| Hotline: 0983.970.780

Phòng trị bệnh than hại mía

Thứ Hai 08/03/2010 , 10:45 (GMT+7)

Bệnh do nấm Ustilago scitaminea H. sydow gây ra. Bào tử của nấm bệnh tồn tại trong đất, trên hom giống... Những hom giống đã bị nhiễm bệnh, khi trồng xuống cây con sẽ nhanh chóng bị nhiễm bệnh.

Hỏi: Mía ở vùng chúng tôi mấy năm gần đây thường bị một chứng bệnh như sau: cây mía tự nhiên đẻ nhiều cây con, không lớn được, đốt mía mọc kéo dài ra, lá nhỏ và ngắn lại, lá trên ngọn mọc ra một cây giống như cái cần câu, cong xuống, bên trong chứa đầy bột than đen. Cuối cùng cả bụi mía bị chết khô. Hiện nay, chứng bệnh này đang xuất hiện khá nhiều trên mía gốc tái sinh, nhất là trên giống mía Quế Đường. Xin cho biết đó là chứng bệnh gì? Có cách nào để phòng trị chúng?

Nguyễn Văn Mùi và một số bà con ở xã Ya Chim, xã Đăk Năng, Tp Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Trả lời: Trên cây mía có khá nhiều loại sâu bệnh gây hại, nhưng triệu chứng mà các bạn mô tả theo chúng tôi cây mía của các bạn đã bị bệnh than (còn gọi là bệnh đen bột, bệnh than xoắn đọt...) gây hại. Bệnh do nấm Ustilago scitaminea H. sydow gây ra. Bào tử của nấm bệnh tồn tại trong đất, trên hom giống, trên những roi chứa bào tử mọc ra từ ngọn cây mía (mà các bạn đã mô tả giống như cái cần câu), bám dính trên cây mía, bay trong không khí... Bào tử lan truyền nhờ gió, nhờ nước, nhờ phương tiện vận chuyển từ vùng có bệnh sang vùng chưa bị bệnh… Khi cây mía mọc mầm bào tử sẽ nẩy mầm và xâm nhiễm vào bên trong để gây bệnh cho cây ngay từ khi cây mía còn nhỏ. Những hom giống đã bị nhiễm bệnh, khi trồng xuống cây con sẽ nhanh chóng bị nhiễm bệnh.

Khi bị bệnh cây mía sẽ đẻ nhánh nhiều, nhìn bụi mía giống như bụi sả. Cây mía nhỏ không lớn được, đốt kéo dài ra, lá hẹp và ngắn lại, cây mía mất khả năng ra lóng mới. Cuối cùng lá đọt mọc ra một roi cong, bên trong chứa đầy bào tử nấm nhìn giống như một khối bột mầu đen (đây là triệu chứng đặc trưng, điển hình chỉ có ở bệnh than). Cây mía tàn lụi dần và chết. Khi màng mỏng bao bọc bên ngoài của roi này vỡ, các bột phấn đen lộ ra giải phóng bào tử nấm, phát tán vào không khí, rơi xuống đất, bám vào cây mía... để tiếp tục gây bệnh cho cây khác, cho vụ sau. Những giống mía khác nhau, cây roi chứa bào tử bệnh sẽ có hình dạng và độ dài khác nhau, có giống ngắn, nhưng cũng có giống dài đến 2-3 mét.

Do hiện tượng tích lũy nên bệnh gây hại trên những ruộng mía tái sinh (mía để gốc) nhiều hơn trên những ruộng mía tơ (mía mới trồng). Đây là một bệnh hết sức nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và khi đã bị bệnh chỉ còn cách đốn bỏ. Bệnh thường phát sinh gây hại nhiều vào hai thời điểm trong năm là tháng 4-6 và tháng 9-11. Như vậy so với mọi năm thì năm nay bệnh đã xuất hiện sớm hơn. Theo đáng giá của Chi cục BVTV tỉnh Kon Tum sở dĩ như vậy có thể là do năm nay bị lũ lụt cộng với đợt ẩm của đất cao và nắng nóng.

Để hạn chế tác hại của bệnh các bạn phải tiến hành sớm nhiều biện pháp một cách đồng bộ ngay từ đầu vụ (từ khi chuẩn bị hom giống, chuẩn bị đất trồng), nếu để đến khi bệnh đã xuất hiện mới can thiệp thì hiệu quả sẽ rất thấp. Sau đây là mợt số biện pháp chính:

- Không lấy hom giống ở những ruộng đã bị bệnh để làm giống cho vụ sau.

- Sau mỗi vụ thu hoạch cần thu gom sạch sẽ tàn dư của cây mía đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy.

- Cày bừa, làm đất kỹ để chôn vùi bớt mầm bệnh.

- Nên sử dụng giống kháng bệnh như: VN 85-1859, R 570, QĐ 15, K 84-200, ROC 1, ROC 2, ROC 8, ROC 20...

- Trước khi trồng nhúng hom giống vào dung dịch 0,2% của thuốc Bendazol 50WP trong 5 phút, hoặc ngâm trong nước nóng 50 độ C, khoảng 15-20 phút.

- Cần bón phân cân đối giữa NPK để cây mía sinh trưởng và phát triển tốt, tăng cường sức đề kháng với bệnh.

- Kiểm tra ruộng mía thường xuyên để phát hiện sớm và thu gom kịp thời những cây đã bị bệnh đem ra khỏi ruộng, tiêu hủy. Khi thu gom nhớ khéo léo đưa những roi chứa bào tử vào trong bao nilon, buộc kín miệng, tránh bào tử phát tán.

- Khi ruộng đã bị bệnh nặng không nên để mía gốc tái sinh cho năm sau.

- Nếu đã áp dụng nhiều biện pháp mà bệnh vẫn không giảm, các bạn nên luân canh với cây trồng khác khoảng 1-2 năm sau mới trở lại trồng mía.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.