| Hotline: 0983.970.780

Phòng khám Nhân Ái

Thứ Hai 08/08/2011 , 11:06 (GMT+7)

Từ nỗi day dứt, trăn trở về những bệnh nhân phải vật vờ khi đến các bệnh viện, lương y Lê Quý Ngưu đã thành lập phòng khám từ thiện Nhân Ái...

Bệnh nhân ngồi chờ khám tại phòng khám Nhân Ái

Từ nỗi day dứt, trăn trở về những bệnh nhân phải vật vờ khi đến các bệnh viện, lương y Lê Quý Ngưu đã thành lập phòng khám từ thiện Nhân Ái, số 7, phường An Đông, TP Huế (TT- Huế). Và cũng từ đó, đây là điểm đến quen thuộc, tin cậy cho những người nghèo.

Điểm đến người nghèo

Từ sáng sớm, hàng chục lượt người rẽ vào con hẻm nhỏ giữa những dãy nhà cao tầng, tấm biển “Phòng chẩn trị y học cổ truyền Nhân Ái” thấp thoáng xuất hiện trong ánh mắt dò tìm của nhóm người. “Đây rồi chị ơi, nhà thuốc thầy Ngưu ở kia”, một phụ nữ trạc tuổi 50 rạng rỡ kêu lên.

Ngôi nhà khang trang và nụ cười thân thiện của lương y Lê Quý Ngưu đón chào họ khiến ai nấy quên đi cảm giác ngỡ ngàng buổi ban đầu. Đã trở nên thành thục, lương y Lê Quý Ngưu lần lượt xem bệnh, hỏi thăm tình hình từng người một, thậm chí có người được mời nằm lên chiếc giường châm cứu vẫn không khỏi rón rén vì quá bất ngờ. Họ ngỡ ngàng bởi “lần đầu tiên tôi được khám bệnh ở nhà thuốc sang trọng thế này mà lại không phải mất tiền”, bà Nguyễn Thị Như, 63 tuổi ở Phú Xuân, Phú Vang (TT- Huế) xúc động cho biết.

Sau khi chẩn đoán, bệnh nhân được điều trị ngay tại chỗ theo phương pháp châm cứu cổ truyền kéo dài 1giờ/lần khám. Nếu người bệnh nào có nhu cầu muốn kéo dài thời gian thăm khám đều được chiều theo ý muốn. Lương y Lê Quý Ngưu cho biết: “Sau khi châm cứu, bệnh nhân được cấp thuốc uống ngay tại phòng khám, nếu ai không có điều kiện tái khám thường xuyên có thể mang thuốc về nhà tự điều trị theo chỉ dẫn. Tất cả bài thuốc đều được sự cho phép của Sở Y tế tỉnh TT- Huế và miễn phí hoàn toàn”.

Bà Nguyễn Thị Như, một bệnh nhân bị chứng bệnh cao huyết áp hơn 5 năm nay, phải kiêng khem trong ăn uống rất khổ sở. Mặc dù đã đi thăm khám nhiều nơi nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, con cái đều lập nghiệp ở xa nên không thể điều trị đến nơi đến chốn được. “Từ khi đến điều trị ở phòng khám Nhân Ái, bệnh của tôi thuyên giảm 7- 8 phần, nhà không phải bán lợn, bán gà hay vay mượn hàng xóm chạy chữa khắp nơi như trước. Tôi biết ơn bác Ngưu nhiều lắm”, bà Như tâm sự.

Cùng hoàn cảnh, cụ Lê Thị Chắt, 67 tuổi hiện sống một mình ở vùng quê nghèo - làng Thanh Hương, huyện Phong Điền bị chứng đau lưng hành hạ tuổi già, cụ chạy chữa khắp nơi nhưng đến đâu cũng bị chối từ vì: “Người ta đều bảo thân già tui lắm bệnh khó chữa, nên chịu khó ăn uống chứ lớn tuổi rồi chạy chữa làm gì cho tốn tiền. Nghe người khác mách bảo tôi nhờ cháu họ chở vào đây khám bệnh, hơn hai tháng châm cứu, uống thuốc đều đặn lưng của tui đỡ đau nhiều lắm”, cụ Chắt cho hay.

