| Hotline: 0983.970.780

Phương châm "20 chữ vàng"

Thứ Năm 07/07/2011 , 12:23 (GMT+7)

Quan điểm của tỉnh Thái Bình về chủ trương xây dựng NTM là điều tất yếu, khách quan, hợp với quy trình phát triển.

Thái Bình là một trong những địa phương đầu tiên ra Nghị quyết về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Sau hai năm triển khai, số tiền chi tiêu cho xây dựng NTM tuy còn khiêm tốn song những kết quả nhân dân, cán bộ tỉnh Thái Bình đã đạt được là rất khả quan.

>> Dân hiến kế, góp công
>> Cách Thái Bình xây dựng NTM

Quy hoạch là bàn đạp

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Đình Bình, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, thành viên BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thái Bình cho biết, quan điểm của tỉnh Thái Bình về chủ trương xây dựng NTM là điều tất yếu, khách quan, hợp với quy trình phát triển. Đây là quá trình đổi mới sâu sắc, toàn diện trên mọi lĩnh vực ở nông thôn theo hướng bền vững. Nhưng, tỉnh Thái Bình cũng xác định, xây dựng NTM là nhiệm vụ to lớn vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài cần phải có lộ trình thích hợp để có những bước đi vững chắc, huy động được mọi nguồn lực cùng tham gia, vừa tiết kiệm tiền của mà lại hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng NTM tại tỉnh Thái Bình mới dừng lại ở con số 144,6 tỷ đồng. Nhưng nhờ sử dụng đúng chỗ mà hiệu quả đem lại rất khả quan. Trong quá trình khai, BCĐ xây dựng NTM tỉnh Thái Bình quán triệt rõ, tất cả các xã trong tỉnh Thái Bình đều phải tiến hành xây dựng NTM ở một số tiêu chí nào đó chứ không riêng gì 8 xã điểm. Tiêu chí nào chưa cần đến tiền hoàn thành càng sớm càng tốt, tiêu chí cần tiền bạc tùy mục đích, tầm quan trọng cũng như lợi ích cần làm trước thì phải tiến hành ngay. Các địa phương trong tỉnh khi tiến hành xây dựng bất cứ công trình nào đều phải dựa trên tiêu chí NTM, để tránh sự lãng phí đáng kể về xây dựng sau này.

Với số vốn khiêm tốn trên, việc đầu tiên Thái Bình tiến hành là công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Vấn đề quy hoạch được BCĐ tỉnh Thái Bình coi như bộ khung tổng thể vững chắc để quá trình xây dựng NTM không bị chồng chéo, làm đến đâu chắc đến đó, tránh điệp khúc đập đi xây lại vì chưa đạt chuẩn. Quá trình triển khai, tỉnh Thái Bình mời 27 đơn vị tư vấn trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện, năng lực tham gia lập quy hoạch, lãnh đạo tỉnh trực tiếp triển khai và giám sát. Đến nay, 204/267 xã hoàn thành quy hoạch chung xây dựng NTM, đạt 76,4%. Số xã còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 7/2011.

Khi đã có quy hoạch chung, tỉnh Thái Bình đồng loạt triển khai quy hoạch chi tiết, quy hoạch sản xuất, quy hoạch cơ sở hạ tầng khu dân cư,… đặc biệt là việc dồn điển đổi thửa. Vì chỉ có dồn điền đổi thửa mới đưa được tiến bộ KHKT vào sản xuất, hình thành nên những vùng chuyên canh lớn, nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập cho người nông dân.

Ông Vũ Công Bình, Chi Cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT Thái Bình cho hay, hiện toàn tỉnh có 14 xã hoàn thành phương án dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, tổng khối lượng đào đắp đã thực hiện trên 636.000 m3. Tiêu biểu có xã Thanh Tân cắm được 1.000 cột mốc bê tông, xác định ranh giới bờ vùng, bình quân toàn xã đạt 1,86 thửa/hộ, giảm 36,72% số thửa. Trong đó, 35% số hộ có 1 thửa ruộng, 62% số hộ có 2 thửa ruộng… Các xã còn lại cũng đạt bình quân từ 1,1 - 1,8 thửa/hộ, đóng góp hơn 1,2 triệu m2 đất thực hiện chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng. Với 8 xã điểm, hiện nay đều cơ bản hoàn thành hệ thống đường giao thông nội đồng, các phương tiện cơ giới, máy móc SX nông nghiệp giờ có thể thênh thang tới tận bờ từng thửa ruộng.

Phát triển sản xuất là gốc

Theo ông Đặng Đình Bình, năng suất cây lúa tại Thái Bình có thể khẳng định cao nhất nhì miền Bắc và gần như kịch sàn, khó cao hơn được nữa. Vì vậy, muốn nâng cao thu nhập bình quân đầu người cho người dân bắt buộc phải quy hoạch lại vùng sản xuất, bố trí cây trồng chất lượng cao phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có. Để hình thành phương thức SX tiên tiến theo hướng hợp tác, sau khi hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa, UBND tỉnh Thái Bình hỗ trợ mỗi xã trong tỉnh 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy làm đất, 5 máy gieo sạ hàng từ vụ mùa 2009.

Mỗi đơn vị, cá nhân, tổ chức khi mua máy móc phục vụ SX nông nghiệp đều được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí. Từ mô hình trên, nhiều HTX và hộ nông dân đã đầu tư mua máy phục vụ SX, một số địa phương hiện đã cơ giới hóa 100% trong SX nông nghiệp, giúp chi phí làm đất rẻ hơn được 20.000 đồng/sào, chi phí gặt đập rẻ hơn 40.000 - 60.000 đồng/sào so với dịch vụ máy nhỏ tư nhân trước đây.

Khi được hỏi về công cuộc xây dựng NTM, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM Thái Bình, cô đọng trong 20 chữ:

“Sản xuất phát triển, đời sống sung túc, diện mạo sạch sẽ, thôn xóm văn minh, quản lý dân chủ". 20 chữ trên tôi nói đã thể hiện rất rõ đường đi, nước bước trong công cuộc xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình. Phát triển SX được ưu tiên hàng đầu, tiếp theo là nâng cao đời sống nhân dân để bà con tin tưởng và đồng thuận rồi mới đến các tiêu chí khác”.

Tiếp theo, tỉnh Thái Bình định hướng, quy hoạch các vùng làm nông nghiệp chuyên canh chất lượng cao theo hướng thị trường hàng hóa, hình thành nên những vùng SX lớn. Như xã Trọng Quan (Đông Hưng) bố trí vùng SX khoai tây tập trung 100 ha, xã Nguyên Xá (Vũ Thư) xây dựng vùng lúa chất lượng cao Bắc thơm 100 ha, xã Thanh Tân (Kiến Xương) lấy cây đậu tương, màu đông làm chủ lực với 100 ha, xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ) hình thành nên những cánh đồng trồng ớt hàng trăm ha, xã Hồng Minh (Hưng Hà) quy hoạch được 4 vùng SX nông nghiệp hàng hóa với tổng diện tích trên 500 ha. Tại những vùng SX hàng hóa, thu nhập của người dân cao hơn so với những năm trước từ 2 - 3 lần.

Bên cạnh đưa tiến bộ KHKT vào SX nông nghiệp, Thái Bình đẩy mạnh phát triển các cụm làng nghề, đặc biệt là phát triển ngành kinh tế biển mũi nhọn với mục đích chuyển dần lực lượng lao động trong nông nghiệp sang ngư nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ vững chắc vùng biên giới trên biển. Với ưu thế 52 km bờ biển, tỉnh Thái Bình đã khai thác được xấp xỉ 14.000 ha diện tích nước ngọt – mặn – lợ. Sản lượng đánh bắt thủy hải sản đạt trên 100.000 tấn/năm, đặc biệt là con ngao. Sắp tới, tỉnh Thái Bình chủ trương nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy hải sản lên con số 37.500 ha, sẽ giúp giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 10.000 lao động.

Ngoài những thành tựu đạt được, quá trình xây dựng NTM tại Thái Bình vẫn gặp phải những cản trở không phải là nhỏ. Nông nghiệp hiện còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu SX. Một bộ phận dân cư thu nhập còn thấp, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất