| Hotline: 0983.970.780

Phù Yên đồng thuận vươn lên

Thứ Ba 28/11/2017 , 09:10 (GMT+7)

Bộ mặt nông thôn miền núi của huyện Phù Yên (Sơn La) đang dần khởi sắc. Cở sở hạ tầng ngày một khang trang. Đời sống, thu nhập của đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện, nâng cao. Sản xuất nông nghiệp có bước tiến rõ rệt...

Đạt được những kết quả đáng mừng đó có sự nhập cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân huyện Phù Yên trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).
 

Chọn phát triển kinh tế là khâu đột phá

Là một trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Phù Yên bắt tay vào thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM với những khó khăn chồng chất. Toàn huyện có 27 xã, thị trấn thì có tới 11 xã đặc biệt khó khăn. Địa bàn rộng, giao thông hiểm trở, địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai chương trình xây dựng NTM trong toàn huyện.

13-57-41_py1
Nhiều tuyến đường xã, bản ở huyện Phù Yên đã được nhựa hóa, bê tông hóa

Cấp ủy Đảng, chính quyền huyện luôn trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi: Làm sao và làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất chương trình NTM trên địa bàn? Sau nhiều cuộc họp bàn, huyện Phù Yên đã xác định được hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Đó là lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân làm “điểm tựa” để thúc đẩy việc thực hiện các tiêu chí khác.

Ông Phan Quý Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Xây dựng NTM là chương trình rộng, bao quát nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường... Trong khi đó, Phù Yên lại là huyện nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặt khác, trong xây dựng NTM cần xác định rõ là người dân giữ vai trò chủ thể thực hiện, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần nhất định.

“Lường trước những khó khăn, thách thức, ngay từ những năm đầu triển khai, huyện đã xây dựng lộ trình phù hợp và đề ra các giải pháp đồng bộ. Một mặt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng NTM. Mặt khác, để người dân có thể phát huy tốt vai trò chủ thể, huyện đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất...”, ông Dương cho biết thêm.

Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế địa phương, huyện Phù Yên đã quy hoạch phát triển sản xuất theo từng vùng. Các cấp, các ngành, các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tập quán sản xuất tự cung, tự cấp trước đây chuyển sang phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; thâm canh tăng vụ, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, các mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi.

Hiện nay Phù Yên đã đưa giống lúa chất lượng cao vào thâm canh trên cánh đồng Mường Tấc; xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hoá như gạo Mường Tấc, tỏi Gia Phù, cam Mường Thải, quýt Mường Cơi, chè cổ thụ Mường Do. Chỉ tính riêng năm 2007, toàn huyện Phù Yên đã trồng mới gần 800 ha cây ăn quả các loại như nhãn, xoài Đài Loan, cam Vinh, chanh leo...

13-57-41_py2
Nhà văn hóa Bản Lìn, xã Gia Phù được đầu tư xây dựng, trở thành nơi hội họp, sinh hoạt văn hóa của cả bản
Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thôn, bản gắn với xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đẩy mạnh, đã thu được nhiều kết quả khả quan. Bà con các dân tộc chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, làng bản. Nhiều hộ gia đình đã chủ động di dời gia súc ra khởi gầm sàn, xây dựng chuồng trại thoáng mát. Các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, bà con sống chan hòa, thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Cùng với đó, huyện khuyến khích nhân dân các xã vùng cao phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng, đưa kinh tế rừng trở thành kinh tế mũi nhọn gắn với du lịch sinh thái; ưu tiên phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cũng được huyện chú trọng. Kinh tế tập thể được quan tâm triển khai có hiệu quả, coi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương...
 

Nông thôn khởi sắc

Từ việc hỗ trợ phát triển sản xuất, mà đời sống, thu nhập của nhân dân các dân tộc địa phương không ngừng được cải thiện, nâng cao. Kinh tế phát triển, người dân tích cực, đồng lòng tham gia xây dựng NTM, tạo nên phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới” ngày càng phát triển sâu rộng khắp các xã, xóm, thôn, bản.

Ông Đào Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, phấn khởi nói: Tuy còn nhiều khó khăn song những kết quả đạt được trong xây dựng NTM thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự vào cuộc tích cực của người dân.

Huyện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai chương trình NTM. Qua đó góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện nhà phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, thu nhập của người dân tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh...

Lúc đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Phù Yên có tới 5 xã chưa đạt tiêu chí nào, các xã còn lại cũng chỉ đạt 4/19 tiêu chí. Với hướng đi phù hợp, qua hơn 6 năm thực hiện, đến nay huyện Phù Yên đã đạt bình quân 7,7 tiêu chí/xã; xã Gia Phù đang hoàn tất các thủ tục để công nhận đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017; huyện không còn xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí...

13-57-41_py3
Cam là một trong những cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Mường Thải

Theo ông Nguyên, cái được lớn nhất trong xây dựng NTM ở Phù Yên thời gian qua, đó là đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, xây dựng NTM trở thành suy nghĩ thường trực, ngấm vào máu thịt đồng bào. Thông qua việc công khai, minh bạch tất cả các nội dung liên quan đến xây dựng NTM, người dân phát huy được quyền làm chủ nên chủ động tham gia, đóng góp công sức làm đường giao thông, nhà văn hóa, sân thể thao...

Sự nghiệp giáo dục trên địa bàn huyện cũng có nhiều tiến bộ vượt bậc. Đồng bào các dân tộc chú ý hơn tới việc học hành của con em. Chất lượng dạy và học ở tất cả các bậc học, với 88 đơn vị trường được nâng lên qua từng năm học. Công tác dân số, gia đình và trẻ em được triển khai sâu rộng và toàn diện. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc.

Từ đầu năm đến nay, huyện Phù Yên đã tổ chức được 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học- kĩ thuật vào sản xuất, thu hút gần 1.000 người tham gia; thành lập mới 3 HTX nâng tổng số HTX của toàn huyện lên 22 HTX; đào tạo nghề cho hơn 200 lao động khu vực nông thôn tập trung vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản. Chính các mô hình sản xuất phát triển đã góp phần nâng cao thu nhập, từ đó tạo lực đẩy và quyết tâm xây dựng NTM tại các xã trên toàn huyện Phù Yên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.