Có một điểm chung là tất cả những bệnh nhân đến với phòng khám Nhân Ái đều có hoàn cảnh khó khăn, hai phần ba trong số đó thuộc diện hộ nghèo, diện neo đơn không nơi nương tựa. Không chỉ tận tình cứu chữa cho những bệnh nhân nghèo, neo đơn, lương y Lê Quý Ngưu còn đến tận nhà thăm khám cho những người bệnh không có điều kiện đến với phòng khám. Với ông, nghiên cứu y học, chữa bệnh cứu người đã trở thành niềm đam mê, trách nhiệm thấm trong máu thịt

Cần nhất là tấm lòng

Vốn theo học chuyên ngành ngư nghiệp ở Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, nhưng lương y Lê Quý Ngưu đã “vô tình” học được nghề y từ vợ là lương y Trần Thị Như Đức (cháu của danh y Trần Tiễn Hy), kể từ đó ông quyết theo nghiệp khám chữa bệnh, chuyên giúp đỡ những người nghèo.

Ngồi trò chuyện cùng ông mới biết “cơ duyên” dẫn ông đến với nghề thầy thuốc nghe qua thật đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là cả một tấm lòng, tình thương yêu đùm bọc giữa con người với con người. Ông tâm sự: “Một lần tôi đưa người nhà đến bệnh viện, thấy một cụ già với chiếc nón lá rách đã hết vành, người mỏng như chiếc lá, tay dẫn đứa cháu trai bị bệnh. Tôi được biết để cứu chữa cho đứa cháu, trong nhà bà có bao nhiêu trâu bò, cây cối đều bán cả. Từ nỗi day dứt trong lòng, tôi nguyện về sau phải học được nghề y để khám được chữa bệnh miễn phí cho mọi người".

Lương y Lê Quý Ngưu đã được tạp chí Echip, tạp chí chuyên về công nghệ thông tin trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ công nghệ thông tin” năm 2005. Ông cũng đã ghi tên mình vào sách kỉ lục Guinness Việt Nam với bộ từ điển Hán Nôm do chính bản thân soạn thảo, sưu tầm. Lương y Lê Quý Ngưu cũng là chủ nhân của giải thưởng “Cố đô Huế” (giải thưởng về lĩnh vực y học do Sở Y tế TT- Huế tổ chức).

Niềm trăn trở của vị lương y thương người trở thành hiện thực sau lần cùng vợ sang Hàn Quốc tham quan, học tập về nghề y. Ông Ngưu nhớ lại: “Khi bước vào một địa chỉ phòng khám tư tại Hàn Quốc tôi bất ngờ vì thấy bệnh nhân và bác sĩ rất thân thiện, khám xong người bệnh ra về mà không hề nộp một khoản lệ phí nào. Hỏi ra mới biết đó là phòng khám từ thiện của một bác sĩ chuyên phục vụ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Ý tưởng mở phòng mạch Nhân Ái cũng bắt đầu từ đó”.

Chỉ sau một tháng ông Ngưu trở về nước, phòng chẩn trị y học từ thiện Nhân Ái được “khai sinh” tại TP. Huế và là phòng khám đầu tiên miễn phí hoàn toàn từ tiền công thăm khám cho đến chi phí thuốc men. Sở dĩ phải miễn phí hoàn toàn bởi theo lời lương Lê Quý Ngưu: “Tôi nghĩ, nghề y cần nhất là tấm lòng, giúp người thì giúp cho đến nơi đến chốn. Dù có khám miễn phí nhưng không có thuốc uống thì bệnh tình khó mà khỏi được, nhất là đối với người nghèo, một thang thuốc với họ được quy thành tiền ăn cả tháng trời”.

Để có đủ thuốc cấp phát cho bệnh nhân, thầy Ngưu phải đặt mua thảo dược tận TP. Hồ Chí Minh sau đó bào chế theo các bài thuốc cổ truyền. Từ những kiến thức học được từ nước ngoài cộng với những kinh nghiệm quý trong nghề thuốc với những bài thuốc Đông y cổ truyền, lương y Lê Quý Ngưu và các cộng sự đã cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân nghèo. Hơn ai hết, ông ý thức được rằng, dù trong lĩnh vực nào, làm từ thiện cần nhất là tấm lòng.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm