| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Cây mía cũng bị “ngăn sông cấm chợ”

Thứ Sáu 12/03/2010 , 10:18 (GMT+7)

Người trồng mía ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) không nhận tiền đầu tư của Cty TNHH Công nghiệp KCP VN mà bán cho các NM đường khác giá cao hơn. Thế nhưng vụ này, mía đã chín khô vẫn không bán được vì “ách” lại.

* Cảnh sát giao thông "bảo kê" cho KCP?

Người trồng mía ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) không nhận tiền đầu tư của Cty TNHH Công nghiệp KCP VN mà tự xoay sở vốn SX nhằm bán mía cho các NM đường khác giá cao hơn. Thế nhưng vụ này, mía đã chín khô vẫn không bán được vì bị “ách” lại.

Chỉ quanh quẩn ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân- Phú Yên), chúng tôi đã nghe “nhẫy” tai chuyện cây mía bị “ngăn sông cấm chợ”. Anh Mang Đen, một người dân tộc Bana ở làng Soi Nga cho biết: “Nhà mình có 5 ha đất, muốn trồng mía mà không có vốn, bà con bày mình liên hệ với KCP nhận vốn đầu tư. Nhưng cái vốn này đến chậm quá lại phải làm nhiều giấy tờ lắm mà thời vụ thì không thể chậm trễ. Thế nên mấy năm nay mình nhận đầu tư của tư thương với cam kết là sẽ trừ nợ vào mía khi thu hoạch".

Người nông dân chân chất này nói tiếp: "Tiền nhận đầu tư là 5 triệu đồng/ha, vốn đầu tư này không bị trả lãi như vốn đầu tư của KCP mà nhanh đến tay nên mình ưng cái bụng lắm. Bỗng nhiên không biết bị “mắc” cái gì mà người đầu tư vốn cho mình không chịu mua mía, mía đã chín khô mà cứ đứng giữa trời. Cứ nhìn ông mặt trời đỏ lòm thì mía của mình chắc sẽ mất chữ đường, mất sản lượng, nghĩa là mình sẽ bị mất nhiều tiền đấy!”.

Hỏi dò, chúng tôi được biết đã nhiều năm qua, bà Dương Thị Kim Loan quê ở thôn 4, xã An Thành, huyện ĐăkBơ (Gia Lai) chọn xã Xuân Lãnh làm chốn làm ăn bằng cách đầu tư vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây trồng mía, đến khi thu hoạch thu hồi vốn bằng sản phẩm. Gặp bà Loan đang đứng ủ rũ bên những bao phân vừa được vận chuyển đến làng Soi Nga chuẩn bị đầu tư cho vụ mía mới, bà rầu rĩ nói: “Năm nay nữa là 11 năm tôi làm ăn với bà con dân tộc ở làng này. Vào những năm đầu, mía thu mua được tôi bán cho Cty KCP. Thế nhưng vì giá thu mua ở Cty này luôn thấp hơn giá thị trường, lại bị trừ tạp chất nặng quá nên không có lãi. Nghe ngóng, tôi được biết Cty CP Đường Bình Định thu mua giá cao hơn lại ít trừ tạp chất nên tôi chuyển hướng làm ăn sang Cty này".

Không ngờ sự chuyển hướng của bà Loan lại mang đến cho bà và cả những người trồng mía tai hoạ lớn. “Họa đến với tôi từ khi ấy. Cách đây 3 năm, tôi chở 2 xe mía về Bình Định, vừa đến vùng giáp ranh tại địa bàn xã Xuân Lãnh (Phú Yên) thì bị CSGT chặn lại với lỗi quá khổ, quá tải. Kỳ ở chỗ mấy anh cảnh sát bảo rằng nếu tôi chở mía quay ngược lại bán cho Cty KCP thì sẽ được “tha” phạt, còn không nghe sẽ bị phạt và giam xe. Sợ quá, tôi chở ngược lại bán cho Cty KCP, không ngờ cân mía lấy phiếu xong, Cty KCP không thanh toán tiền xe 2 mía kia với lý do “phạt” cái tội chở mía ra Bình Định bán"- bà Loan trình bày tiếp.

Mặc dù UBND xã Xuân Lãnh đã có văn bản kiến nghị Cty KCP trả tiền cho bà nhưng đến nay 2 xe mía có trọng lượng hơn 48 tấn trị giá 30 triệu đồng của người phụ nữ có gan "nổi loạn" này vẫn chưa thu hồi được. "Hỏi vậy làm sao tôi còn dám làm ăn với Cty KCP nữa. Và từ đó đến nay, đến vụ thu hoạch, xe mía nào của tôi chở ra Bình Định đến địa phận xã Xuân Lãnh cũng đều bị CSGT chặn lại phạt và bắt phải cam kết phải bán mía cho Cty KCP”.

Anh Võ Văn Sỹ (55 tuổi) ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, người đang sở hữu 1ha mía cho biết thêm: “Gia đình tôi trồng mía từ ngày giải phóng đến nay. Trước đây tôi đã từng bán mía cho Cty KCP. Thế nhưng giá cả luôn thấp hơn giá thu mua của các tư thương, lại còn “ép” người bán trong việc trừ tạp chất. Nếu như bán cho tư thương chúng tôi chỉ bị trừ tạp chất từ 1-2%, 1 tấn mía chỉ mất 20kg, còn ở Cty KCP trừ tạp chất đến 5-6%, 1 tấn mía mất đến 50-60kg, có nghĩa là 1 xe mía 20 tấn người bán mất đứt 1,4 tấn thì nông dân còn gì để ăn".

 "Bây giờ CSGT cứ chặn xe mía chở ra thì tư thương nào dám mua. Quanh năm có thấy bóng dáng ông CSGT nào ở đây đâu, nhưng cứ đến mùa thu hoạch mía là “nườm nượp” nên dân ở đây gọi cái chốt giao thông này là…chốt mía”- anh Sỹ "tố" khổ.

Ông Trịnh Minh Thái- PCT UBND xã Xuân Lãnh cho biết, cây trồng chủ lực của xã là cây mía với 1.000ha thu hút 80% dân số tham gia, tiếp đến là cây mì với 400ha, chỉ có 215 ha trồng lúa. Do chỉ ăn nước trời nên năng suất cây trồng ở đây rất thấp, mía trên đất tốt nhất cũng chi cho chừng 55 tấn/ha. Muốn cây mía phát triển ổn định nông dân cần phải đầu tư cao hơn các vùng mía khác. Thế nên khi bán mía, ai mà không muốn bán được giá cao để bù vào chi phí. Bây giờ bị “ngăn sông cấm chợ”, tư thương không dám mua, bán cho Cty KCP thì mất thu nhập.

Hiện nay dù tư thương không mua nhưng nhiều hộ nông dân vẫn không chặt mía bán cho Cty KCP chấp nhận ngày càng mất chữ đường, mất năng suất chờ tình hình được cải thiện. Mía đứng khô rang trên đồng dưới cái nắng như thiêu đốt. Tình trạng này đang ẩn chứa thảm họa: “bà hỏa” sẽ tấn công đồng mía. Và điều lo lắng này đã bắt đầu xảy ra. Ông Trịnh Minh Thái cho biết: “Vào đêm ngày 9/3, đám mía hơn 1 ha nằm gần vệ đường của ông Nguyễn Hùng (45 tuổi) ở thôn Lãnh Trường bị lửa thiêu rụi, may mà cứu kịp không bị cháy lan”.

TẬN MẮT CHỨNG KIẾN CẢNH SÁT CHẶN XE MÍA

Trưa ngày 9/3/2010, để xác minh thực hư, PV NNVN quyết định âm thầm đi theo xe mía của bà Loan chở mía về Bình Định. Theo chúng tôi biết thì xe mía này nhất định không phạm lỗi quá khổ quá tải vì chỉ chở chưa tới 10 tấn mía trên chiếc xe có trọng tải 20 tấn. Thế nhưng khi đến vùng giáp ranh Phú Yên- Bình Định thuộc xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), lập tức 2 chiếc xe công tác, 1 của CSGT và 1 của Thanh tra giao thông Phú Yên ập đến chặn xe. Thật ngẫu nhiên, đúng lúc ấy có khoảng 7-8 nông dân địa phương đi làm đồng về thấy vậy đứng lại xem và phản ứng to tiếng, gay gắt.

PV đi lại bắt chuyện với họ để ghi âm những lời phát biểu bức xúc, vô tư của những nông dân chân chất này: “Trời quơi! Chiếc xe chở có bấy nhiêu mía kia mà bắt cái nỗi gì vậy. Sao không vào ngã ba trong kia để bắt những chiếc xe của Cty KCP chất mía “lút bin” mà lại cứ chặn bắt xe mía chở ra ngoài địa bàn. Làm gì cũng phải cho công bằng chứ để dân khỏi nói chứ. Nếu Cty KCP mua mía giá cao và dễ chịu như “người ta” thì ai mà không muốn bán gần cho đỡ tiền vận chuyển. Nếu không bị “chận”, người trồng mía ở đây bán cho các tư thương 1 xe mía sẽ có thêm được 2 triệu đồng. Nông dân ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này mà có thu nhập thêm được 2 triệu đồng/1 xe mía là lớn lắm”.

PV-VM

 

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm