| Hotline: 0983.970.780

Phu nước biển

Thứ Năm 06/05/2010 , 09:37 (GMT+7)

Khi những triền đất canh tác màu mỡ ven con sông Phổ Lợi đã nhường cho quá trình đô thị hoá, cũng là lúc cư dân hai bên triền sông nghĩ về miền cát với cái nghề không giống ai.

Những "cuốc" xích lô chở nước biển nhọc nhằn
Bán nước biển, một nghề khá lạ lùng đã nuôi sống bao thế hệ người dân ở huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi những triền đất canh tác màu mỡ ven con sông Phổ Lợi đã nhường cho quá trình đô thị hoá, cũng là lúc cư dân hai bên triền sông nghĩ về miền cát với cái nghề không giống ai.

Nghề của người nghèo

Lê từng bước chân mệt nhọc trên cát, anh Nguyễn Quốc Hương (41 tuổi) chậm rãi xách từng can nhựa lên chiếc xích lô cũ kĩ chuẩn bị mang lên bán cho các nhà hàng thuỷ sản trên thành phố Huế. Nghề bán nước biển xem ra không khác mấy với nghiệp chài lưới, cũng dậy thật sớm, mò mẫn xuống biển đánh vật với sóng gió và cái lạnh của sương đêm để kiếm miếng cơm manh áo.

Anh Hương kể, quê anh ở thôn Tân Cảng (xã Phú Tân), làm nghề bán nước biển đã được hơn 10 năm. Trước đây, anh vốn theo nghề biển, quanh năm ăn ngủ với sóng gió mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc cho gia đình với 5 miệng ăn. Trong một lần, anh ra khơi đánh cá, thuyền gặp sóng lớn nhấn chìm may mà còn giữ được tính mạng trở về. Thất nghiệp mấy tháng trời, nghe bà con trong thôn rủ kiếm kế mưu sinh, anh xoay sang nghề bán nước biển, mỗi ngày hai chuyến cũng kiếm được 60-70 nghìn đồng. Cùng làm nghề với anh, từ 4 giờ sáng hàng chục phu nước ở thôn Thạch Căn, Mỹ An, Phú Khê (xã Phú Dương) cũng xuống biển múc nước mưu sinh. Từ các thôn trên về biển Thuận An hơn chục cây số nên họ phải tranh thủ đi sớm cho kịp giờ. Châm điếu thuốc rít mạnh vài hơi, anh Hương bảo: “Phải dậy sớm lấy nước để trời vừa sáng là mình đã mang nước lên tới thành phố rồi. Nghề này không trễ được đâu, không có nước, thuỷ sản nuôi ở nhà hàng chết, xem như bữa sau mình mất mối”.

Mỗi chiếc xích lô “cõng” được từ 6 đến 8 can nước biển 20 lít. Hầu hết phương tiện vận chuyển là xích lô nên rất nặng nhọc, đòi hỏi nhiều công sức. Cùng đi với anh Hương, có anh Nguyễn Văn Thành (24 tuổi, thôn My An, xã Phú Dương), một thanh niên mới vào nghề hơn một năm. Thành uể oải cho hay: “Gánh nước đi trên cát rất nặng nên ban đầu mới làm quen với nghề này thì phải luyện nữa anh à. Mấy bữa đầu tui chịu không nổi định bỏ việc, nhưng riết rồi cũng phải gắng làm vì miếng ăn vợ con. Nhưng nói thiệt ở đây làm thì không ngại mà chỉ ngại không có việc thôi”.

Hầu hết những nhà hàng thuỷ sản đều ở trung tâm thành phố Huế. Mỗi can nước biển 20 lít đem lên tận đây sẽ được trả 4 đến 5 nghìn đồng. Nếu phải “vượt dốc” lên tận Nam Giao, đồi Thiên An thì chủ nhà hàng sẽ ưu ái hơn, mỗi can 7 đến 8 nghìn đồng. Nói về nghề này, anh Hương tâm sự: “Mỗi ngày mình gắng chở được 7 đến 8 can nước cũng tạm đủ sống! Nước biển thì mênh mông mà sức người thì có hạn chú ạ. Đã gần chục năm mà tui vẫn quẩn quanh với cái nghề ni, không biết khi nào sắm được một căn nhà, miếng đất cho đang hoàng mà mần ăn”.

