| Hotline: 0983.970.780

Phong trào xây bể biogas ở Ninh Bình

Thứ Sáu 03/06/2011 , 10:45 (GMT+7)

Có thể nói chương trình xây dựng bể biogas trong chăn nuôi đã trở thành phong trào ở tỉnh Ninh Bình.

“Có thể nói chương trình xây dựng bể biogas trong chăn nuôi đã trở thành phong trào ở tỉnh Ninh Bình. Từ 2 mô hình bể biogas do Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình triển khai năm 1998, đến nay toàn tỉnh đã nhân rộng ra trên 4.000 hộ xây dựng công trình sử dụng khí sinh học, chiếm khoảng 60% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh” - ông Ngô Tiến Giang, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình cho biết.

Theo ông Giang, từ năm 1996 Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi của Trung ương và UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng (sau tăng định mức lên 1,2 triệu, trong đó TƯ hỗ trợ 60%) xây một bể khí biogas nhằm cải thiện môi trường, tận dụng chất đốt, phế phẩm… để phát triển chăn nuôi, bón cho cây trồng. Hiện tại giá thành xây một bể biogas 7 khối khoảng 4 triệu đồng. Khuyến nông tỉnh đảm nhiệm hướng dẫn về mặt kỹ thuật, đào tạo, tập huấn cho các hộ sử dụng hiệu quả. Về kỹ thuật xây dựng công trình khí sinh học đều tuân thủ nghiêm ngặt theo mẫu thiết kế KT1, KT2 của dự án TƯ. Các công trình đảm bảo chất lượng sinh khí tốt đã được nghiệm thu đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của hộ chăn nuôi…

“Khi xây xong bể biogas người dân có thể tận dụng để đun nấu, chạy máy nổ, bình nóng lạnh, thắp sáng… tiết kiệm điện. Đa phần hộ chăn nuôi quy mô nhỏ đều xây biogas khoảng 6-7 khối, tận dụng khí thải nuôi từ 15-20 con lợn, chỉ sau một năm có thể thu hồi được vốn. Sử dụng biogas môi trường không bị ô nhiễm, gia súc gia cầm ít dịch bệnh. Đặc biệt là giảm sức lao động cho người dân nông thôn”, ông Giang đánh giá.

Đến thăm gia đình anh Phùng Văn Khoa ở thôn Phúc Lại, xã Yên Từ (huyện Yên Mô), anh cho biết: “Năm 2006 gia đình tôi được hỗ trợ xây bể biogas 14 khối, sử dụng rất hiệu quả. Trong chuồng nuôi thường xuyên từ 30-50 con lợn, mỗi lứa 3 tháng xuất chuồng trên 3 tấn lợn hơi, 1 năm 4 lứa xuất đi khoảng 12 tấn lợn. Tuy nuôi nhiều đầu lợn nhưng không hề bị ô nhiễm bởi đã có bể chứa biogas”. Được biết anh Khoa đã tận dụng nguồn khí thải chạy máy phát điện, nấu rượu hàng ngày. Mùa hè dùng quạt máy, thắp sáng cũng bằng nguồn điện biogas.

 “Trước đây tôi dùng 1 tháng hết 1-2 bình ga để nấu nướng, tốn trên 500 ngàn đồng, nhưng từ khi sử dụng biogas thì không còn dùng đến ga nữa, thiết bị điện cũng ít phải dùng đến điện lưới. Mỗi tháng giờ chỉ dùng trên 100 ngàn tiền điện lưới, ước tính tiết kiệm khoảng 50% điện năng sinh hoạt hàng tháng phải trả tiền”, anh Khoa nói.

Để chương trình khí sinh học phát triển bền vững, UBND tỉnh Ninh Bình cần có chính sách phát triển chăn nuôi nhằm tăng đầu con, quy mô đàn ổn định nhằm xử lí chất thải hiệu quả, người dân có thu nhập cao hơn.

Chị Trần Thị Luyến ở xóm Ngoài, thôn Liên Phương, xã Yên Nhân (huyện Yên Mô) đang sử dụng 2 bể biogas, tận dụng đun nấu, ấp trứng gia cầm, úm gà… Chị cho biết: “Năm 2007 được khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây 1 bể biogas 7 khối. Tôi được hướng dẫn điều chỉnh áp kế cao thấp khi sử dụng. Khi ấp trứng gia cầm, úm gà hoàn toàn không phải dùng đến điện lưới mà sử dụng biogas. Phụ phẩm còn sử dụng để nuôi cá, bón rau màu rất tốt. Có hiệu quả trong chăn nuôi, năm nay gia đình tôi tiếp tục xây thêm 1 bể khí 10 khối”.

Theo bà Bùi Thị Bốn, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình, sử dụng bể biogas là hướng đi hoàn toàn phù hợp với chăn nuôi nhỏ lẻ lẫn chăn nuôi quy mô công nghiệp nhằm đảm bảo môi trường. Thấy hiệu quả từ biogas nhiều hộ tự làm, tự nhân rộng chứ không trông chờ trên hỗ trợ. Đặc biệt trong năm 2009, 2010 toàn tỉnh đã phát triển thêm được 1.600 hộ xây bể biogas. Năm nay khuyến nông cố gắng triển khai cho khoảng 600 hộ, phấn đấu đến hết 2012 toàn tỉnh có khoảng 60-70% số hộ chăn nuôi xây được bể biogas.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.