| Hotline: 0983.970.780

Phòng chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân, đảm bảo an ninh lương thực

Thứ Sáu 03/04/2020 , 18:12 (GMT+7)

Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng, chống sinh vật gây hại lúa Đông Xuân ở các tỉnh phía Bắc.

Theo Chỉ thị của Bộ NN-PTNT, thời tiết năm 2020 thuận lợi cho rất nhiều loại sâu, bệnh hại phát triển nên cần đặc biệt chú ý, không được lơ là, chủ quan. Ảnh: Trần Công Lý.

Theo Chỉ thị của Bộ NN-PTNT, thời tiết năm 2020 thuận lợi cho rất nhiều loại sâu, bệnh hại phát triển nên cần đặc biệt chú ý, không được lơ là, chủ quan. Ảnh: Trần Công Lý.

Thời tiết thuận lợi cho nhiều sâu bệnh hại lúa

Tại Chỉ thị số 2380/CT-BNN-BVTV, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay tại các tỉnh, thành phố phía Bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra) có trên 1,1 triệu ha lúa Đông Xuân đang sinh trưởng, phát triển tốt, trong đó vùng Bắc Trung bộ khoảng 351.000 ha, vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc khoảng 755.000 ha.

Trong khi đó, thời tiết vụ Đông Xuân 2019-2020 đang có những diễn biến khó lường, từ cuối tháng 3 đến nay có mưa nhỏ, ẩm độ cao liên tục là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sinh vật gây hại bùng phát, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, thậm chí là bệnh bạc lá trong vụ Đông Xuân.

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, ở vùng Bắc Trung bộ lúa Đông Xuân sớm đã trỗ hơn 65.000 ha, trà lúa chính vụ dự kiến trỗ từ 5-20/4/2020 sẽ có nguy cơ rất cao bị bệnh đạo ôn cổ bông gây hại nặng nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát sinh (nhiệt độ 23-25oC và ẩm độ cao kéo dài).

Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc bệnh đạo ôn lá sẽ bùng phát và gây hại nặng trên giống nhiễm từ đầu đến giữa tháng 4 và là nguồn bệnh gây hại trên cổ bông cho các trà lúa trỗ trong tháng 4 đến trung tuần tháng 5.

Bên cạnh đó, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 gây hại chính ở vụ Đông Xuân sẽ gây hại trên diện rộng với mật độ cao ở nhiều tỉnh, nhất ở các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng từ giữa đến cuối tháng 4. Rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 phát sinh và gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5.

Để đảm bảo thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 và Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01/4/2020 về việc công bố dịch COVID-19 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời vẫn bảo vệ tốt các trà lúa vụ Đông Xuân, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Thừa Thiên - Huế trở ra và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT thực hiện một số nội dung sau.

Các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra cần chủ động rà soát, dự báo và phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại để tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sớm. Ảnh: TTKNH.

Các tỉnh, thành từ Thừa Thiên Huế trở ra cần chủ động rà soát, dự báo và phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại để tổ chức phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sớm. Ảnh: TTKNH.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo Sở NN-PTNT, UBND các huyện cấp bách tổ chức phòng, chống một số sinh vật gây hại quan trọng sau:

- Vùng Bắc Trung bộ: Tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên trà lúa trỗ từ 5-20/4/2020, đặc biệt tại Hà Tĩnh, Nghệ An. Bám sát đồng ruộng để điều tra diến biến phát sinh, gây hại của bệnh.

Phun phòng bệnh bằng các thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Isoprothiolane, Tricyclazole, Fenoxanil, Azoxystrobin, Difenoconazole,... khi lúa trỗ 5%, những nơi áp lực bệnh cao phun lần 2 sau khi lúa trỗ hoàn toàn.

Điều tra các ổ rầy nâu, rầy lưng trắng trên các trà lúa giai đoạn sau trỗ để chỉ đạo phun trừ kịp thời không để cháy rầy trên diện rộng.

- Vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi phía Bắc: Tiếp tục chỉ đạo phòng, chống bệnh đạo ôn lá, nhất là trên giống nhiễm và bệnh đạo ôn cổ bông trên các trà lúa trỗ trong tháng 4 đến giữa tháng 5. Kết hợp chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ từ giữa đến cuối tháng 4, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 để bảo vệ năng suất lúa.

- Chỉ đạo chăm sóc và bón phân tập trung vào các đợt bón thúc, không bón đón đòng (khi lúa ôm đòng - sắp trỗ) để giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của bệnh bạc lá trong trường hợp gặp mưa, gió lớn.

- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo từ địa phương lên trung ương theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời.

- Chỉ đạo hệ thống thanh tra chuyên ngành thanh kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch để tăng giá hoặc bán hàng không đảm bảo chất lượng.

Chỉ đạo Sở Công thương và các cơ quan liên quan cung ứng vật tư nông nghiệp thiết yếu (thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) trên địa bàn tỉnh phục vụ đầy đủ theo nhu cầu của nông dân.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông ở địa phương thông tin tuyên truyền biện pháp phòng chống sinh vật gây hại đến tận người dân.

Các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT cần chủ động liên lạc, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để đảm bảo vụ Đông Xuân thắng lợi, giữ vững an ninh lương thực theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTKNTH.

Các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT cần chủ động liên lạc, phối hợp với các địa phương và đơn vị liên quan để đảm bảo vụ Đông Xuân thắng lợi, giữ vững an ninh lương thực theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TTKNTH.

Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT:

a) Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng thường xuyên nắm tình hình sinh vật gây hại và công tác chỉ đạo ở các tỉnh trong vùng; tổ chức kiểm tra thực tế tình hình sinh vật gây hại trên đồng ruộng ở một số tỉnh trọng điểm (trước các đợt dịch). Phối hợp Cục Trồng trọt kiểm tra tình hình sinh vật gây hại và hỗ trợ địa phương chỉ đạo phòng chống sinh vật gây hại. Là đầu mối tham mưu, chỉ đạo, tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình phòng chống sinh vật gây hại.

b) Cục Trồng trọt hướng dẫn các địa phương biện pháp canh tác, chăm sóc, bón phân tập trung cân đối để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, đảm bảo năng suất, sản lượng.

c) Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật tổ chức thông tin, tuyên truyền về cảnh báo và biện pháp phòng chống sinh vật gây hại trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, chỉ đạo các Viện thành viên phối hợp với các Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng để hỗ trợ địa phương công tác điều tra phát hiện, dự báo và hướng dẫn phòng, chống sinh vật gây hại.

Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Bộ khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nội dung trên; thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện và phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Bộ NN-PTNT (qua Cục Bảo vệ thực vật) để kịp thời xử lý.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm