| Hotline: 0983.970.780

Phòng khám 0 đồng giữa lòng Hà Nội

Thứ Sáu 13/03/2020 , 08:35 (GMT+7)

Các bác sĩ đầu tóc bạc phơ ân cần chăm sóc từng người bệnh, suốt 28 năm qua, họ chưa bao giờ lấy của người dân một đồng tiền khám.

Phòng khám miễn phí được bà Tố và những người cao tuổi lập ra đến nay đã tròn 28 năm. Ảnh: Long Nguyễn.

Phòng khám miễn phí được bà Tố và những người cao tuổi lập ra đến nay đã tròn 28 năm. Ảnh: Long Nguyễn.

Bỏ tiền túi mở phòng khám miễn phí

6h sáng thứ 2 hàng tuần, bà Trương Thị Hội Tố (87 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội) lại bỏ 70 nghìn tiền túi, bắt xe ôm đi từ nhà ở đường Nguyễn Viết Xuân đến phòng khám, trụ sở tại Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát (nằm trên ngõ 119 đường Giáp Bát, Hà Nội).

Một tay chống gậy, một tay vịn vào vai cô hội viên Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát, lê bước đi nặng nề, nét mặt nhăn nhó do bị đôi chân đau hành hạ, người phụ nữ ngoài 80 tuổi bước vào phòng khám với những câu chào hỏi rôm rả và nở nụ cười nhân hậu, làm cho không khí căn phòng trở nên ấm và thân thiện với tất cả những người đang có mặt ở đây.

Phòng khám “0 đồng” này được bà Tố cùng những người bạn cao tuổi lập ra đến nay đã tròn 28 năm. Câu chuyện về những bác sĩ có mái đầu bạc tận tụy khám bệnh, tư vấn cho người dân được nhiều người biết đến.

Chia sẻ về ý tưởng mở phòng khám miễn phí, bà Tố nhớ lại, xuất phát từ những lần bà đạp xe hàng chục cây số đến các vùng ngoại thành để khám chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Cảm nhận được sự khốn khổ của những người khi mắc bệnh, cũng kể từ đó bà ao ước mở phòng khám từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó, những bệnh thông thường sẽ được điều trị khỏi mà không phải đến bệnh viện.

Bà Tố kể, năm 1966 bà là Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Nam Ðịnh, cũng từng là bác sĩ chuyên Khoa Sản – Bệnh viện tỉnh Nam Định. Sau đó là chuyên gia y tế nhiều năm ở Cộng hòa Angola. Năm 1992, bà về hưu theo chế độ và chuyển lên Hà Nội sinh sống cùng gia đình.

Nhiều cơ sở y tế tư nhân bấy giờ mời bà cộng tác với mức lương cao, nhưng người phụ nữ có chồng là liệt sĩ đã chọn con đường thiện nguyện để gắn bó nốt phần đời còn lại.

Khi ý tưởng đã có, bà may mắn gặp được y tá Lê Thị Sóc (91 tuổi), cán bộ về hưu của Bệnh viện Xanh Pôn, hai người đã cùng nhau xây dựng phòng khám, đồng thời bà cũng thuyết phục được những đồng nghiệp đã về hưu cùng tham gia.

“Tôi nghĩ người dân họ ốm đau nên mới tìm đến bác sĩ, khi ra khám ở bệnh viện lại rất đông. Chúng tôi là những người có chuyên môn, ở nhà lại nhàn rỗi không làm gì, sao không làm việc có ích để giảm tải cho bệnh viện. Tôi làm việc này từ tâm chứ không vì mục đích kiếm tiền”, bà Tố nói.

Ở độ tuổi của bà, nhiều người chọn cuộc sống an nhàn để thụ hưởng tuổi già và vui vầy bên con cháu thì bà lại chọn cho mình công việc tư vấn, khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bà Tố phải tự trích lương hưu để duy trì công việc thiện nguyện suốt gần 30 năm nay.

“Nhiều người khi biết đến phòng khám này đã mang thuốc đến biếu, có người họ chữa khỏi còn dư thuốc thì họ cũng dồn lại mang ra trả. Khi có thuốc chúng tôi phân loại ra từng loại cất gọn gàng, phân loại cả những thuốc đã cận hoặc hết hạn sử dụng bỏ đi. Với những người có biểu hiện bệnh nặng chúng tôi đêu khuyên đến bệnh viện, chúng tôi chỉ tư vấn lấy thuốc cho những người mắc bệnh thông thường”, bà Tố cho hay.

Thời gian đầu, phòng khám ngày nào cũng mở cửa đón tiếp những bệnh nhân, nhưng mấy năm nay sức khỏe các y bác sĩ giảm sút nên chỉ làm việc vào sáng thứ 2 hàng tuần: “Dù nắng mưa, mệt nhọc, sáng thứ 2 nào tôi cũng đến vì tôi biết đang có nhiều người đợi mình. Họ nghèo không có tiền đi viện nên mới tìm đến đây. Mình không đến thì họ dựa vào đâu?”, bà Tố tâm sự.

Vào mỗi sáng thứ 2 nơi đây luôn nhộn nhịp người đến khám. Ảnh: Long Nguyễn.

Vào mỗi sáng thứ 2 nơi đây luôn nhộn nhịp người đến khám. Ảnh: Long Nguyễn.

Nỗi lo không có người 'thừa kế'

Vừa ngồi phân loại từng túi thuốc khác nhau, bà Lê Thị Sóc (91 tuổi) bồi hồi nhớ lại những buổi ban đầu  xây dựng phòng khám, để tìm được địa điểm quả thật không dễ dàng ở giữa Thủ đô tấc đất, tấc vàng.

Phải trải qua 7 lần thay đổi địa điểm, lúc thì mượn nhà dân, lúc thì mượn trụ sở của phường Giáp Bát, sau này, mới được Hội Chữ thập đỏ phường Giáp Bát tạo điều kiện cho đặt phòng khám nhỏ tại chính trụ sở của Hội nên ổn định cho đến nay.

Những bác sĩ làm việc cho phòng khám là những người có kinh nghiệm, được nhiều nơi mời mọc với ưu đãi cao. Nhưng nhờ sự động viên của bà Tố, họ đều tích cực làm việc thiện vì bà con nghèo.

“Để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của phòng khám, chúng tôi đã tự đóng góp, kêu gọi con cháu trong gia đình ủng hộ và nhờ các tổ chức, đoàn thể, cá nhân có tấm lòng hảo tâm. Tôi và bà Tố hàng tháng vẫn phải trích lương hưu của mình để ủng hộ thêm tiền để bệnh nhân mua thuốc uống.

Bây giờ, nhà bà Tố chuyển đến quận Thanh Xuân, ở xa phòng khám, nhưng mỗi thứ 2 hàng tuần, bất kể trời mưa gió, nắng nóng, bà Tố đều đến phòng khám sớm nhất”, bà Sóc nói.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động của phòng khám miễn phí tại phường Giáp Bát, bà Tố còn nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tại địa phương.

Hàng năm, bà đều trích lương hưu ủng hộ người nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những đóng góp của mình, bà Tố đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2018.

Bà Tố (giữa) đang phân loại thuốc đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ảnh: Long Nguyễn.   

Bà Tố (giữa) đang phân loại thuốc đảm bảo an toàn cho người bệnh. Ảnh: Long Nguyễn.   

Trải qua 28 năm làm công tác khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, bà Tố cùng các đồng nghiệp của mình đã giúp đỡ hàng nghìn trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh éo le, không đủ điều kiện đi khám, chữa bệnh ở những bệnh viện lớn.

Nụ cười thân thiện của các bác sĩ tuổi gần 90 dành cho mỗi bệnh nhân. Họ là những người đang gạn chắt chút sức lực còn lại trở thành điểm tựa tinh thần cho từng bệnh nhân mỗi khi tìm đến đây.

“Tôi và các đồng nghiệp ở đây lo rằng, một ngày kia, tất cả đều không cưỡng lại được số mệnh, phòng khám chưa có người “thừa kế” và sẽ phải đóng cửa. Lúc đó lấy ai giúp đỡ bệnh nhân nghèo? Thực sự rất day dứt. Chúng tôi chỉ mong muốn những bác sĩ về hưu rồi hãy ra đây tiếp bước chúng tôi để duy trì phòng khám”, bà Tố trăn trở.

Hy vọng rằng, với tấm lòng thơm thảo của những lương y từ mẫu, bác sĩ Trương Thị Hội Tố và những “đồng nghiệp tóc trắng” sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp chăm sóc người bệnh, tiếp tục góp những viên gạch hồng, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Bà Vũ Thị Bích Dần, một bệnh nhân khám bệnh 10 năm tại đây nói: “Các bác sĩ ở đây tốt lắm, lần nào tôi đến lấy thuốc họ cũng không lấy tiền. Tôi luôn mong muốn phòng khám được duy trì và phát triển hơn nữa để những người già có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được thăm khám bệnh thường xuyên”.

Phòng khám tuy có quy mô nhỏ nhưng chứa chan tình người. Nó không chỉ là địa chỉ khám, chữa bệnh cho nhiều người và hơn thế nữa, đây còn là nơi tâm tình, bầu bạn cho những người già có cùng hoàn cảnh với nhau.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó chủ tịch UBND phường Giáp Bát cho hay, phòng tư vấn cho nhân dân của bà Tố và những đồng nghiệp của bà được chuyển về phường từ năm 2004, hoạt động duy trì đều đặn. Từ ngày có phòng tư vấn trên địa bàn đã giúp được cho rất nhiều người. Những người dân đến đây đều được tư vấn, đặc biệt phù hợp với những người cao tuổi.

"Chính quyền và người dân rất trân trọng các bác làm công việc này vì hoàn toàn tự nguyện. Khi nói ra phòng tư vấn ở phường, các cụ cảm thấy hoàn toàn tin tưởng, nhiều người về thực hiện theo, ai cũng rất yên tâm", bà Hoa nói.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Thêm 4 điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL

Cần Thơ Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa công nhận 4 điểm du lịch tiêu biểu của vùng, các đơn vị tiếp tục đầu tư, nâng chất, làm mới những sản phẩm du lịch hiện có.

Bình luận mới nhất