Những vòng xe nhọc nhằn

Chọn nghề bán nước biển làm kế mưu sinh không chỉ có những người đàn ông khoẻ mạnh như anh Hương, anh Thành, mà ngay cả những phụ nữ chân yếu tay mềm thất nghiệp trong thôn Tiên Nộn, Quy Lai (xã Phú Thanh)… cũng bước vào cuộc “bán sức” để kiếm tiền.

Nhìn dáng gầy nhom của chị Thoan không ai có thể tin rằng với sức vóc của người phụ nữ thân gầy như chiếc lá này có thể “cõng” được hàng chục can nước trên chiếc xích lô cũ kĩ. Quê chị ở vùng chiêm trũng Phú Thanh, quanh năm chỉ biết quanh quẩn ruộng vườn, năm nào thuỷ thần cũng “ghé thăm” nên đời sống hầu hết người dân rất chật vật. Khi mà những dải đất hai bên triền sông Phổ Lợi đã dần nhường cho quá trình đô thị hoá thì cũng là lúc cái gia đình 6 miệng ăn của chị phải lao đao chạy gạo từng bữa. Chồng chị quanh năm quần quật trên mấy sào ruộng một vụ cũng không đủ tiền cho lũ nhỏ ăn học. Cứ quay quắt mãi trong cái vòng luẩn quẩn, thế rồi chị quyết định vay tiền nhà bà con “tậu” một chiếc xích lô cũ quay sang với nghề bán nước biển.

Hơn chục năm trời gắn đời mình trên chiếc xích lô chở nước biển, tuổi xuân của chị Thoan đánh rơi lúc nào không hay! Làn da cháy sạm dưới cái nắng và hơi mặn của gió biển khiến chị như già hơn so với cái tuổi 45 của mình. Búi lại mái tóc cháy vàng xõa trước mặt, chị trầm ngâm: “Ở xứ mình khổ lắm. Làm thì không sợ cực mà chỉ sợ không có việc thôi. Ruộng bạc màu, người ta quy hoạch sắp lấy lại rồi. Ai có vốn thì đi buôn, mình nông dân quê mùa, không được mấy chữ, chỉ biết dựa sức lao động là chính thôi. May mà tui “vớ” được cái nghề ni cũng tạm sống được!”.

Chị tâm sự: “Mới thấm thoát mà cũng đã được hơn chục năm rồi. Trong đội chở nước ở thôn Tiên Nộn tui là người có thâm niên lâu nhất! Một ngày mình gánh được 8 đến 10 can nước, chi tiêu tằn tiện chút là đủ tiền cho lũ nhỏ ăn học, cũng hơn quanh quẩn mấy sào ruộng chịu cảnh thiếu trước hụt sau”.

Những vòng xe nhọc nhằn của dân phu nước biển vẫn cứ đều đặn đi về mỗi ngày. Trở về thôn Tân Cảng, Thạch Căn, Quy Lai… sau một ngày lao động nặng nhọc. Những hộ dân làm nghề bán nước biển như trút cái mệt mỏi của mình chậm rãi trên từng vòng quay bàn đạp. Đánh chiếc xích lô nặng trịch về trước sân nhà, thả mình xuống bậc cửa, anh Hương lôi trong túi quần ra một xấp tiền nhàu nát, mặn mùi nước biển, lật từng tờ một vuốt thẳng, ngồi đếm. Anh nhẩm tính: “Được chừng này mai lại phải đi tiếp rồi, cái xe cũng sắp hỏng nữa, phải kiếm thêm vài chuyến tu sửa chiếc mới được”.

Những đứa con của anh Hương thấy cha về, từ trong căn nhà lụp xụp ào ra xúm xít đòi quà, thằng cu lớn trèo lên chiếc xích lô cũ kĩ của cha mình “luyện” đạp…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.