Người dân Phú Thọ sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt. |
Theo Trung tâm Nước sinh hoạt và VSMTNT Phú Thọ, tỷ lệ người dân nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến hết năm 2018 đạt 96%. Mục tiêu này đến hết năm 2020 nâng lên thành 98%.
Để đưa nước sạch về vùng nông thôn, luôn có sự phân công quản lý, phối kết hợp giữa các sở, ngành. Ban Điều hành đã phối hợp với Ban Dân tộc và UBND các huyện, thành, thị sử dụng các nguồn vốn lồng ghép để duy tu sửa chữa công trình cấp nước. Các dự án cấp nước và vệ sinh nông thôn triển khai được công khai tới người dân theo quy chế giám sát cộng đồng.
Đặc biệt, chú trọng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và vệ sinh cho người nghèo, gia đình chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho hộ nghèo và gia đình chính sách vay để đầu tư kết nối, xây dựng công trình cấp nước và vệ sinh hộ gia đình.
Bên cạnh đó, để hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có sự tham gia của nhiều cấp ngành trong tỉnh, bằng nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt trong dịp hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và VSMT và ngày Môi trường thế giới. Chú trọng bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ cấp nước và VSMT ở cấp tỉnh và đào tạo cán bộ quản lý vận hành cấp cơ sở.
Các dự án đầu tư xuất phát từ thực trạng khan hiếm nước, nhu cầu sử dụng nước của nhân dân. Các bước thực hiện dự án tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Công tác lập kế hoạch hàng năm và chuẩn bị dự án đạt chất lượng tốt.
Tuy nhiên, Phú Thọ là tỉnh trung du, miền núi địa hình chia cắt, diện tích rộng, dân cư sống phân tán nên suất đầu tư cấp nước cho 1 hộ dân cao trong khi nguồn vốn được bố trí hàng năm cho chương trình thấp. Vẫn còn sự chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, đặc biệt những vùng nghèo, vùng có điều kiện khó khăn chưa được tiếp cận với các điều kiện cấp nước. Mặc dù Chính phủ đã quan tâm nhưng nguồn tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu.
Đối với công trình UBND xã và cộng đồng quản lý, do không thành lập các ban quản lý vận hành mà chỉ giao cho các khu dân cư cử ra một vài người vận hành nên công tác quản lý vận hành hiệu quả thấp. Hầu hết các tổ vận hành không có năng lực về chuyên môn và tài chính. Công trình thu không đủ chi vì vậy không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Nhiều công trình chỉ hoạt động tốt khi mới bàn giao đưa vào hoạt động sau đó nhanh chóng hư hỏng, xuống cấp.
Thực tế tại các địa phương, nhu cầu người dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh rất cao. Đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, nhận thức về sử dụng nước sạch ngày càng tiết kiệm hơn.
Phấn đấu tới năm 2020, 98% người dân Phú Thọ được sử dụng nước hợp vệ sinh. |
Chị Bùi Thị Thìn, khu 4, xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao) chia sẻ: Gia đình tôi sử dụng nước sinh hoạt từ năm 2001 do HTX cung cấp thấy khá an toàn, Những dụng cụ như phích nước, chậu rửa… không bám cặn bã hay phèn. Bên cạnh đó, cứ 3 tháng có đoàn về kiểm tra nước, họ đánh giá nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường nên yên tâm hơn”.
Còn anh Hà Văn Thương, xã Khả Cửu (huyện Thanh Sơn) cho biết: Công trình nước sinh hoạt tại xã vận hành được 10 năm, 1 tháng thay chua, cọ bể một lần. Chất lượng nước rất tốt, nguồn nước luôn cung cấp đủ cho nhân dân. Bên cấp nước có thu tiền nên dân cũng không còn sử dụng lãng phí.
Để đạt mục tiêu gần 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, tỉnh Phú Thọ xác định xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư cho công trình nước sạch tập trung ở nông thôn và phát huy nội lực của nhân dân trong việc đầu tư nước sạch. Thông qua các chương trình, dự án, các ngân hàng thương mại tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vay vốn ưu đãi để đầu tư nước sạch...