| Hotline: 0983.970.780

Phủ xanh cao su Tây Bắc: Vẫn phải thận trọng

Thứ Năm 19/08/2010 , 09:36 (GMT+7)

Ngày 18/8, tại tỉnh Điện Biên, BCĐ Tây Bắc phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm chương trình phát triển cây cao su

Các địa phương giờ đã đón nhận cây cao su với tinh thần thận trọng, khoa học hơn

Ngày 18/8, tại tỉnh Điện Biên, BCĐ Tây Bắc phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm chương trình phát triển cây cao su. Ông Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Bắc, các Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Minh Quang, Hồ Xuân Hùng chủ trì hội nghị. Đại diện 14 tỉnh đến tham dự.

Nhận diện khó khăn

Báo cáo của Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN, Tập đoàn Cao su Việt Nam, đại diện các tỉnh trong khu vực Tây Bắc có triển khai chương trình cao su cho thấy: Phát triển cao su ở vùng Tây Bắc là chương trình rất mới mẻ. Do vậy, đã được sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ, sự quan tâm phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành ở Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN và các địa phương thông qua các cơ chế chính sách cụ thể.

Trong 3 năm, các tỉnh đã phát triển gần 15.000 ha cao su. Số diện tích cao su này cơ bản đều sinh trưởng khá. Sau thời gian thí điểm từ năm 2007, ba năm qua cây cao su đã được triển khai trồng đại trà tại vùng Tây Bắc. Dự kiến hết năm 2010, diện tích trồng cây cao su của cả vùng Tây Bắc sẽ đạt khoảng 42.000 ha trong đó 7 tỉnh (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ) có diện tích cao su trồng mới đạt trên 20.000 ha. Nhìn chung, cao su mới trồng sinh trưởng khá tốt, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt dự kiến, nhiều nơi không thua kém các vùng cao su truyền thống ở Tây Nguyên và Nam bộ.

Qua đợt rét hại lịch sử cuối năm 2008, đầu năm 2009, một số giống cao su vẫn sinh trưởng bình thường. Tuy nhiên, hầu hết các đại biểu đều nhận định chưa thể kết luận được điều gì bởi thời gian số cao su đầu tiên cho mủ vẫn còn khá dài. Ông Nguyễn Văn Sơn, PCT UBND tỉnh Hà Giang thận trọng: “Cao su ở Hà Giang là cây trồng mới, đòi hỏi vốn lớn, thời gian cơ bản dài vì vậy các khâu tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Mặt khác địa bàn Tây Bắc địa hình quá khó khăn, chia cắt, tập trung nhiều dân tộc sinh sống nên để cây cao su phát triển không dễ dàng. Đơn cử ở vùng thấp của Hà Giang như huyện Bắc Quang, chỉ cần một con đường liên xã là có khoảng 1.000 ha quỹ đất trồng cao su nhưng vốn để đầu tư thì không biết lấy ở đâu”.

Vấn đề vốn đầu tư quá lớn cũng là băn khoăn chung của các tỉnh. Mặc dù BCĐ đã định hướng sử dụng các nguồn vốn lồng ghép để ưu tiên đầu tư cho cao su nhưng các đại biểu tỏ ra phản đối. Ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: “Không thể thực hiện lồng ghép các nguồn vốn bởi nguồn nào cũng có mục đích sử dụng riêng. Chưa kể hầu hết các địa phương đều có điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy cần phải có một chương trình riêng và những tính toán khoa học”.

