| Hotline: 0983.970.780

Phú Thọ: Hà bá há miệng chờ... dân

Thứ Sáu 07/10/2011 , 10:51 (GMT+7)

Gần một tháng nay, gần trăm hộ dân các xã Bảo Yên, Đoan Hạ, Tu Vũ của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đang sống trong cảnh thấp thỏm lo bị nước lũ cuốn trôi...

Các hộ đân sống bên ngòi qua huyện Thanh Thủy bị sạt lở tan hoang

Gần một tháng nay, gần trăm hộ dân các xã Bảo Yên, Đoan Hạ, Tu Vũ của huyện Thanh Thủy, Phú Thọ đang sống trong cảnh thấp thỏm lo bị nước lũ theo ngòi Lạt vào cuốn trôi hết cả đất đai, nhà cửa bất kỳ lúc nào.

Ông Nguyễn Văn Bạn có khoảng 70m2 đất vườn bị sạt lở ở xã Bảo Yên cho biết, hiện tượng sạt lở đã có từ lâu, nhưng đến đầu tháng 8 này, khi các trận mưa lớn kéo dài đổ xuống thì diễn biến mới đặc biệt nghiêm trọng. Toàn bộ diện tích đất màu dọc hai bên ngòi kéo dài khoảng hơn 1km đã bị nước xoáy, nhiều nơi nước còn ăn sâu vào sát móng nhà dân, khiến không ít gia đình hoảng sợ phải đi sơ tán, chấp nhận cuộc sống tạm bợ.

Ông Bạn cho biết thêm, mặc dù khu vườn nhà ông đã được kè tường đá với đường kính 60-70cm, nhưng sau một trận mưa vừa qua nước ngòi dâng cao, chảy mạnh đã kéo theo toàn bộ bờ tường nhà ông xuống nước, cây ăn quả lâu năm đã bị cuốn trôi, giờ chỉ còn lại bờ vực sâu hoắm.

Gia đình anh Nguyễn Bảo Lộc có khu đất sau vườn rộng mấy trăm mét vuông với hàng trăm cây bạch đàn. Chỉ sau một trận mưa, toàn bộ cây cối trong vườn đã biến mất. Ngay cả tường rào nhà anh được xây bằng đá cũng bị nứt toác. Còn ngôi nhà, nước chỉ tiến thêm 3 mét nữa thôi chắc chắn sẽ nằm dưới bờ ngòi. Và chuyện này chắc hẳn sẽ không còn xa.

Chỉ vào vết nứt đang cày sâu vào nhà, anh Lộc cho biết: “Chiều hôm trước ra khu đất vẫn chưa thấy có dấu hiệu gì, vậy mà sáng hôm sau đã thấy vết nứt chạy dài về phía móng nhà chừng 3 mét. Vết nứt dài 10 mét, rộng 20 cm. Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa nhà tôi bị dòng nước cuốn trôi thôi”.

Sang địa bàn xã Tu Vũ, đến khu 5, đi đâu chúng tôi cũng nghe mọi người bàn tán diễn biến sạt lở sau cơn mưa. Gia đình chị Tạ Thị Quý ban đầu bị mất đất vườn. Sau đó nước lở lói, đánh sập cả sân, rồi cuốn luôn công trình phụ. Đến giờ thì nước đã tiến sát vào móng nhà. Con cái trong gia đình đều phải đưa về bên nội bên ngoại trú ngụ, không ai dám ở lại ngôi nhà này nữa. Chị Quý chưa hết bàng hoàng: “Chúng tôi đang ngủ thì nghe có tiếng sụp lớn. Mở cửa ra thấy toàn bộ vườn tược nhà mình biến mất. Nước xoáy mạnh tí nữa chết cả nhà”.

Việc phòng chống sạt lở, bố trí lại dân cư những vùng nguy hiểm để bảo đảm tính mạng và tài sản của các hộ dân ở Thanh Thủy đang là vấn đề cấp bách cần được cơ quan chức năng quan tâm, xử lý.

Hiện trên địa bàn huyện Thanh Thủy có tới gần trăm hộ dân sống dọc bờ ngòi thuộc địa phận xã Đoan Hạ, Bảo Yên và ngòi Lạt thuộc địa bàn xã Tu Vũ cùng chung nỗi lo mất nhà do sạt trượt đất. Mới đây nhất, đoạn đường bê tông liên thôn của xã Tu Vũ đã bị nước cuốn trôi, không thể đi lại được.

Người dân ở đây cho biết, ngòi này bắt nguồn từ dãy núi Lưỡi Hái chảy qua địa bàn các xã Yên Lương, Yên Lãng, Cự Đồng, Tất Thắng, Thắng Sơn của huyện Thanh Sơn đổ về Thanh Thủy. Nhiều năm nay con ngòi đã đóng vai trò tích cực trong việc tiêu úng cho 7 xã vùng trung huyện Thanh Thủy (Hoàng Xá, Trung Nghĩa, Đồng Luận, Trung Thịnh, Bảo Yên, Đoan Hạ, Sơn Thủy). Thời gian gần đây, do tác động điều tiết nước của các hồ đập thủy điện phía thượng nguồn sông Đà cộng với khí hậu diễn biến thất thường, mưa lớn kéo dài khiến dòng chảy vốn đã quanh co, độ dốc lớn của con ngòi ngày càng mạnh lên. Mặt khác, kết cấu đất ven bờ là đất cát pha nên dễ bị xói mòn, sạt lở. 

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.