| Hotline: 0983.970.780

Phúc thẩm vụ án tham ô và “cố ý làm trái…” ở Vinalines

Thứ Ba 22/04/2014 , 06:24 (GMT+7)

Hầu hết các bị cáo đều chống án. Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc kêu oan về tội tham ô.

Sáng nay, 22/4/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án hình sự “tham ô tài sản” và “cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Trong phiên tòa hình sự sơ thẩm diễn ra từ 12-14/12/2013 do TAND TP Hà Nội xét xử, có 10 bị cáo phải đứng trước vành móng ngựa là Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ GTVT); Mai Văn Phúc, nguyên TGĐ Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó TGĐ Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines; Trần Hải Sơn, nguyên GĐ Cty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên cán bộ BQL dự án của Vinalines; Lê Văn Dương, nguyên đăng kiểm viên cao cấp thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT); Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức, đều là cán bộ hải quan cảng Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Cả 10 bị cáo đều bị VKSNDTC truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điều 165 BLHS; riêng 4 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn bị truy tố thêm tội “tham ô tài sản” được quy định tại điều 278 BLHS.

Về hình phạt, bản án Hình sự Sơ thẩm số 479 ngày 16/12/2013 của TAND TP Hà Nội đã tuyên: Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có mức án bằng nhau là tử hình về tội tham ô, 18 năm tù về tội “cố ý làm trái…”, tổng hợp hình phạt là tử hình; Trần Hữu Chiều 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội “cố ý làm trái…”, tổng hợp hình phạt là 19 năm tù; Trần Hải Sơn 14 năm tù về tội tham ô, 8 năm tù về tội “cố ý làm trái”, tổng hợp hình phạt là 22 năm tù.

Các bị cáo còn lại nhận từ 4 đến 8 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc mỗi người phải nộp lại 10 tỷ đồng là tiền tham ô, bồi thường 100 tỷ đồng là tiền gây thất thoát cho Nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M. Cả hai bị cáo này đều bị kê biên một số tài sản để đảm bảo thi hành án; Trần Hữu Chiều phải nộp lại 340 triệu tiền tham ô, bồi thường 39 tỷ đồng gây thất thoát; Trần Hải Sơn phải nộp lại trên 7,6 tỷ đồng tham ô, bồi thường 39 tỷ đồng gây thất thoát…

Cho đến nay, dư luận chưa thôi đặt câu hỏi về mức án dành cho Trần Hải Sơn. Khoản 4 điều 287 BLHS quy định rằng người tham ô từ 500 triệu đồng trở lên có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Nếu Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc phải chịu mức án tử hình do mỗi người đã tham ô 10 tỷ, thì tại sao Trần Hải Sơn chỉ phải nhận mức án 14 năm tù khi đã tham ô tới trên 7,6 tỷ đồng, trong khi Sơn cũng chỉ có những tình tiết giảm nhẹ giống hệt Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc? Có thể nói đây là một mức án “không bình thường”. Nhưng sau phiên tòa sơ thẩm, không thấy cơ quan có thẩm quyền nào của ngành Tư pháp kháng nghị tăng hình phạt đối với Sơn.

Hầu hết các bị cáo đều chống án. Nhưng trong khi các bị cáo khác đều nhận tội và xin cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt, thì Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc kêu oan về tội tham ô. Tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng phủ nhận toàn bộ cáo trạng về tội danh này, phủ nhận vai trò của mình trong việc ăn chia 1,66 triệu USD với Cty AP (Singapore) trong thương vụ mua cái ụ nổi đồng nát 83M, phủ nhận lời khai của Trần Hải Sơn về việc Sơn 2 lần đưa số tiền ăn chia đó, mỗi lần 5 tỷ đồng cho Dũng, bằng những lời lẽ hết sức quyết liệt.

Đó là “Không bao giờ tôi nhận cái tội ô nhục này”; “Nếu Tòa buộc tôi tội tham ô, tuyên án tôi tử hình thì tôi phải chết. Nhưng gia đình tôi sẽ kêu oan suốt đời”… Tương tự Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc cũng phủ nhận toàn bộ cáo trạng về tội danh tham ô, cho rằng mình về làm TGĐ Vinalines sau khi việc thỏa thuận ăn chia 1,66 triệu USD với Cty AP đã xong từ trước, bản thân không biết gì về việc này, phủ nhận toàn bộ lời khai của Trần Hải Sơn về việc Sơn đã 3 lần đưa số tiền ăn chia này, lần đầu 5 tỷ đồng và 2 lần sau mỗi lần 2,5 tỷ đồng cho Phúc…

Theo quy định tại mục 4 Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, thì với những người phạm tội tham ô có khung hình phạt cao nhất, nhưng trong quá trình tố tụng, nếu bản thân người đó hoặc gia đình đã nộp lại một phần (từ 1/2 trở lên) giá trị tài sản đã tham ô, thì không cần phải áp dụng hình phạt tử hình đối với người đó. Được biết trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, gia đình Dương Chí Dũng đã nộp cho cơ quan thi hành án TP Hà Nội 4,7 tỷ đồng. Gia đình Mai Văn Phúc cũng đã nộp 3,5 tỷ.

Những số tiền trên, nếu là nộp để khắc phục hậu quả về việc “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do hai bị cáo gây nên thì không có gì để nói, dù đó chỉ là một phần rất nhỏ so với số tiền mà họ phải bồi thường cho Nhà nước (mỗi người 100 tỷ đồng).

Nhưng nếu là nộp lại số tiền tham ô, thì sẽ xảy ra mâu thuẫn, vì đến trước giờ xét xử phúc thẩm, cả Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều không thay đổi nội dung kháng cáo, nghĩa là vẫn không nhận tội tham ô. Không tham ô, thì vì sao lại nộp tiền? Những tình tiết này sẽ được HĐXX phiên tòa phúc thẩm làm rõ. Báo NNVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin để chuyển đến bạn đọc.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm