ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền |
Bà đánh giá như thế nào về vị thế vai trò của phụ nữ trong gia đình, xã hội hiện nay. Họ phải đối diện với những “khó khăn” thách thức như thế nào?
Theo cá nhân tôi nhận thấy, nhận thức về vai trò vị trí của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây.
Nếu trước đây quan niệm về người phụ nữ luôn gắn liền với những đức tính dịu dàng, chịu thương, chịu khó, âm thầm chịu đựng, hy sinh vì gia đình, thì hiện nay vị thế của người phụ nữ đã khác hơn, họ đạt được những bước tiến dài ở nhiều lĩnh vực bên ngoài xã hội.
Những quan niệm có tính truyền thống được hiểu như người phụ nữ chỉ nên gắn với việc nhà, việc gia đình đã được nhìn nhận một cách cởi mở hơn, gánh nặng gia đình được san sẻ và không còn được xem là bổn phận riêng của người phụ nữ.
Bên cạnh đó, không ít phụ nữ hiện đại luôn biết cách vượt qua những rào cản về định kiến giới để thể hiện khả năng của mình, nâng cao năng lực và phát triển bản thân. Điều đó cho thấy vai trò kép không chỉ còn là trách nhiệm của người phụ nữ trong xã hội hiện nay mà họ đã được trao quyền nhiều hơn.
Tuy vậy, trên thực tế chúng ta vẫn chứng kiến không ít những trở ngại và thách thức làm cản trở bước đường tiến thân của người phụ nữ.
Tôi cho rằng, khó khăn thách thức lớn nhất hiện nay mà phụ nữ đang đối diện trước hết, là chính họ! Bản thân người phụ nữ nếu không vượt lên chính mình để tự khắc phục những định kiến về giới trong gia đình cũng như ngoài xã hội thì sẽ khó khẳng định và nâng cao giá trị bản thân.
Mặt khác, việc trao quyền cho phụ nữ hiện nay tưởng chừng rất công bằng theo quy định pháp luật và cam kết quốc tế, thế nhưng tôi nhận thấy vẫn còn thiếu sự công tâm trong việc trao cơ hội cho người phụ nữ, sự cam kết chưa thể hiện rõ trong hành động.
Phụ nữ luôn gặp nhiều khó khăn hơn nam giới trong việc nắm bắt cơ hội, vẫn tồn tại khuôn mẫu giới và thái độ phân biệt đối xử về vai trò của phụ nữ và nam giới trong lãnh đạo ở những vị trí quan trọng, then chốt. Một số lĩnh vực, phụ nữ chưa được tạo điều kiện để phát huy đầy đủ khả năng, được cống hiến, được thụ hưởng công bằng so với nam giới.
Thậm chí, dù việc trao quyền có thể được chia đều trong quá trình phát triển nhân sự đối với bất kỳ ai thì các vị trí chủ chốt, cấp cao hầu hết vẫn là đặc quyền dành cho nam giới. Chứng tỏ rằng, dù khẳng định định kiến giới đang dần được xóa bỏ nhưng thực tế vẫn tồn tại những nút thắt vô hình trong tư duy của những người có trách nhiệm, của xã hội, của gia đình và của chính giới nữ cần phải được gỡ bỏ.
Phụ nữ ngày càng độc lập, bằng chứng là có rất nhiều người tham gia chính trường, điều hành doanh nghiệp… thậm chí những công việc dường như mặc định chỉ có phái mạnh mới làm được. Bản thân bà cũng là ĐBQH, làm quản lý tại địa phương, một lúc “gánh” nhiều vai như thế, bà sắp xếp, tổ chức cuộc sống như thế nào?
Thật ra, có những “gánh” do chính tôi tự nguyện lựa chọn và phân định nó bằng một số nguyên tắc riêng, thế nên tôi không xem đó là sự mang vác để rồi gắng gồng lên thấy nó nặng hay nhẹ. Đôi khi nó là niềm vui hoặc nếu có mệt mỏi thì tôi vẫn hài lòng với sự lựa chọn của mình.
Cuộc sống của tôi vì thế cũng bình thường như bao người, có sự sắp xếp phù hợp với công việc và hoàn cảnh, cảm ơn bạn đã quan tâm. Tuy nhiên, tôi sẽ thấy rất thú vị nếu bạn đặt vấn đề này với một nam giới có cương vị hiện tại như tôi. Thay vì gắn nhãn vai trò của người phụ nữ với nhiều gánh nặng, tại sao chúng ta không thử tìm hiểu trách nhiệm thực vai trò kép của người đàn ông trong xã hội hiện nay.
Có ý kiến cho rằng “phụ nữ ngày càng nam tính”, đặc biệt khi phụ nữ giỏi thì thường khó duy trì được hạnh phúc gia đình. Bà cho rằng điều này đúng không? Vậy phụ nữ thông mình có phải là người biết “giả vờ ngu” không thưa bà?
Chúng ta không nên đặt ra quá nhiều chuẩn mực cho phụ nữ hiện đại, phải dịu dàng khép kín, phải an phận thủ thường, là hậu phương vững chắc cho chồng... Không ít phụ nữ, bên trong vẻ mềm mại của họ là một sức mạnh nội lực vô cùng mạnh mẽ.
Sẽ rất bất bình đẳng nếu mặc định người phụ nữ thành công là người vừa có năng lực làm việc tốt ngoài xã hội vừa đảm bảo gia đình vẹn toàn. Bởi xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình không thể giao trách nhiệm chỉ cho một người, việc vun vén nuôi dưỡng tình cảm gia đình phải xuất phát từ tâm ý của các thành viên trong gia đình. Suy nghĩ như vậy thì rất dễ dẫn đến việc cùng có năng lực, cơ hội phát triển như nhau nhưng người phụ nữ phải cố gắng, nỗ lực gấp đôi so với nam giới. Không có lý do gì để đời tư của một người phụ nữ thành công bị soi mói, bị suy xét hơn so với nam giới, nếu cuộc sống riêng của họ không may mắn hoặc suôn sẻ.
Quan điểm của tôi, người phụ nữ thông minh là người hiểu mình cần gì, muốn gì, biết vận dụng năng lực của mình như một nguồn năng lượng sống tích cực. Hay nói cách khác, là biết cách áp dụng quyền lực cứng của mình một cách hiệu quả và sử dụng quyền lực mềm một cách tự tin trong việc và cả trong cuộc sống.
Xin cảm ơn, chúc bà ngày 8/3 thật nhiều ý nghĩa!