| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi biểu tượng của đạo học

Thứ Hai 06/03/2017 , 08:39 (GMT+7)

Sau hơn 70 năm thất truyền, trong hai ngày 4 và 5/3, tại khu Văn Chỉ (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức lễ tế Văn chỉ...

Sau hơn 70 năm thất truyền, trong hai ngày 4 và 5/3, tại khu Văn Chỉ (thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức lễ tế Văn chỉ, kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Ban khuyến học và trao thưởng cho các sinh viên vừa đỗ đại học năm học 2016 - 2017.

16-48-06_img_5662
PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cường phát biểu

 

Đây là một trong những nghi lễ hiếm hoi ít nơi còn lưu giữ. Lễ tế Văn chỉ nhằm thúc đẩy tinh thần hiếu học của nhân dân làng cổ Đường Lâm, thu hút đông đảo người dân trong làng và con cháu xa quê về dự.
 

Phục hồi biểu tượng của đạo học

Văn chỉ là biểu tượng thờ đạo học của người xưa. Nơi đây thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền đỗ đạt trong các kỳ thi. Khi Nho giáo thịnh hành, việc thờ Khổng Tử ở cấp tỉnh, trấn, lộ và kinh đô gọi là Văn miếu. Còn từ cấp huyện xuống tổng, xã thì gọi là Văn chỉ.

Trước năm 1945, hầu như khắp các xã, huyện đều có Văn chỉ. Là biểu tượng của tri thức nên nhiều nơi dù không có người đỗ đạt nhưng vẫn lập Văn chỉ để khuyến khích việc học. Riêng thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, nhiều bậc đại khoa xuất thân từ đây và được ghi danh bia đá ở Văn Miếu (Hà Nội) và Văn Thánh (Huế).

Trải qua gần 1.000 năm khoa cử phong kiến, cả xã Đường Lâm có 4 bậc đại khoa (Tiến sĩ, Phó bảng) thì làng Đông Sàng chiếm 3 vị. Đó là Hoàng giáp Tiến sĩ Kiều Phúc, đỗ năm 1493 đời Lê Thánh Tông; Tiến sĩ Kiều Văn Bá, đỗ năm 1511 đời Lê Tương Dực; Phó bảng Kiều Oánh Mậu, đỗ năm 1880 đời Tự Đức. Người còn lại là Thám hoa Giang Văn Minh (làng Mông Phụ).

Đất có tuần, dân có vận, dù trải qua bao biến cố lịch sử nhưng truyền thống hiếu học của làng Đông Sàng vẫn được tiếp nối.

Theo “Đông Sàng văn từ bi” do Phó bảng Kiều Oánh Mậu soạn năm Tân Sửu (1901), được cụ Nguyễn Mạnh Bào - bậc túc nho cuối cùng của làng Đông Sàng ở thế kỷ 20 dịch, đã ghi tên 3 bậc đại khoa nói trên.

Ngoài ra, thời Lê Trung hưng, làng Đông Sàng còn có 2 vị đỗ Hương cống (Cử nhân) là Kiều Bá Nghiễm và Kiều Trọng Đương. Cử nhân Kiều Huy Tùng, thân sinh Phó bảng Kiều Oánh Mậu, thi đỗ Ân khoa năm 1868 đời Tự Đức. Hai cha con danh sĩ Kiều Oánh Mậu ra làm quan đều để lại tiếng thơm cho đời.
 

Kế thế đăng khoa

Con đường học vấn từ xưa đến nay đã được người dân Đông Sàng coi trọng. Trong điều kiện kinh tế dù đầy đủ hay vẫn còn thiếu thốn, các gia đình trong làng vẫn khuyến khích con em mình học hành để mang về kiến thức tạo dựng cuộc sống ấm no.

16-48-06_img_5690
Lễ trao thưởng tân sinh viên năm học 2016 - 2017
 

Danh sách con em người làng Đông Sàng đỗ đạt mỗi năm một tăng lên. Ông Nguyễn Quốc Quân - người dân làng Đông Sàng, cho biết, sau 10 năm thành lập, thôn Đông Sàng đã có 396 người đỗ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư. Chỉ tính riêng năm 2016, con em làng Đông Sàng đã có 21 tân sinh viên nhập học tại các trường đại học, trong tổng số 49 tân sinh viên toàn xã Đường Lâm.

Truyền thống hiếu học ở Đông Sàng như mạch nước ngầm chảy mãi đời đời kế thế đăng khoa. Sau ngày miền Bắc giải phóng, Đông Sàng lại tiếp tục có những người con ưu tú nối chí học hành. Người làng Đông Sàng đầu tiên được Đảng và Nhà nước cử đi học đã đỗ cử nhân chuyên ngành Thông tin liên lạc tại Liên Xô đó là Kiều Kim Sơn.

Năm nay 95 tuổi, Đại tá Kiều Kim Sơn là niềm tự hào của quê hương - người mở đầu cho con em tiếp bước đỗ đạt trong thời đại mới. Hậu duệ danh sĩ Kiều Oánh Mậu có cố GS Kiều Vĩnh Khánh (Đại học Bách khoa Hà Nội). Cố kỹ sư Kiều Quang Ngọc, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cũng là con em làng Đông Sàng…

Về với “Đông Ma cổ ấp” xưa, nay là thôn Đông Sàng thuộc di tích làng cổ Đường Lâm, trong ngày phục hồi lễ tế Văn chỉ, dân làng hân hoan chào đón gần 400 cử nhân được mời ra đình dự lễ. Trong những gương mặt đại diện, bà con phấn khởi và tự hào giới thiệu: TS Lê Trọng Quang, gần 20 năm trước khi mới 29 tuổi, là Tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam chuyên ngành Hóa học; TS Lê Trần Anh, giảng viên Học viện Quân y; PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cường - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Công binh (Đại học Ngô Quyền)…

Trong những năm tới, danh sách những người đỗ đạt từ đại học trở lên của làng Đông Sàng sẽ còn tiếp tục dài thêm nữa. Đó là sự phấn đấu bền bỉ của mỗi cá nhân. Đó cũng là niềm tự hào, sự ủng hộ của Ban Khuyến học làng Đông Sàng.

“Con đường học vấn ngày nay chính là sự tiếp nối truyền thống hiếu học của các thế hệ ông cha đi trước. Mục đích của việc nâng cao học vấn, trau dồi tri thức chính là chấn hưng đạo nghĩa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, làm cho bản thân, gia đình và quê hương đất nước thêm giàu, thêm mạnh”, ông Phan Xuân Tiến - Chủ nhiệm CLB người yêu Hán Nôm và Văn hóa đọc thôn Đông Sàng, chia sẻ.

 

Xem thêm
Quy Nhơn đăng cai giải đua mô tô nước thế giới

Từ ngày 22-24/3, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) sẽ diễn ra Giải đua mô tô nước thế giới UIM-ABP Aquabike World Championship với sự tham gia của hơn 60 vận động viên…

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc

Tuyển Thái Lan gây địa chấn với trận hoà tuyển Hàn Quốc với tỷ số 1-1 ở lượt trận thứ 3 vòng bảng tại vòng loại World Cup 2026.

HLV Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam

Ông Philippe Troussier rời đội tuyển Việt Nam và chính thức không còn nắm giữ vị trí HLV trưởng của đội bóng sau trận thua muối mặt trước tuyển Indonesia.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất