Những địa danh Thủ Thiêm, Tân Thuận, Phú Mỹ Hưng… thực ra có hệ sinh thái tiểu vùng như Long An. Đúng ra, ấy là vùng đất ngập úng gần như bất tận. Làm chủ chúng từng là cá sấu, linh trưởng và cơ man cá nước ngọt. Cây bần và đom đóm, biền lá và lục bình, các loại cỏ nước trầm thủy và vô số thứ cộng sinh.
Người Pháp thực dân mê nhũng điền trang tầm vóc khiến họ chí thú với vạch và xẻ, cơ giới nhỏ và đại cơ giới. Và như chúng ta biết, trước 1954 đã có cầu Rạch Chiếc bê tông khang trang, có phà Thủ Thiêm để xóa những con đò mong manh nối xóm làng thưa thớt với bến Bạch Đằng đô hội, con đường nối Sài Gòn với Long An được nới rộng thành Quốc lộ. Một vùng gọi là Bến Lức mở ra. Đất chua phèn bế trệ, được mở mang năm này chí năm khác.
Đến 1975 thì các đoàn quân nằm lòng lời ca "Ở tận sông Hồng em có biết, quê hương anh cũng có dòng sông, Vàm Cỏ đông ơi Vàm cỏ đông", vâng, các chàng quân nhân ấy bỗng lần đầu thấy những giá hàng bằng thanh tre ngộ nghĩnh dựng bên vệ đường. Khóm hàng hóa, khóm ứ thừa, khóm miên man vàng “Khóm Bến Lức đây, mua đi mấy chú!”
*
* *
Sông Sài Gòn mất hút ở Long An. Bắt đầu Mekong nhận nước từ Tonlesap của Campuchia, cùng với nước ân sủng. Sông Tiền phân nhiều nhánh nhỏ, rộng khắp. Dù sao các nhánh sông cũng hẹp, nước chảy dữ cho thứ cá trứ danh: cá bông lau. Cá chuộng ngã ba, tranh lãnh thổ với cá hô, nhưng bông lau khôn hơn, sống ở tầng sâu. Không gì sánh nổi với nó, vẻ đẹp, dáng thon dài, lớp da ánh bạc bông lau và giá trị dinh dưỡng.
Châu thổ, hai từ châu thổ gợi lên vô vàn cảm xúc. Ấy là sự tri ân của người Việt, của tiếng Việt với thiên nhiên cho chúng ta bãi bờ, cây trái, xôn xao. Là nơi cung cấp cho Sài Gòn cho cả nước biết bao tài tử, học giả, văn nhân. Người Việt đã đến đây thời Thoại Ngọc Hầu làm ra kênh Vĩnh Tế, người Việt ở lại và tản ra, khai khẩn, phỉ chí nghề nông, nghề canh cửi. Lụa Tân Châu, lãnh Mỹ A, xoài Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Cái Mơn, hoa kiểng Chợ Lách… Cả thế kỷ 20 chật vật chiến tranh, và rồi, ít nhất cũng ba chục năm qua, miệt vườn đã vững chải phong độ miệt vườn, không ai là không muốn đến một lần cho thỏa.
*
* *
Sông Hậu sóng đôi nhận nước từ Mekong nhưng bát ngát hơn sông Tiền, cửa Định An dễ chừng 20 cấy số, ngộp thở. Rộng mà hiền, kỳ lạ. Không có nước lũ như giờ người ta nói vống lên thế, chỉ có nước nổi mà thôi. Nước mùa mưa đổ về, sông không dốc, sông chứa được hết nên nước dâng từ từ, trẻ con mê ly kiểu nước liếm sân, liếm dần thềm nhà dậm dọa rồi có khi, ở yên mức ấy, không vô nhà. Khi người Pháp hoàn chỉnh thủy nông vùng Phụng Hiệp - Ngã Bảy và Xà No, thì một vùng lúa mở ra. Lúa và vườn thổ cư, nhờ hệ thống kênh xẻ như bàn cờ. Những địa danh Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn… để chỉ thứ tự kênh xuyên đồng ấy, nghe thì biết kênh nào gần Cần Thơ hơn. Nhưng ở đây vườn không thuần vườn như mạn sông Tiền, đồng không bao la như mạn dưới và rồi, cuối kênh Xà No là loại đất khác.
Mở ra, bây giờ mới thực sự vạm vỡ đất trầm thủy, độc tôn cây tràm, nối mấy nhánh cuối của sông Hậu là Cái Lớn, Cái Bé, Cái Tư với U Minh thượng của Rạch Giá. Ghe bầu, buồm lá dừa nước, cây phảng cây cù nèo - nông cụ học của người Khmer bản địa - người Việt ham khai phá đã rủ nhau đến. Đất phèn chua loét, nước lợ khoảng chín tháng mỗi năm, người Việt làm gì? Hạ tràm, đào gốc, lên liếp, thau chua rửa lợ, người Việt không thể sống mà thiếu vườn hoặc rẫy. Lên Bến Lức đưa giống khóm xuống, kỳ lạ, thứ đất gì mà có thể cho thứ khóm to nặng gấp đôi giống mẹ của chúng? Hình thành vùng chuyên canh khóm và giờ thì khóm Cầu Đúc đã bạt danh khóm Bến Lức .
*
* *
Nếu đi đường bộ cũng do người Pháp mở, chúng ta sẽ qua Ngã Bảy và rồi sẽ tìm thấy Sóc Trăng và Bạc Liêu. Lịch sử khẩn hoang đã cho chúng ta nằm lòng những địa danh ấy và thoạt nghe, đã thấy dậy lên cảm xúc. Cảm xúc gì? Chân trời, gió đồng, mùa màng, rơm rạ, lẫm lúa, dinh thự, công tử và…Manh nha giới quý tộc nông thôn Nam bộ đầu thể kỷ 20. Những nóc nhọn và hoa văn chùa Khmer thấp thoáng dưới tán sao, tán thốt nốt. Kênh rạch ít ỏi, tiện cho giao thông đường bộ để phục hồi điền địa hào sảng thời nào.
Đã có một danh nhân âm thầm ở đây suốt 25 năm qua. Muốn lúa có danh mới, phải có thứ gì đó mới. Giã biệt cao sản ngắn ngày nhằm cứu đói giáp hạt cho cả nước, từ biệt ruộng manh mún mạnh ai nấy làm. Người Việt không còn thiết cơm ngày ba bữa, cơm từ hạt gạo tăng trọng, cơm càng nhiều càng hại cơ thể. Người Việt chê cơm, nghĩa là chất lượng gạo có vấn đề. Vậy thì cần phải làm ra hạt gạo sạch như xưa và cho nhu cầu gạo đa dạng của thế giới nữa. Đất ấy và cái tình ấy của kỹ sư Hồ Quang Cua cặm cụi không màng danh lợi đã được đáp đền: Gạo ST 25 là Gạo ngon nhất thế giới năm 2019!
*
* *
Thật thiếu sót nếu không đi men biển để thấy rằng, Bến Tre là bán đảo, đất pha cát, nước mặn lợ nhưng không chua phèn, cho một thế giới bạt ngàn dừa đặc trưng. Sẽ không tìm thấy chất lượng dừa này ở Bình Định hay Thanh Hóa. Đi nữa sẽ là Trà Vinh, nhiều cây sao trên trăm tuổi, nguyên vẹn chùa chiền và phum sóc, để dành cho du lịch. Đi xuống nữa bằng đường tàu biển rồi thì sẽ là U Minh rộng gần 30.000ha. U Minh thượng cây tràm, mật ong, than bùn và đìa bào, U Minh hạ cây đước và cây mắm.
Đúng, trời đã cho chúng ta quá nhiều, riêng sự phong phú của miền Tây Nam bộ đã là sự đa dạng sinh thái của cả một quốc gia thu nhỏ. Vâng, thiên nhiên cho chúng ta quá nhiều, biết giữ gìn hay không, lại là một câu chuyện khác.