẳng tới ngành hàng chăn nuôi lợn của nước ta. Hiện tại, Bộ NN-PTNT chủ trì, cùng các Bộ ngành khác như Y tế, KH-CN... triển khai một chương trình chung tổng thể cấp Nhà nước về phòng chống DTLCP trong dài hạn, trong đó có việc nghiên cứu vacxin, các giải pháp tổng thể dài hạn về môi trường, kiểm soát dịch tễ... với mục tiêu xác định phải sống chung với DTLCP. Dù vậy, thực tiễn thế giới từ khi xuất hiện DTLCP đến nay đã gần 100 năm, tuy nhiên vẫn chưa có vacxin hay biện pháp chữa trị hữu hiệu.

14-48-51_1
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến

Việt Nam, vì vậy dù có kế thừa những tiến bộ của thế giới, thì vẫn sẽ cần những thời gian dài mới có thể có các giải pháp ứng phó hiệu quả với DTLCP. Theo Thứ trưởng Tiến, thực tế này cho thấy, tinh thần, phương châm của ngành chăn nuôi nói chung hiện nay của Việt Nam, phải giống như “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “tất cả các dòng sông đều chảy”. Nghĩa là vừa phòng chống hiệu quả DTLCP, vừa phải tiếp tục giữ được đà phát triển, tăng trưởng chung của ngành chăn nuôi; phát triển chăn nuôi phải đồng bộ, cả về chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, trứng, sữa, thịt lợn..., chứ không chỉ chăm chăm mỗi chăn nuôi lợn hoặc chỉ tập trung hết cho mỗi việc phòng chống DTLCP.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá: Những năm qua, chăn nuôi gia cầm Việt Nam đã có những bước tiến nhảy vọt, hiện một số DN lớn đã đầu tư dây chuyền công nghệ chăn nuôi hiện đại, khép kín, tự động hóa 100%. Dịch bệnh về gia cầm những năm qua cũng đã được khống chế, tạo điều kiện để bước đầu xây dựng được một số vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn dịch bệnh, được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận và đã XK được sản phẩm gia cầm sang Nhật Bản...

Mặc dù vậy, chăn nuôi gia cầm của Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức nếu muốn vươn ra XK. Đó là xu hướng chủ nghĩa bảo hộ của các nước ngày càng siết chặt về tiêu chuẩn các sản phẩm nông sản nói chung, trong đó có các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi; dịch bệnh vẫn tiềm ẩn những phức tạp, khó lường; chăn nuôi gia cầm nước ta nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ; hạ tầng chế biến, giết mổ còn rất hạn chế...

Vì vậy thời gian tới, cần phải tập trung tháo gỡ một số nút thắt cho chiến lược xây dựng ngành gia cầm nước ta. Một là các đơn vị của Bộ NN-PTNT phải phối hợp với các DN, địa phương để xây dựng nhiều hơn nữa các vùng an toàn dịch bệnh được OIE công nhận, bởi đây là tiền đề quan trọng nhằm tạo điều kiện để XK các sản phẩm gia cầm... Hai là công tác giống gia cầm, phải tập trung hơn nữa lực lượng nghiên cứu, cả khối viện – trường và cả khối DN; cả theo hướng giống năng suất (chú trọng dành cho các DN chế biến lớn) và cả hướng đặc sản, giống bản địa, gà lông màu chất lượng cao. Công tác nghiên cứu, cần phải sàng lọc lại, tập trung vào các đề tài chiến lược, dài hơi, có tính kế thừa đồng bộ cả về giống, thức ăn, dinh dưỡng, phương thức chăn nuôi...
 

Vướng nhất là xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Cty De Heus Việt Nam đánh giá, khó khăn về chăn nuôi heo hiện nay cũng là cơ hội cho ngành chăn nuôi gia cầm phát triển. "Chúng tôi nhận định, ngành chăn nuôi gia cầm thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam còn tiềm năng rất lớn. Hiện Cty De Heus Việt Nam đã đặt mục tiêu từ năm 2019 đến 2024 sẽ tăng đàn gia cầm của Cty từ 18 lên 38 triệu con gà thịt/năm và khoảng 2 triệu gà đẻ/năm. Hiện tại, ở vùng Đông Nam Bộ, Cty đang liên kết với hơn 10 trang trại gia cầm có quy mô từ lớn từ 80 nghìn đến 400 nghìn con gà thịt/năm, cùng 7 NM giết mổ", ông Hiếu cho biết.

14-48-51_2
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó TGĐ Cty De Heus Việt Nam

Từ năm 2017 đến nay, De Heus Việt Nam phối hợp với các đối tác chăn nuôi và đối tác Koyu & Unitek đã XK được sản phẩm thịt gà sang thị trường Nhật Bản, với doanh thu hiện nay vẫn còn hạn chế. Mặc dù vậy từ năm 2019, dự báo doanh thu từ XK thịt gà sang Nhật của Cty sẽ phát triển mạnh, dự kiến tăng 22% trong năm 2019 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới.

Một trong những yếu tố khiến lượng thịt gà XK sang Nhật của Cty hiện nay chưa phát triển mạnh, đó vẫn là khó khăn về nguyên liệu, mà nguyên nhân là chưa xây dựng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh được OIE công nhận. Nếu có nguyên liệu đạt yêu cầu, Cty sẽ XK được đơn hàng trung bình 3.000 tấn/tháng. Nhật Bản hiện NK 3 triệu tấn thịt gia cầm các loại/năm, là cơ hội rất lớn cho Việt Nam. Các nhà NK Nhật Bản hiện nay cũng đang rất quan tâm đến các đối tác cung ứng thịt gia cầm từ Việt Nam do các mối quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa hai nước đang rất tốt.

Bên cạnh đó, các trại chăn nuôi liên kết với De Heus hiện đa số là các trang trại thế hệ cũ, chưa đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn về chăn nuôi của các nhà NK. Trong khi đó, do nhiều khó khăn liên tục những năm qua về chăn nuôi, việc tìm kiếm các đối tác mới trong chăn nuôi gia cầm cũng đang gặp nhiều khó khăn do nhiều đối tác không mặn mà đầu tư.

Áp lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam nói chung, trong đó có gia cầm khi tham gia vào thị trường quốc tế cũng đang là thách thức rất lớn. Hiện De Heus mới chỉ XK được dòng sản phẩm chất lượng cao, đó là ức gà, chưa XK được các nhóm sản phẩm khác. Và hiện cũng chỉ có nhóm sản phẩm ức gà là có thể cạnh tranh được với các sản phẩm cùng chủng loại của các quốc gia có chăn nuôi gia cầm tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Brazil, Thái Lan...

Ngoài cung cấp thức ăn, De Heus đang phải nỗ lực thu mua trở lại sản phẩm gà thịt của các trang trại liên kết để cung cấp trở lại cho các NM giết mổ. Bên cạnh đó, Cty cũng đang đứng ta tìm kiếm đối tác cho các NM giết mổ, đó là các DN nhập khẩu của các nước. Hiện nay ngoài đối tác Koyu & Unitek của Việt Nam, Koyu & Unitek của Nhật Bản cũng đang rất quan tâm và đang có ý tưởng muốn hợp tác với Cty chúng tôi để xây dựng các NM giết mổ, đóng gói, chế biến các sản phẩm gia cầm ngay tại Việt Nam để XK về Nhật Bản.

"Từ năm 2020, Luật Chăn nuôi sẽ chính thức có hiệu lực. Bộ NN-PTNT đang khẩn trương xây dựng 2 nghị định và 7 thông tư để thi hành Luật Chăn nuôi. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện hết sức thuận lợi để chăn nuôi nói chung, trong đó có gia cầm phát triển cũng như cơ cấu lại toàn ngành chăn nuôi, nhất là về phương thức chăn nuôi. Cụ thể với phương thức chăn nuôi, Việt Nam tất yếu và nhất thiết phải chuyển dần sang quy mô lớn, chăn nuôi có điều kiện, đảm bảo an toàn sinh học, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, khuyến khích SX theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, chứ không thể nhỏ lẻ, nguy cơ dịch bệnh như hiện nay.

DTLCP không lây sang người, chứ lây sang người thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra, khi mà rất nhiều nơi, chuồng lợn ở sát nách nhà ở. Dĩ nhiên, đây là định hướng dài hơi, cần phải làm từng bước nhằm đảo bảo hài hòa sinh kế cho người dân chứ không thể ngày một ngày hai là làm được ngay".

(Thứ trưởng Phùng Đức Tiến)

 

Xem thêm
Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hồi sinh giống lúa đặc sản nếp cái hoa vàng Kinh Môn

Hải Dương Giống lúa nếp cái hoa vàng Kinh Môn sau phục tráng cho năng suất và giá trị kinh tế cao hơn so với nếp cái hoa vàng thông thường.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất