| Hotline: 0983.970.780

Đâu rồi trái quý?

Phục tráng không để làm cảnh

Thứ Năm 06/03/2014 , 10:09 (GMT+7)

"Để bảo tồn được trái quý cần phải có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ, nhãn mác độc quyền..." - TS. Đào Thế Anh chia sẻ với PV NNVN.

Loạt bài “Đâu rồi trái quý?” phản ánh thực trạng cây đặc sản ở VN đang mất dần. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để duy trì và phát triển trái quý một cách bền vững? TS. Đào Thế Anh (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực & cây thực phẩm kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hệ thống nông nghiệp đã có cuộc trao đổi với NNVN xung quanh vấn đề này.

13-34-10_ts-dao-the-anh-pho-vien-truong-vien-cay-luong-thuc

Thưa ông, tại sao nhiều trái cây bản địa dần mất đi?

Đấy là một thực tế mà ai cũng biết và tôi cho đó là điều đáng tiếc. VN là đất nước nhiệt đới được thiên nhiên ưu đãi nên có nguồn giống cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều cây đặc sản có giá trị. Tuy nhiên việc bắt kịp các tiến bộ KHKT của chúng ta còn hạn hữu. Trong khi đó nhiều giống mới, chống chịu được sâu bệnh, năng suất cao đang có xu hướng thay thế. Mặt khác, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước vẫn chưa đồng bộ, chưa nhiều khiến không ít giống cây bản địa mất dần.

Như vậy nhiều địa phương có cây đặc sản cũng mất hết lợi thế, thưa ông?

Không hẳn thế. Tôi rất vui vì một số địa phương đã nhờ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hệ thống nông nghiệp tư vấn khôi phục và xây dựng thương hiệu cho cây đặc sản; cụ thể là Quảng Ninh, Bắc Kạn. Các tỉnh này đều có tiềm năng du lịch và có giống cây quý nên việc phát triển du lịch gắn với quảng bá nông sản chủ lực là hướng đi đúng. Ngành công nghiệp không khói hỗ trợ ngành nông nghiệp phát triển, tăng thu nhập cho nông dân.

Sở KH-CN Bắc Kạn đã phối hợp với Trung tâm chúng tôi phục tráng được giống hồng không hạt, sau đó phát triển được khoảng 1.000 ha tại huyện Chợ Đồn và Ba Bể. Sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn có chất lượng tuyệt vời, SX chủ yếu phục vụ du khách tham quan hồ Ba Bể mua về làm quà.

Trước kia hồng không hạt ở đây chỉ 10.000 - 15.000 đ/kg, sau khi có thương hiệu, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tăng lên 35.000 đ/kg. Trung tâm cũng giúp một số tỉnh phục tráng và phát triển các giống quý như na dai Đông Triều (Quảng Ninh), chuối ngự Đại Hoàng (Hà Nam), bưởi Luận Văn (Thanh Hóa), mía tím Hòa Bình...

Xin ông cho biết một số kinh nghiệm về bảo tồn các loại trái quý?

Trước hết cần có sự quyết tâm của tập thể lãnh đạo và người dân, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ của nhà khoa học. Chính quyền và người dân nên tham khảo các nghiên cứu khoa học để có kế hoạch phục tráng và đầu tư. Quan điểm của tôi, muốn bảo tồn giống quý phải có người sử dụng nó, nghĩa là phải có thị trường đầu ra.

Trong lộ trình đầu tư cần nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm: SX - thu hoạch - đóng gói - vận chuyển - tiêu thụ. Việc vận chuyển sản phẩm không phải là khâu đơn giản. Nhiều thương lái bị lỗ, bỏ cuộc cũng từ hậu quả của việc vận chuyển ẩu. Cho nên nhiều lô hàng bốc lên, dỡ xuống nhiều lần là trái cây dập nát hết...

