| Hotline: 0983.970.780

Phụ huynh bị ép mua máy đo thân nhiệt?

Thứ Năm 05/03/2020 , 13:10 (GMT+7)

Nhiều cha mẹ học sinh huyện Mê Linh (TP Hà Nội) phản ánh trong đêm 2/3/2020 họ nhận được tin nhắn của nhà trường thông báo gần như bắt buộc mua máy đo thân nhiệt.

Tự nguyện hay bắt buộc?

Tin nhắn của một giáo viên chủ nhiệm lớp 7 trường THCS Trưng Vương (Mê Linh) gửi đến cha mẹ học sinh như sau: “Ban Giám hiệu thông báo: Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện về việc chuẩn bị điều kiện cho học sinh trở lại trường, nhà trường mong muốn được cha mẹ học sinh các lớp ủng hộ hỗ trợ việc trang bị máy đo thân nhiệt điện tử tại lớp (01 máy/lớp). Các đồng chí giáo viên chủ nhiệm triển khai tinh thần trên tới cha mẹ học sinh và báo lại kết quả của lớp mình cho Ban giám hiệu trước 08h ngày 03/3/2020.

Phương án báo cáo: Cha mẹ học sinh lớp tự trang bị hoặc ủng hộ bằng tiền qua nhà trường nhờ Trung tâm Y tế huyện mua giúp hoặc không ủng hộ việc trang bị”.

Cha mẹ học sinh trường Tiểu học Tam Đồng (Mê Linh) nhận được tin nhắn có nội dung tương tự: “Hiệu trưởng thông báo khẩn: Thực hiện chủ trương của UBND huyện về việc xã hội hóa mua máy đo nhiệt độ cho học sinh khi trở lại lớp. Mỗi lớp có tối thiểu 01 chiếc, các đồng chí giáo viên chủ nhiệm nhắn tin trao đổi với phụ huynh học sinh nếu lớp nào tự mua được thì tốt, lớp nào không tự mua được đăng kí với Trung tâm Y tế huyện qua nhà trường chậm nhất 8h sáng mai và nộp luôn tiền giá 1.400.000đ/máy. Trân trọng!”.

Tin nhắn thông báo về việc “tự nguyện trong tư thế bắt buộc” mua máy đo thân nhiệt.

Tin nhắn thông báo về việc “tự nguyện trong tư thế bắt buộc” mua máy đo thân nhiệt.

Những tin nhắn như trên của giáo viên khiến cha mẹ học sinh hết sức băn khoăn. Họ phân vân về việc mua máy đo thân nhiệt là tự nguyện hay bắt buộc? Nếu căn cứ vào nội dung tin nhắn nêu trên thì cha mẹ học sinh phải đồng ý với việc mua máy một cách miễn cưỡng. Điều này dấy lên những tranh luận giữa các cha mẹ học sinh.

Một chi hội trưởng cha mẹ học sinh lớp 7, trường THCS Trưng Vương (Mê Linh) nhắn tin một cách quyết đoán: “Theo thông báo của Sở, nhà trường, mỗi lớp trang bị một máy đo thân nhiệt, bằng hình thức lớp tự mua hoặc nhờ nhà trường mua hộ, các lớp không huy động đóng góp cá nhân. Nên theo em thầy trích quỹ lớp nhờ nhà trường mua hộ mong các bác ủng hộ. Chúng ta không bàn về máy đo nữa”.

Trong khi cha mẹ học sinh vẫn không khỏi xôn xao, bàn tán thì cô giáo Nguyễn Thị Vân Hương (lớp 7A3) bình luận: “Theo sự chỉ đạo của chủ tịch thành phố mỗi lớp 1 cái lớp mình không nhất trí thì thôi. Cả trường có 1 mình lớp mình không mua”.

Một phụ huynh khác bày tỏ: “Trò trẻ ranh quá. Việc nhỏ này mà nhà trường không lo được lại định để phụ huynh lo giúp. Tính ra mỗi người đóng 40.000 đồng. Số tiền không nhiều nhưng gây bức xúc khó chịu cho nhiều người”.

Chủ trương riêng của UBND huyện

Để làm rõ thông tin, PV đã liên hệ với bà Phạm Thị Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tam Đồng (Mê Linh). Bà Vinh thừa nhận, ngày 2/3/2020, giáo viên trong trường có gửi tin nhắn đến cha mẹ học sinh.

“Đây là quan điểm chỉ đạo của UBND huyện Mê Linh. Song tinh thần là phụ huynh chia sẻ, là xã hội hóa chứ không phải bắt buộc đóng. Xã hội hóa để mỗi lớp có 1 máy đo thân nhiệt cho các con. Còn về các đơn vị triển khai với phụ huynh học sinh. Vì hiện nay các con đang nghỉ nên giáo viên triển khai nhắn tin xem ý kiến phụ huynh như thế nào chứ nhà trường không bắt buộc”.

Còn ông Lê Trung Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương (Mê Linh) cũng xác nhận tin nhắn gửi đến cha mẹ học sinh là của giáo viên trong trường.

Theo Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương, tuần trước, Sở GD-ĐT Hà Nội có tổ chức họp trực tuyến và khuyến cáo khi học sinh đi học trở lại thì mỗi lớp nên có 1 máy đo thân nhiệt. Song trong tình hình hiện nay, nếu trang bị 1 máy/lớp thì không thể đáp ứng đủ được.

Do đó, chiều 2/3/2020, “UBND huyện Mê Linh có gợi ý, nếu được phụ huynh trên tinh thần tự nguyện hỗ trợ thì gia đình nào có máy sẽ cho mượn máy, hoặc có thể ủng hộ bằng tiền trên tinh thần tự nguyện chứ không ép buộc”, ông Sơn phân trần.

Trước thông tin phụ huynh phản ánh tối 2/3 mới nhắn tin mà giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phải phản hồi trước 8h sáng hôm sau (3/3) như thế khác gì ép buộc phụ huynh, Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương cho biết sẽ nhắc nhở giáo viên lưu ý rút kinh nghiệm.

 

Liên quan đến sự việc, PV cũng đã trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mê Linh. Trả lời câu hỏi về việc triển khai mua máy đo thân nhiệt tại các trường có phải chủ trương của huyện không, dựa trên căn cứ nào để ra chủ trương cho các trường trên địa bàn huyện thực hiện như vậy? Ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Đúng là có việc vận động phụ huynh học sinh có điều kiện tiến hành hỗ trợ mua máy đo thân nhiệt đang triển khai ở các trường”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mê Linh lý giải thêm: “Không phải huyện không cấp được tiền mua máy đo thân nhiệt. Huyện đã bố trí kinh phí để mua máy rồi. Nhưng hiện nay có cái khó là không thể mua một lúc 1.400 máy cho 1.400 lớp học. Hiện nay trên thị trường rất khó khăn mua máy này. Thứ hai, mua các máy này hiện nay cũng không có đầy đủ thủ tục, hồ sơ theo quy định để quyết toán được”.

Ông Hoàng Anh Tuấn nói thêm rằng, thực tế các quận huyện trên địa bàn thành phố đại đa số thực hiện xã hội hóa khi lắp máy đo thân nhiệt tại các lớp học.

Trước câu hỏi, việc mua máy đo thân nhiệt cho từng lớp là chủ trương riêng của UBND huyện Mê Linh hay chủ trương, chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội? Ông Tuấn cho biết: “Thành phố không chỉ đạo và Sở GD-ĐT cũng không chỉ đạo. Thành phố chỉ đạo làm sao tối thiểu mỗi lớp học phải có 1 máy đo thân nhiệt. Ban đầu huyện Mê Linh không có chủ trương xã hội hóa. Huyện đã giao Trung tâm Y tế huyện mua máy nhưng rất khó khăn. Căn cứ vào thực tế thì hiện nay giá thành khoảng 1.400.000 đồng đến 1.500.000 đồng/ máy”.

Xem thêm
Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất