| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống rét cho cá nuôi

Thứ Bảy 16/11/2019 , 09:22 (GMT+7)

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, mùa đông năm nay có thể có những đợt rét đậm, rét mạnh theo từng đợt,...

Sự chênh lệch nhiệt độ nước ngày đêm lớn, môi trường nước thay đổi ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ sống và cá hay bị một số bệnh như đốm đỏ, nấm thủy mi…

Để chủ động chống rét và phòng trị bệnh cho cá, Sở NN- PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan triển khai một số nội dung cấp bách.

Đối với thủy sản nuôi chưa đạt cỡ thương phẩm, đàn cá bố mẹ, cá giống nuôi lưu qua đông cần tăng cường chống rét, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh và thời tiết xấu. Duy trì mực nước ao nuôi đảm bảo độ sâu trên 1,5 - 2m. Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nylon sáng màu hoặc làm giàn cây leo trên mặt ao, như làm giàn bí, giàn bầu..., thả bèo 1/3 - 2/3 diện tích mặt ao để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho ao nuôi.

Đặc biệt phải cho cá ăn đầy đủ, sử dụng thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng cường đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤12oC thì ngừng cho ăn. Định kỳ bón vôi, liều lượng 1,5 - 2 kg/100m3 (2 lần/tháng) xuống ao để ổn định môi trường ao nuôi và diệt nầm bệnh. Khi rét đậm, rét hại tuyệt đối không kéo lưới kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh bị xây xát nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm thủy mi, trùng quả dưa, trùng bánh xe và ký sinh trùng…

Trong trường hợp cá bị nhiễm bệnh đốm đỏ thì cá có dấu hiệu cá kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên tầng mặt, da cá thường đổi màu tối không có ánh bạc, cá mất nhớt, khô ráp. Xuất hiện các đốm màu đỏ trên thân, các gốc vây, quanh miệng, râu xuất huyết hoặc bạc trắng. Dùng kháng sinh nguyên liệu Oxtetraciline, liều lượng cho cá ăn từ 3 - 5g/100kg cá/ngày; ăn liên tục 5 - 7 ngày (không dùng kháng sinh để tăng hệ miễn dịch và chống stress cho cá) kết hợp với tắm Iodine, liều lượng 1 lít/2.000 - 3.000m3.

Bệnh nấm thủy my, cá có dấu hiệu trên da xuất hiện các vùng trắng xám, có các sợi nấm nhỏ mềm, sau vài ngày sợi nấm phát triển, đan chéo thành từng búi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dùng Formaline tắm với nồng độ 200 - 250 ml/m3 trong thời gian 15 - 20 phút tùy thuộc vào sức khỏe cá nuôi (theo dõi cá trong suốt quá trình tắm), hoặc phun xuống ao 1 lần/ tuần, nồng độ 10 - 15 ml/m3.

Khi bị bệnh trùng mỏ neo, cá bơi lội không bình thường, khả năng bắt mồi giảm. Trùng hút dinh dưỡng nên cá gầy yếu, cá khi bị nặng làm các tổ chức gần nơi ký sinh sưng đỏ, viêm loét, tế bào hồng cầu bị thẩm thấu ra ngoài, sắc tố da biến nhạt, cá bơi lội mất thăng bằng. Tắm cho cá bằng Clodioxit nồng độ 1 - 3ml/m3, thời gian từ 20 - 30 phút hoặc phun xuống ao, bể nuôi 2 lần/ tuần, nồng độ 01 lít/ 2.000 - 3.000m3 hoặc dùng lá xoan 0,4 - 0,5 kg/m3 bón vào ao nuôi cá bị bệnh có thể tiêu diệt ký sinh trùng.

Sở NN-PTNT yêu cầu Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh chỉ đạo các trại giống trực thuộc tiến hành các biện pháp phòng chống rét cho đàn cá bố mẹ và cá giống lưu qua đông đảm bảo có đủ giống sớm, chất lượng cho người nuôi thủy sản. Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật chống rét và phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản thông qua các bản tin khuyến nông…

Xem thêm
Thừa Thiên - Huế đề xuất đầu tư 350 tỷ đồng cho hạ tầng nghề cá

Tỉnh Thừa Thiên - Huế đề xuất bổ sung 350 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá địa phương, góp phần nâng cao năng lực ngành thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU

TIỀN GIANG Khai thác hải sản là nghề truyền thống của ngư dân thị trấn Vàm Láng. Thời gian qua, người dân khắc phục khó khăn, vươn khơi bám biển, chấp hành tốt các quy định IUU.