Góp đất bằng cổ phần- phát sinh bất cập

Cũng theo ông Quảng, một vấn đề quan trọng khác là việc quy hoạch và kết hợp góp đất của nông dân đối với các DN phải đặc biệt quan tâm. Bởi địa hình Tây Bắc khó khăn, các bản đồ đều không sát với thực tế nên khi cấp giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) cho nông dân ở vùng đồi núi khá nan giải. Cần phải có nguồn kinh phí để lập bản đồ, rà soát quy hoạch lại diện tích cụ thể của từng vùng. Cây cao su lại khá dài hơi, nên cần có nguồn kinh phí hỗ trợ cho đồng bào khi họ góp đất mà chưa có thu nhập. Mức giá áp dụng giá trị góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các hộ vào Cty hiện chỉ ở mức 10 triệu đồng/ha còn khá thấp nên số hộ dân tham gia còn hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ chịu trách nhiệm quy hoạch và liên kết các nguồn vốn để có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa đối với chương trình trồng cao su ở Tây Bắc. Theo Thứ trưởng, việc phát triển cây cao su ở Tây Bắc bước đầu đã thay đổi tập quán SX, bộ mặt của nhiều địa phương, góp phần xây dựng NTM.
Những tồn tại hạn chế, vướng mắc khác cũng được các đại biểu thẳng thắn nêu rõ đó là: công tác tuyên truyền ở một số địa phương còn yếu nên còn tình trạng người dân chưa thực sự hiểu hết về chương trình; cơ chế chính sách phát triển cao su tại các tỉnh Tây Bắc chưa đồng bộ, nhất là việc xác định giá trị quyền sử dụng đất để các hộ dân góp cổ phần vào DN cao su còn mang tính bình quân, chưa rõ ràng dẫn đến việc hỗ trợ đền bù cho các hộ tham gia trồng cao su chậm. Ở một số tỉnh vẫn còn tình trạng thực hiện chưa đúng trình tự đầu tư, cũng như thủ tục chuyển đổi rừng và đất rừng sang trồng cây cao su.

Cũng vì thiếu vốn trầm trọng nên các tỉnh mong muốn lồng ghép chương trình trồng cây cao su vào dự án 661 nhưng Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng khẳng định không thể được vì đây là vấn đề nhạy cảm. Có thể nói qua mấy năm đưa cây cao su lên Tây Bắc, các tỉnh đã bắt đầu nhận diện được nhiều khó khăn đặt ra. Vì vậy không khí quá hào hứng, vồ vập với cây cao su đã được thay thế bằng một cách nhìn thận trọng, khoa học. Đây là tín hiệu tốt để việc phát triển cây cao su ở khu vực này dần đi vào chất lượng, làm đến đâu chắc đến đó thay vì chạy theo diện tích đơn thuần.

Cần những bước đi phù hợp

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, Tập đoàn CNCSVN:

Thời gian tới, cần khẩn trương hoàn thiện việc khảo sát, xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển cây cao su trên địa bàn, làm căn cứ khoa học và pháp lý cho việc tổ chức trồng cao su, đảm bảo phát triển nhanh nhưng bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các cơ chế, chính sách mới như chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề trồng cao su, hỗ trợ đo đạc, hỗ trợ DN đầu tư cơ sở nghiên cứu, khảo nghiệm, SX giống cao su, hỗ trợ công tác khuyến nông...

Bộ NN-PTNT chỉ đạo Tập đoàn CNCSVN và các Viện khoa học về cao su nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn bộ giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu ở mỗi tiểu vùng.

Căn cứ tiến độ trồng và kiến thiết cơ bản các vùng cao su, Tập đoàn CNCSVN phối hợp với các địa phương chủ động quy hoạch và đầu tư xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến một cách đồng bộ.

Các địa phương trong vùng Tây Bắc cần hết sức chủ động trong việc tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút nguồn lực của DN, xây dựng quan hệ liên kết, hợp tác bền chặt với các tổ chức kinh tế và hộ nông dân.

Vừa phát huy động lực của cơ chế kinh tế thị trường, vừa chú ý đúng mức đến phong tục, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao vốn chưa có nhiều tác phong công nghiệp và kinh nghiệm trong tổ chức SX hàng hóa, để có giải pháp phù hợp nhằm giúp chương trình phát triển cây cao su đạt hiệu quả cao nhất.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất