| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Người trồng mía mất tết

Thứ Tư 17/01/2018 , 15:05 (GMT+7)

Niên vụ mía 2017 - 2018, nhà máy đường vào vụ trễ gần 1 tháng so với các năm trước, giá thu mua mía nguyên liệu cũng giảm làm nông dân không vui.

08-29-39_img_4316
Ruộng lầy lún xe tải không vào được, nông dân thu hoạch mía vác ra đường

Những năm trước, cuối tháng 12, nông dân ở tỉnh Phú Yên thu hoạch rộ mía bán cho các nhà máy để có tiền mua sắm trong dịp tết. Tuy nhiên năm nay, do mưa lũ muộn kéo dài, đường lún nên nông dân khó thu hoạch.

Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho hay: Mấy năm trước, cuối tháng 12, vùng này mía chín rộ, xe chở mía ra vào tấp nập. Nay đến gần giữa tháng 1, nhà máy đường mới thông báo khai trương vụ ép mới. Sau bão số 12 đến nay mưa liên tiếp, mía nhà tôi trồng ở ngoài soi, đất còn nhão phải chờ nắng ráo xe vào mới chặt mía bán cho nhà máy được.

Không chỉ mía trồng ngoài soi bị mưa lũ kéo dài khó thu hoạch, trồng trên vùng gò đồi cũng bị thất thu nặng. Ông Thái Văn Can ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) cho biết, bão số 12 vừa qua làm mía ngã đổ, chặt bán mất chữ đường. Nếu mấy năm trước đạt 10 chữ đường thì năm nay chỉ đạt 6 - 7 chữ đường, so với các năm trước thì thất thu gần một nửa.

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Toàn huyện có 3.200ha mía, bão số 12 làm ngã đổ ngập úng 854ha, thiệt hại từ 50 - 70%. Từ sau bão mưa lũ muộn tiếp tục kéo dài, nông dân khó thu hoạch.

Tại vùng mía xã Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), không chỉ mía ngã trải dài mà ruộng mía vẫn còn nhiều nước, lầy lún. Ông Bùi Thanh Quang ở xã Sơn Hà chia sẻ: Thời điểm này mấy năm trước, nông dân trong xã thu hoạch rộ bán lấy tiền tiêu tết, riêng năm nay mía vẫn còn đứng đám do nước còn trong ruộng.

Ông Phan Văn Long, nông dân trồng mía xã Sơn Phước cho hay: Mấy năm trước, giá mía nguyên liệu nhà máy thu mua trung bình 1 triệu đồng/tấn, năm nay nhà máy mua mía thấp hơn gần 200.000 đồng/tấn. Trung bình một xe mía chở 20 tấn, người trồng mất toi 4 triệu đồng. Đó là chưa kể chữ đường còn thấp hơn các năm trước do mía ngã đổ. Trong khi đó, năm nay mía ngã đổ thu hoạch tốn nhiều công...

Những ngày này năm ngoái, nhà máy đường TUSUCO (Cty CP Mía đường Tuy Hòa), nhà máy đường Đồng Xuân (Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) cho xe tải chở mía đậu kín bãi chờ để chế biến đường. Thế nhưng năm nay chỉ lác đác vài xe chở mía về nhà máy.

Ông Ma Lâm, nông dân trồng mía ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) cho biết: "Niên vụ này tôi trồng 1ha mía tơ, nếu thu hoạch thời điểm này ruộng còn nước bánh xe tải chạy vào “cày” nát gốc mía không thể để lưu gốc được, đành chờ nắng ráo.

Những ngày qua, ảnh hưởng không khí lạnh, mưa lớn vẫn tiếp diễn làm cho đường lún, ruộng lún nên xe không thể vận chuyển được, không chỉ nông dân mà nhà máy cũng gặp khó.

08-29-39_img_4318
Người trồng mía Phú Yên mất tết

Theo ông Subbaiah, TGĐ Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam: Mưa lớn và lũ lụt diễn ra muộn vào thời điểm tháng 11 và tháng 12/2017 và kéo dài qua tháng 1/2018 làm ảnh hưởng hoạt động ép mía của nhà máy đường ở khu vực miền Trung, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên trễ hơn 1 tháng.

Mặc dù nhà máy đường KCP tại Sơn Hòa và Đồng Xuân đã chuẩn bị sẵn sàng cho ép mía vào đầu tháng 12 nhưng vẫn chưa thực hiện được. Hiện phần lớn diện tích mía còn nước trong ruộng, nguy cơ bị lún cao. Ngoại trừ một số diện tích có thể thu hoạch đầu vụ.

Cũng theo ông  Subbaiah, thời tiết không thuận lợi nhưng KCP vẫn vào vụ để không mất thời gian. Nhà máy đường Sơn Hòa chính thức hoạt động vào ngày 14/1. Giá thu mua là 800.000 đồng/ tấn mía sạch tại ruộng với 10% chữ đường.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ mía 2017 - 2018 toàn tỉnh có 20.284,9ha mía bị ngã đổ, ngập úng. Sau bão, ngành nông nghiệp vận động nhân dân khôi phục sản xuất. Đối với cây mía tiêu thoát nước nơi ngập úng, dựng lại cây, buộc giữ phần ngọn thành từng khóm 3 - 5 cây, vun cao gốc để hạn chế đổ, giảm thiểu mía mất năng suất, thấp chữ đường...

 

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm