| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

Phòng chống thiên tai phải đi vào chuyên nghiệp

Thứ Hai 09/07/2018 , 19:33 (GMT+7)

Chiều 9/7, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) họp sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2018. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định tình hình thiên tai 6 tháng cuối năm, nước ta chịu ảnh hưởng từ 12 - 13 cơn bão, trong đó có khoảng 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nhiều đợt lũ lớn xuất hiện trong thời gian ngắn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các sông suối nhỏ.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, từ nay đến cuối năm là thời kỳ trọng điểm PCTT trên khắp các vùng miền với xu thế diễn biến thiên tai gần đây rất phức tạp. Trong những tháng đầu năm, thiên tai đã có nhiều biểu hiện bất thường, khó lường, cực đoan cả về mưa lũ, nắng nóng, dông lốc, mưa đá, sạt lở bờ sông, bờ biển… Một số khu vực trên cả nước, công tác khôi phục, tái thiết sau thiên tai năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 vẫn đang trong quá trình thực hiện. Một vài nơi, người dân vẫn chưa ổn định chỗ ở. Nhiều khu vực nguy cơ thiên tai gia tăng so với trước đây.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích làm rõ thực trạng yếu kém, hạn chế và các bài học kinh nghiệm trong công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai trong thời gian qua, nhất là đợt mưa lũ mới đây tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Trọng Quảng và Giám đốc Sở NN-PTNT Lào Cai Nguyễn Anh Tuấn đều khẳng định mưa lũ ngày càng bất thường và để lại thiệt hại rất nặng nề. Ông Quảng cho rằng, dù có chủ động đến mấy thì địa hình miền núi như các tỉnh Lai Châu, Hà Giang gặp rất nhiều khó khăn trong việc ứng cứu khẩn cấp và khắc phục các sự cố do thiên tai gây ra.

Nhấn mạnh về một trong những giải pháp tối ưu trong đối phó với thiên tai, ông Quảng cho rằng, đó là chuẩn bị tốt nhất phương án "4 tại chỗ", trong đó chú trọng đến nguồn lực cả con người và vật chất. Đặc biệt là người chỉ huy phải thực sự dũng cảm, quyết đoán, quyết liệt trong việc đưa ra phương án di dời dân khẩn cấp trước những tình huống có nguy cơ xảy ra sạt lở cao.

Liên quan đến đợt mưa lũ, lũ quét từ ngày 23-26/6 vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhất là tại Lai Châu, Hà Giang, lãnh đạo Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, thiên tai đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Qua công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả và kiểm tra tại các địa phương cho thấy còn nhiều vấn đề cần xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới.

Đáng nói nhất là lực lượng ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục tại chỗ mỏng, phương tiện thô sơ, nghèo nàn nên hiệu quả hạn chế. Nội dung này trong phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề cập khá rõ.

Theo Bộ trưởng, thiên tai bão lũ ngày càng không chừa một nơi nào nữa, nó có thể càn quét bất cứ ở đâu trên đất nước ta. Từ đó đặt ra yêu cầu phải luôn luôn cảnh giác và chủ động sáng tạo trong mọi tình huống. Bộ trưởng nhắc đến hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tiềm ẩn nhiều rủi ro qua việc xả lũ thủy điện Hòa Bình hồi năm ngoái nên cần có phương án để chủ động đối phó.

Trưởng ban chỉ đạo PCTT Trung ương lưu ý, điều quan trọng trong công tác PCTT là dự báo. Việc này, dù khó khăn đến mấy thì nhà nước vẫn đầu tư nguồn lực cả con người và thiết bị hiện đại. Vấn đề là sự vận hành của con người được đến đâu, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc không? Theo ông Cường, không chỉ có tài năng vận hành mà phải học hỏi, nghiên cứu, tiếp cận các đài dự báo trên thế giới để giúp mình trong mọi tình huống.

Một vấn đề cũng được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đặc biệt lưu ý các địa phương là phải kiện toàn, sắp xếp bố trí con người, vật lực cho Văn phòng Thường trực BCĐ PCTT một cách chuyên nghiệp. “Nhất quyết không để tồn tại các Văn phòng này một cách hình thức và vô trách nhiệm. Tôi thấy, có địa phương kêu thiệt hại do thiên tai mất 1 – 1,5% GDP trong khi các Văn phòng BCĐ PCTT không được quan tâm đúng mức. Như thế thì kêu ca thiệt hại làm gì”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Đề cập đến một số giải pháp trọng tâm, Bộ trưởng lưu ý phương án "4 tại chỗ" chưa bao giờ cũ mà vấn đề là phải chuẩn bị mọi phương án tối tân nhất; đặc biệt là những gì thiết yếu. Chẳng hạn, người dân cần đèn dầu, bật lửa trong khi đi cứu trợ chúng ta cứ mang mì tôm, bánh mì. Bộ trưởng giao Tổng cục Thủy lợi sử dụng nguồn 500 tỷ đã được Thủ tướng phê duyệt cho đầu tư nâng cấp 83 hồ chứa nước được đảm bảo tiến độ, chất lượng; giao các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện nội dung trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 66 giúp cho việc thực thi Luật PCTT đạt hiệu quả.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

149 dự án tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị, 149 dự án thuộc 21 lĩnh vực.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.