Khâu maketing cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Phải làm sao để mọi người duy trì được thói quen sử dụng đặc sản. Chứ bảo tồn chỉ để làm cảnh thì nguy cơ lụi tàn là đương nhiên. Người dân sử dụng quen với đặc sản thì họ sẽ không bị đánh lừa.

Để bảo tồn được trái quý cần phải có chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ, nhãn mác độc quyền để khi ra thị trường hạn chế tối đa việc lẫn lộn với sản phẩm khác. Cái này nhiều nơi vẫn chưa làm bài bản. Đó cũng là lý do không ít sản phẩm được phục tráng rồi vẫn không tồn tại được.

Người dân phản ánh cây bản địa thường nhiễm sâu bệnh, ông cho biết hướng khắc phục thế nào?

Đúng là các loại cây quả có múi như cam, quýt, chanh... hay bị bệnh vàng lá và nấm rễ. Do đó, người dân cần nhân giống cây sạch bệnh, lựa chọn những cây đầu dòng để tiến hành nhân ghép và tiến hành trồng tại vườn cũ, nơi đó có điều kiện sinh thái thích hợp. Mật độ trồng không quá dày và nên trồng xen với một số cây khác. Đồng thời cần học hỏi kinh nghiệm của các lão nông tri điền. Xử lý dịch bệnh theo khuyến cáo của cán bộ BVTV địa phương.

Nhân chuyện này, tôi chợt nhớ có người nói, cũng là cái cũ nhưng khi khôi phục các công trình văn hóa vật thể, phi vật thể thì người ta nhào vô tích cực, còn khôi phục cây đặc sản như cam, quýt... lại không mấy mặn mà. Quan điểm của ông thế nào?

Tôi cho rằng do nhận thức của lãnh đạo và người dân vùng có cây đặc sản mà thôi. Khi đi khảo sát, chúng tôi thấy các lão nông tri điền thì rất hứng khởi với việc phục tráng cây ăn quả của địa phương, trong khi đó thanh niên lại chẳng mấy thích thú. Theo tôi cần có nhiều giải pháp mà trước mắt cần có sự tuyên truyền giáo dục của các lão nông tri điền đối với tầng lớp thanh niên; đặc biệt là sự vào cuộc có trách nhiệm của lãnh đạo.

Tư duy của một số lãnh đạo vẫn cho rằng, giống địa phương có năng suất kém. Điều đó cũng chẳng sai vì rõ ràng nhiều sản phẩm mới hiện nay năng suất cao hơn hẳn. Song nhận thức được sâu xa về giá trị cây quý như ở Quảng Ninh, Bắc Kạn thì chưa phải là nhiều.

Qua việc này ông có kiến nghị gì?

Đầu tư vào trái quý sẽ chậm hơn và lợi ích có thể không bằng đầu tư vào lĩnh vực khác. Vấn đề ở chỗ, đấy là đầu tư cho việc bảo tồn cái quý, cho tiêu dùng. Phát triển trái quý cần có sự hợp tác giữa cơ quan nghiên cứu với các nhà khoa học, các lão nông tri điền để bồi bổ kiến thức SX cho nông dân. Thực tế đã có nhiều người bỏ xây dựng, ngân hàng... để SXKD cây đặc sản và thành công.

Tôi cũng kiến nghị khi quy hoạch công nghiệp, đô thị cần tránh những vùng đã được chỉ dẫn địa lý, được bảo hộ nông sản. Nếu làm công nghiệp, đô thị bằng mọi giá thì sẽ mất đi những thứ có giá trị vô giá.

Xin cảm ơn ông!

Đến nay, Trung tâm Nghiên cứu & phát triển hệ thống nông nghiệp phối hợp với các địa phương tiến hành phục tráng, bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 25 loại nông sản bản địa có giá trị. Một số địa phương sau khi phục tráng thành công, sản phẩm đã được bảo hộ thì rất cần có những dự án đầu tư để nhân rộng và phát triển. Có như vậy việc phục tráng mới thực sự hiệu quả (TS. Đào Thế Anh).

 

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất