| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên xử lý nghiêm các trường hợp đánh bắt bất hợp pháp

Thứ Hai 13/05/2019 , 11:29 (GMT+7)

Những tàu đánh bắt bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị nước ngoài bắt giữ, sau khi được trả về nước tỉnh này đã chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định.

07-31-59_1
Hiện hải sản đưa về cảng đều được lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm đếm trước khi chở đi tiêu thụ.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 3 vụ có 5 tàu cá, với 34 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ do khai thác hải sản bất hợp pháp. Trong đó, tàu cá PY 95003 TS do ông Nguyễn Văn Tý ở khu phố 6, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) làm thuyền trưởng, cùng 5 thuyền viên bị bắt giữ khi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển Indonesia vào ngày 14/4/2017.

Đến ngày 9/6/2017, các thuyền viên trên tàu cá này đã được lực lượng chức năng của Indonesia trả về Việt Nam, riêng ông Nguyễn Văn Tý bị phạt 20 tháng tù giam sau đó mới được trả về Việt Nam.

Còn tàu cá PY 96392 TS của ông Nguyễn Đức Trạng ở khu phố 4, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) cùng 6 thuyền viên bị lực lượng chức năng Philippines bắt giữ vào ngày 17/8/2018. Sau đó đã bị tịch thu tàu cá. Đến ngày 13/2/2019, thuyền trưởng cùng các thuyền viên được lực lượng chức năng Philippines trả về Việt Nam bằng đường hàng không.

Tàu cá PY 92681 TS của ông Trần Tân ở phường 6 cùng với 3 thuyền viên và tàu cá PY91647TS của ông Võ Trọng Đạt ở khu phố Bạch Đằng, phường 6 (TP Tuy Hòa) cùng 8 thuyền viên đều bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ vào ngày 19/6/2018. Các ngư dân trên đã bị Malaysia phạt tù và tịch thu tàu cá. Đến ngày 3/2/2019, các thuyền trưởng và ngư dân trên 2 tàu cá trên được lực lượng chức năng Malaysia trả về Việt Nam.

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, sau khi các tàu đánh bắt bất hợp pháp trả về nước tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo xử lý nghiêm. Theo đó, 4 trường hợp tàu trên đều bị Chỉ huy trưởng BCH Bộ đội biên phòng tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các thuyền trưởng.

Cụ thể, mỗi trường hợp bị phạt tiền 70 triệu đồng. Đồng thời, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy sản không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới tàu cá và buộc các chủ tàu vi phạm này chi trả kinh phí đưa các thuyền viên đi trên các tàu cá bị nước ngoài bắt giữ về nước.

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh, BCH Bộ đội biên phòng tỉnh và các sở, ngành cùng các địa phương liên quan tiếp tục xác minh và xử lý các trường hợp vi phạm nêu trên.

Để tiếp tục ngăn chặn các tàu đánh bắt bất hợp pháp, góp phần gỡ “thẻ vàng”, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn việc ngư dân tổ chức khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài và khẩn trương khắc phục những tồn tại mà Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị.

Ông Hà Viên, Giám đốc BQL Cảng cá Phú Yên, cho biết, các cảng cá Đông Tác (TP Tuy Hòa), Phú Lạc (huyện Đông Hòa) đến nay cơ bản đã giải quyết cơ bản những tồn tại trong các khâu cập nhật hồ sơ tàu xuất, nhập cảng; giám sát quá trình lên cá, sản lượng và sổ nhật ký tàu thuyền cập cảng, hàng hóa thông qua cảng.

07-31-59_2
Tàu đánh bắt trở về cập cảng Đông Tác
Theo các DN xuất khẩu thủy sản Phú Yên, việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam cũng có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường Phú Yên. Để cá ngừ đại dương Phú Yên xuất khẩu sang các thị trường khó tính, việc đầu tiên là ngư dân phải tuân thủ mọi quy định không đánh bắt bất hợp pháp, tuân thủ ghi chép nhật ký khai thác để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng cá ngừ, ngư dân chú trọng khâu khai thác, sơ chế và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch.

Từ đầu năm đến nay, tại hai cảng này đã có gần 1.000 lượt tàu cá cập cảng đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ và xác nhận hải sản cho các tàu cá.

“Chúng tôi đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành đúng các quy định về khai thác hải sản trên biển, không vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Đồng thời các văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng đã cung cấp, hướng dẫn ngư dân thực hiện ghi chép nhật ký khai thác hải sản và thực hiện xác nhận sản phẩm hải sản khai thác...”, ông Viên chia sẻ.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở NN-PTNT chủ động thông tin với các đơn vị chức năng các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nhưng chưa lắp đặt; những tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đặc biệt là các tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép.

UBND tỉnh yêu cầu cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu móc nối đưa tàu đi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài, thông báo cho lực lượng chức năng các tỉnh ven biển biết nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh thiết lập đường dây nóng để kịp thời trao đổi và cung cấp thông tin liên quan đến tàu cá.

Ông Trần Kim Hoa, ngư dân ở phường 6 (TP Tuy Hòa), cho biết, mỗi chủ tàu cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho các thuyền trưởng và thuyền viên không đánh bắt bất hợp pháp là rất quan trọng. Vì khai thác hải sản bất hợp pháp không chỉ gây hậu quả về kinh tế mà ngư dân có thể bị bắt giữ, phạt tù, phạt tiền, thậm chí là đánh đổi bằng chính mạng sống của mình. Việc xử lý nghiêm đối với các thuyền trưởng, chủ tàu cố tình vi phạm ngư trường các nước như cấm khai thác xa bờ, không thực hiện hỗ trợ các chế độ của nhà nước… là thích đáng.

 

Xem thêm
Tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh trả lời câu hỏi của nhà báo về tránh chồng chéo giữa quy hoạch nuôi trồng thủy sản và các ngành khác.

Sôi động mùa cá cơm

Ngư dân bãi ngang tỉnh Quảng Bình trúng đậm mùa cá cơm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi chuyến ra khơi.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất