| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ ở nhà chăm con không có nghĩa là tụt hậu

Thứ Tư 20/01/2016 , 06:15 (GMT+7)

Cháu không tin chồng về mặt nam nữ với nhân viên ư? Hay là không tin cậu ấy do quản lý tài chính kém? Hay là sốt sắng mình phải có vai trò bà chủ?

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu năm nay 32 tuổi, chồng cháu 35 tuổi. Chúng cháu đã có hai con, đều là con trai hết đó cô. Chồng cháu là người HP vào trong này sau khi học xong đại học. Bố mẹ chồng cháu còn ở ngoài kia hết. Cháu là người Kinh nhưng bố mẹ cháu vào Tây Nguyên rồi mới sinh cháu.

Chật vật mãi, hai vợ chồng cháu cũng đã gây dựng được một cửa hàng bán đặc sản chế biến sẵn. Đông khách lắm cô, giờ cháu phải thuê 2 nhân viên bán hàng. Gần đây cô giúp việc viện cớ về quê chuẩn bị Tết, bỏ về ngoài HP sớm, cháu được chồng cho “hưu non” ở nhà chăm con.

Cô ơi, bố mẹ cháu thích làm nông nên đã có rẫy cà phê rộng trên cao nguyên. Cháu lớn lên với đất bazan và công việc rẫy bái. Nhưng như vậy không có nghĩa là cháu không biết buôn bán. Theo cháu, có cửa hàng, vợ làm tay quản lý là đúng nhất.

Chồng cháu có ý chỉ chồng đi làm, vợ nội trợ thôi. Bạn của anh đâu ai dùng mô hình ấy cô. Trong ba người bạn thân cùng ở ngoài kia vào, vợ họ đều đi làm hoặc đứng ra kinh doanh, chồng vợ cùng hai tay chèo, con thuyền kinh tế nhà họ bay lên, còn vợ chồng cháu cháu chật vật mãi. Có phải đẻ toàn con trai thì sóng gió hơn đẻ toàn con gái?

Cháu phụng phịu với chồng nhưng càng ngày anh càng gia trưởng. Cháu lại không tin anh. Cửa hàng hai nhân viên nữ, ăn nên làm ra thì phát triển thêm, khi đó cháu bị “chôn” ở nhà thì biết gì mà quản lý nữa cô?

Nhất định khi đứa con nhỏ đến tuổi mẫu giáo, cháu sẽ xông pha ra. Lúc ấy chồng có cấm được không? Cô cho cháu mấy “chiêu” đi cô.

-------------------------

Cháu thân mến!

Cô đồng ý với cháu rằng thời nay vợ chồng cùng chèo thì con thuyền kinh tế gia đình mới mau khấm khá. Vả lại, nhu cầu chỗ đứng là có thật và mãnh liệt ở những phụ nữ hiện đại. Thế nhưng cô cũng từng đồng ý với những phụ nữ khác trong phạm vi tư vấn, rằng ở nhà nội trợ, nuôi dạy con nên người cũng không phải giải pháp lạc hậu.

Có một cô bạn người Mỹ thấy cô ngạc nhiên sao nhiều phụ nữ ở nhà chăm con, đã giải thích rằng, ở Mỹ thuê người giúp việc có thể giao con mình cho họ là cực đắt, hơn nữa, ở nhà thì không có nghĩa là tụt hậu. Đúng, sau đó cô có dịp sang Mỹ và đến nhà một người phụ nữ có bảy đứa con và ông chồng đi làm để nuôi cả nhà. Tầng hầm nhà họ có thư viện to vật vã, một gia đình trí thức.

Lá thư cháu không nói rõ tâm trạng nhưng cô đọc thấy cháu ấm ức chứ không thoải mái khi được chồng cho “hưu non”. Cháu không tin chồng về mặt nam nữ với nhân viên ư? Hay là không tin cậu ấy do quản lý tài chính kém? Hay là sốt sắng mình phải có vai trò bà chủ?

Có những ông chồng gia trưởng 'tiến dần đều', khi cưới bệnh này còn nhẹ, sau mỗi năm mỗi lộ ra thêm và khi đã lấn vợ được thì bệnh ấy ở anh ta càng tăng. Biết làm sao khi cái máu gia trưởng thống trị đàn ông mình, nhất là đàn ông miệt ngoài. Có mấy chiêu nhẹ nhàng chữa bệnh đó, thứ nhất, im lặng; thứ hai, quật khởi từ từ khi con lớn chút; thứ ba, chờ anh ta có sai lầm, có lỗi gì đó tai hại thì mình “cướp chính quyền” (giai đoạn ngắn); thứ tư, cứ thế, cũng từ từ, lấn lại, rồi quan hệ sẽ quân bình, khi chồng nóng thì “cơm sôi nhỏ lửa”, khi chồng yếu thế thì mình lộ thiên vai trò nội tướng, và rồi khi già thì ông nói bà nghe và bà nói ông nghe, hòa, cho đến khi mọi sự kết thúc.

Có câu “gái có công chồng chẳng phụ”, giờ con nhỏ quá, cháu hãy thể hiện vai trò và trách nhiệm với hai con với bữa ăn hàng ngày cho chồng, với cái nhà mà mình là ngọn lửa. Rồi, âm thầm tính, con đi mẫu giáo thì làm gì nữa, thuê người không, hay một mình mình căng ra giữa cửa hàng và bếp núc, chồng con. Lặng lẽ nghĩ và làm cho bằng được. Để chồng và nhà chồng ghi nhận, phải một quá trình, hàng chục năm, cứ thế. Năng lực, thu vén, quán xuyến và cả sự chèo chồng nữa.

Các cháu trẻ, mới khởi nghiệp mới hôn nhân, vợ và chồng còn bập bênh với nhau nhiều keo, nhiều giai đoạn lắm. Chồng trẻ mà giỏi, cũng đáng tự hào và cũng là mối “ưu tư” khi nghĩ đến các em nhân viên cứ anh anh sếp sếp. Nhưng phải già tay cư xử, tin và yêu, rồi chồng cũng sẽ tự hào về vợ và chỉ tin yêu vợ mà thôi. Giữ chồng cho đến khi cả hai đều già sụ, là câu chuyện dài của nhiều thập kỷ, cố lên cháu nha.

Riêng chuyện con trai một bề có sóng gió không, dĩ nhiên sẽ nặng lo hơn con gái một bề. Con trai khó nuôi, nặng dạy, nhiều tiền lo cho nó khi thành gia thất và sau đó nữa. Vả lại, một người bố cộng với hai con trai, dương thịnh, nhà thiếu cân bằng, nhưng đã vậy thì đành vậy chứ lấy đâu ra con gái nữa, đúng không?

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.