| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Mía, mì đều... mệt

Thứ Ba 14/12/2010 , 10:08 (GMT+7)

Sau lũ, tình trạng đất “ngậm nước” nhiều ngày làm nhiều diện tích sắn (mì) có hiện tượng úa lá, thối củ, rồi chết dần. Cây mía thì bị bệnh đốm lá hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Theo số liệu của UBND tỉnh Phú Yên, đợt mưa lũ vừa qua làm hơn 2.000ha lúa mùa đang trong thời kỳ làm đòng bị ngập, giảm năng suất; gần 1.800ha mía bị ngã đổ; hơn 1.400ha sắn (củ mì) bị sũng nước và khoảng 1.000ha hoa màu các loại bị ngập úng hư hỏng…

Sau lũ, tình trạng đất “ngậm nước” nhiều ngày làm nhiều diện tích sắn có hiện tượng úa lá, thối củ, rồi chết dần. Cây mía thì bị bệnh đốm lá hàng loạt mà không rõ nguyên nhân.

Mì thối củ

Mặc dù chính quyền các địa phương và các NM chế biến củ mì trong tỉnh có chủ trương ưu tiên thu mua mì ở vùng trũng thấp sớm hơn thời vụ, nhằm tránh thiệt hại cho nông dân, nhưng do mưa dầm nhiều ngày, đất không rút được nước, hàng trăm ha mì ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa đã và đang tiếp tục thối củ, úa lá và chết thân. Hầu hết diện tích bị thiệt hại nằm ở vùng trũng thấp, rìa sông, suối.

Huyện Đồng Xuân, địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ, làm gần 2.000ha cây trồng bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó cây mì chiếm gần 400ha, phần lớn bị thối củ không tiêu thụ được. Chị Nguyễn Thị Hai ở xã Xuân Quang 2 nói: “Gia đình trồng được 2 sào củ mì, nếu không bị ngập úng thu hoạch cũng được khoảng 3-4 tấn. Mì đã đến tuổi thu hoạch, mà nhổ lên thì trơ gốc, moi xuống củ bị thối rữa hoàn toàn. Chưa bao giờ cây mì bị tình trạng như vậy”.

Là địa bàn ít chịu ảnh hưởng của mưa lũ, huyện Sơn Hòa có gần 2.000ha mì, tập trung chủ yếu ở xã Krông Pa với diện tích trên dưới 1.000ha. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, theo báo cáo của các địa phương, toàn huyện có khoảng 45ha mì thiệt hại, trong đó xã Sơn Hà chiếm 35ha.

Huyện Sông Hinh có hơn 4.400ha mì, trong đó gần 150ha bị ngập úng, hàng trăm ha ảnh hưởng nặng đến năng suất, sản lượng. Đại diện NM Chế biến tinh bột mì Fococve Sông Hinh cho biết, qua thu mua, chế biến, một số diện tích chất lượng củ đạt thấp, trữ lượng bột không cao. Nhà máy ưu tiên tiêu thụ trước những diện tích bị ảnh hưởng, nhằm giảm thiệt hại cho bà con.

Sau mưa lũ, hiện tượng cây mì vàng lá dẫn đến thối rữa củ đang xảy ra trên diện rộng, nhiều nhất là ở huyện Đồng Xuân. Nhiều nông dân trồng cây mì bày tỏ lo ngại, khả năng mì sẽ chết hàng loạt nếu trời không có nắng là điều rất dễ xảy ra, vì hiện tại nhiều diện tích đã và đang tiếp tục có dấu hiệu vàng, úa lá, teo thân rồi chết, củ bị thối hoàn toàn. Ngoài giảm năng suất và thiệt hại, nguy cơ thiếu giống cho vụ tới cũng là rất cao.

Mía bị bệnh đốm lá

Theo nhiều người trồng mía, khoảng một tháng trở lại đây cây mía bỗng dưng bị bệnh đốm lá làm khô lá trên diện rộng mà không rõ nguyên nhân. Hàng nghìn ha mía, chủ yếu ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa đang trong giai đoạn chín chuẩn bị thu hoạch bị nhiễm bệnh.

Là vùng nguyên liệu mía trọng điểm của tỉnh, huyện Sơn Hòa có hơn 8.300ha, trồng tập trung ở xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Hội và Sơn Phước. Dọc QL25, thuộc địa bàn xã Sơn Hà bạt ngàn mía đang kỳ thu hoạch, nhưng hầu hết có hiện tượng giống như bị cháy lá. Tương tự, dọc các tuyến đường qua các xã Đức Bình Tây, Đức Bình Đông (Sông Hinh) và nhiều địa bàn ở huyện Tây Hòa, đâu đâu cũng dễ dàng nhận thấy mía bị khô lá khác thường hàng loạt.

Ông Phan Văn Thống, ở xã Đức Bình Tây (Sông Hinh) lo lắng: “Tôi trồng được có 3 sào, hơn một tháng qua tự nhiên cây mía đang xanh tốt, chẳng hiểu sao lại xuất hiện nhiều đốm nâu trên lá, sau đó làm lá khô giống như bị khô hạn, không biết có ảnh hưởng đến năng suất hay không”. Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân ở thị trấn Củng Sơn trồng được hơn 7 sào, do đất trũng, mía ngập nước lại bị nhiễm bệnh đang vội vàng thu hoạch cho biết: “Gọi là thu, chứ thật ra là vớt được bao nhiêu thì vớt, mía bị ngập trong thời gian quá dài lại bị bệnh đốm lá nên phần lớn bị hư, ước năng suất chỉ đạt hơn 10 tấn/ha”.

Công ty CP Mía đường Tuy Hòa cho biết, vùng nguyên liệu quy hoạch cho Nhà máy đường Tuy Hòa hiện có hơn 4.200ha, chủ yếu ở hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa. Hiện tại đã có gần 600ha mía bị bệnh đốm nâu và khô lá, phần lớn là giống R579. Nguyên nhân là do loại giống này mẫn cảm với thời tiết, không chịu được mưa dầm nhiều ngày. 

Về lâu dài, các ngành chức năng, nhà đầu tư phải kiểm định chất lượng giống kỹ lưỡng trước khi chuyển giao cho nông dân. Nên loại bỏ các loại giống năng suất thấp, dễ bị nhiễm bệnh, tránh hậu quả thiệt hại cho người trồng mía.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất