| Hotline: 0983.970.780

Phụ huynh đồng hành cùng sĩ tử

Thứ Tư 26/06/2019 , 14:42 (GMT+7)

Thời tiết nắng nóng, lòng lo như lửa đốt không rõ trong phòng thi con em làm bài ra sao... những khuôn mặt căng thẳng, cảnh tưởng vạ vật ngồi chờ đợi đã trở nên rất đỗi thường tình.

Mặc cho cái nóng của những ngày hè cuối tháng 6, phụ huynh của những sĩ tử vẫn kiên trì bám trụ trường thi THPT Khoái Châu (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Hình ảnh ấy làm nao lòng bao người đi đường. Đằng sau cuộc hành trình vượt vũ môn của sĩ tử, luôn có những hy sinh lặng thầm của những bậc cha mẹ vì tương lai của con mình.

Các bậc phụ huynh có con em đi thi, đều cố gắng gác bỏ hết lại công việc để lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, lo chuyện cơm nước, chuyện sức khỏe để con mình có sức chuẩn bị đi thi. Còn về phần mình thì chẳng ai có thể ngủ được vì lo lắng. 

Các bậc phụ huynh không lúc nào rời mắt khỏi cổng trường thi chỉ với một nỗi thấp thỏm là không biết con có làm được bài không

Trong mỗi buổi thi, họ âm thầm bám trụ lại trong suốt thời gian thi, trông con hết đứng lại ngồi, mắt các bậc phụ huynh không lúc nào rời khỏi cổng trường thi chỉ với một nỗi thấp thỏm là không biết con có làm được bài không.

Nhiều phụ huynh "giết" thời gian bằng cách đọc báo hoặc ngồi tại các quán trà đá, cà phê vỉa hè... Ở một góc khác cạnh cổng trường dưới bóng cây râm mát, những người đàn ông với khuôn mặt sạm lại vì nắng gió đồng quê đang rôm rả những câu chuyện không đầu, không cuối cũng đủ vui vẻ cho thời gian chờ đợi.

Những người cha với các câu chuyện không đầu, không cuối cũng đủ vui vẻ cho thời gian chờ đợi

Dường như cái nắng nóng của trời trưa ở Khoái Châu chẳng có chút đáng bận tâm nào trong lòng những người làm cha làm mẹ. Các bác nhanh chóng làm quen và câu chuyện chỉ xoay quanh một chủ đề ruộng vườn được mất, rồi chuyện con cái học hành.

Anh Nguyễn Văn Quý có con em đi thi năm nay chia sẻ: “Gia đình chúng tôi hiện đang có 2 cháu, đây cũng là đứa đầu tiên đi thi nên tôi khá hồi hộp và lo lắng. Gia đình cũng chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, cuộc sống tuy vất vả nhưng tất cả đều hướng về tương lai của con cái. Biết khi cháu đỗ đại học và đi học thì hoàn cảnh gia đình sẽ khó khăn hơn nhưng tất cả vì con em chúng ta nên không có gì phải lo lắng, chỉ biết cố gắng hết mình thôi”.

Gần đó có những bà mẹ với khuôn mặt khắc khổ lặng lẽ nhìn vào trong khoảng sân trường thi vắng lặng, chỉ thầm mong con mình đỗ đại học, để thoát khỏi “lũy tre làng”, thoát phận đời lam lũ... Không ồn ã như những bậc phụ huynh làm cha, câu chuyện của các phụ nữ chỉ là hạt lúa, củ khoai quê nhà.

Với gần 900 nghìn thí sinh tham dự kỳ thi năm nay, cùng đó sẽ là gần 900 nghìn phụ huynh đưa con em đi thi, và cũng sẽ là gần 900 nghìn nỗi lo âu, khắc khoải, mong ngóng, đợi chờ khác nhau, nhưng lại giống nhau ở một điểm là nỗi niềm thấp thỏm đợi mong, hy vọng và chờ đợi một tương lai tươi sáng cho con cái mình.

Trên những khuôn mặt hốc hác hằn rõ ánh mắt mệt mỏi của những người phụ nữ, họ thường ngồi lại với nhau thành một góc dưới tán cây ngay cạnh trường cùng sự hỗ trợ về nước uống và ghế ngồi đội đoàn thanh niên tình nguyện của xã và trường. Trong những câu chuyện trong ngày chờ con thi xong, có cả mùa gặt, vụ cấy.

Cô Dương Thị Bốn ở xã Hồng Tiến tâm sự: “Tôi có 3 người con thì 2 đứa đi làm rồi còn lại mỗi đứa út là năm nay đi thi. Nhà 2 vợ chồng đều gắn liền với ruộng và đi làm mướn. Lúc thì hàn xì thuê, lúc thì đi cấy thêm thuê, nói chung là cứ có ai thuê là chúng tôi làm để bươn trải, để lo cuộc sống tốt nhất cho 3 đứa con. Và điều mong đợi nhất sau những ngày vất vả làm việc về là 3 đứa con đều được ăn học đầy đủ và thành người. Đó cũng là động lực cho 2 vợ chồng suốt thời gian qua.

Cô Dương Thị Bốn hồi hộp, lo lắng ngóng chờ con út của mình thi

Trong thời gian này, dù cũng nhiều việc nhưng vì đây cũng là đứa cuối rồi nên tôi quyết định gác bỏ hết lại công việc trong 3 ngày này cho chồng đi làm thôi. Dành hết thời gian này lo cho con bữa cơm, giấc ngủ đảm bảo để đi thi đạt kết quả tốt nhất”.

“Lòng cha lo lắng trăm bề, lòng mẹ cũng ngổn nang mọi mối, đợi con hết đứng lại ngồi, chỉ chờ mong nụ cười trên mặt con sau mỗi buổi thi. Không biết, các em có hiểu rằng: mình chính là tương lai, là khát vọng thoát nghèo của mẹ cha, sống cuộc đời nông dân lam lũ...”, cô Dương Thị Bốn trải lòng.

 

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.