| Hotline: 0983.970.780

Phòng dịch tốt sẽ né tránh và giảm thiệt hại dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Ba 10/12/2019 , 09:00 (GMT+7)

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An - cho rằng ở đâu phòng dịch tốt thì ở đó bị thiệt hại không nhiều.

Phun tiêu độc khử trùng chuồng trại phòng chống dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Trọng Linh.

Tính đến nay, Nghệ An đã tiêu hủy khoảng 90.000 con lợn với tổng trọng lượng hơn 3.500 tấn. Hiện vẫn còn một số xã thuộc các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Quỳnh Lưu… dịch tả lợn Châu Phi chưa qua 30 ngày. Tuy vậy, đến thời điểm này dịch tả lợn Châu Phi ở Nghệ An cơ bản được kiểm soát.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tổng đàn lợn toàn tỉnh vẫn còn được duy trì trên 800.000 con, tập trung chủ yếu ở các hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên.

 "Đánh giá của chúng tôi, ở đâu tuân thủ chặt chẽ quy trình phòng chống dịch tốt từ việc khử trùng tiêu độc ngăn ngừa mầm mống gây bệnh từ xa đến quản lý và nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn chặt chẽ, phát hiện lợn bị nhiễm dịch tiêu hủy kịp thời đúng quy trình hướng dẫn… thì ở đó mức độ thiệt hại không nhiều", ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An chia sẻ.

Theo ông Quỳnh, việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vacxin phòng bệnh, mặt khác rất khó xác định cơ chế lây truyền của loại bệnh dịch này. Vì vậy quan trọng nhất vẫn là sự chủ động phòng chống dịch bệnh tại mỗi trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Những nhận xét, đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y về dịch tả lợn Châu Phi vừa qua ở Nghệ An theo chúng tôi là rất xác đáng.

Gia trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Vũ ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu có quy mô lên đến 250 con lợn thịt. Tại địa phương, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện từ tháng 6/2019, ổ dịch chỉ cách gia trại của ông Vũ khoảng 200m.

Biết ổ dịch đã xuất hiện kề cận trại lợn nhà mình, ông Vũ không chủ quan, cũng không hốt hoảng lo bán chạy lợn. Ngay lập tức ông áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy trình kỹ thuật do ngành chăn nuôi hướng dẫn.

Ông tự mình phun thuốc khử trùng tiêu độc triệt để hàng ngày, đồng thời tiến hành rắc vôi bột bao quanh khắp chuồng trại, cấm triệt để mọi người không được ra vào chuồng trại (kể cả vợ con ông).

Mỗi lần ra, vào chuồng trại để vệ sinh, cho lợn ăn ông đều tự làm và trước khi làm ông phải thay dép và quần áo rất cẩn thận. Khi có lợn thịt xuất chuồng, xe đến mua lợn phải dừng ở phía ngoài cách cổng trại 100m và được phun thuốc sát trùng. Việc vận chuyển lợn từ trang trại do chính xe của chủ trang trại đưa ra. Với cách phòng dịch như vậy, trang trại lợn của nhà ông Vũ vẫn an toàn triệt để, đàn lợn khỏe mạnh.

Ngược lên huyện miền núi Tân Kỳ, ông Lê Đức Tình - Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y cho biết: Toàn huyện hiện có 42.000 con lợn, từ khi xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi đến nay có 12/22 xã, thị trấn bị nhiễm dịch nhưng số lợn bị tiêu hủy không đáng kể. Đặc biệt 100% số đầu lợn của 150 trang trại lợn có quy mô từ 30 con trở lên trong toàn huyện hoàn toàn được bảo vệ an toàn nhờ chủ động phòng chống dịch. Trong đó biện pháp đầu tiên là phun hóa chất tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột xung quanh chuồng trại, tuyệt đối cấm người ngoài ra vào chuồng trại.

Một trong những trại lợn khá lớn ở huyện Tân Kỳ là trang trại của ông Bùi Bá Hợi ở xã Đồng Văn, đang duy trì 500 con lợn thịt với trọng lượng bình quân khoảng 80 kg/con, dự kiến sẽ xuất chuồng vào dịp Tết âm lịch sắp tới. Chúng tôi hỏi ông Hợi: Xung quanh trang trại lợn của nhà ông đã có dịch tả lợn Châu Phi và số lợn chết được tiêu hủy cũng khá nhiều, kinh nghiệm gì giúp trại lợn của gia đình vẫn an toàn gần như tuyệt đối như vậy?

Ông Hợi nói ngay, trước và sau khi có thông tin về dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Nghệ An, tôi đã nhanh chóng áp dụng biện pháp ngăn ngừa dịch từ xa. Cụ thể tiến hành phun hóa chất tiêu diệt khử trùng sớm, phun nhiều lần, phun từ ngoài xa phun đến trại. Đồng thời mua vôi bột về rắc khắp mọi nơi quanh chuồng trại, cấm tuyệt đối mọi người (trừ tôi và vợ) ra vào trại. Tôi và vợ khi ra vào trại phải thay giày dép, quần áo để từ ngoài cổng trại mới được đi vào.

Theo ông Hợi, chủ động phòng bệnh sớm, phòng triệt để, không tạo ra kẽ hở nào để mầm mống bệnh xâm nhập vào, là biện pháp tốt nhất để phòng chống dịch.

Đến thời điểm này, tổng đàn lợn ở Nghệ An vẫn còn hơn 800.000 con là cả một sự cố gắng lớn trong phòng chống dịch tả lợn Châu Phi của cả tỉnh. Phần lớn số lợn chết bị tiêu hủy là chăn nuôi nhỏ lẻ các hộ chủ quan trong công tác phòng chống bệnh gây ra. Đáng mừng nhất là đàn lợn nái ở một số trang trại vẫn được duy trì và đây sẽ là nguồn cung cấp con giống cho các hộ dân chăn nuôi lợn thịt tại chỗ khi tái đàn.

Xem thêm
Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.