Chuyên gia nông nghiệp người Ấn Độ, Anil Thadani giải thích lợi thế của phương pháp trồng khoai tây khí canh so với phương pháp truyền thống trên đất cũng như đánh giá về phương thức sản xuất mới mẻ này.
Theo ông Anil Thadani, các cách sản xuất theo lối cũ thường không hiệu quả và kém bền vững do chúng ta phải cần đến đất (được cho sẵn vào trong khay, túi trồng hoặc trồng cây trực tiếp xuống đất). Tuy nhiên, có bao giờ bạn tự hỏi làm thế nào mà ngày nay một người nông dân có thể trồng trọt mà không cần sử dụng đất một cách hoàn toàn?
Đó chính là giải pháp khí canh- một kỹ thuật canh tác không sử dụng tới đất, giúp nhiều loại cây trồng phát triển nhanh hơn, bằng việc sử dụng hạn chế nguồn nước cũng như các nguồn tài nguyên và vật tư đầu vào sản xuất khác.
Khí canh cũng tương tự như thủy canh. Thậm chí ngay cả đối với những loại cây lương thực lấy củ, như khoai tây vốn vẫn được trồng dưới đất cũng có thể được trồng theo phương pháp này.
Trung tâm công nghệ khoai tây ở quận Karnal, bang Haryana (Ấn Độ) hiện đang đi tiên phong trong xu hướng canh tác khoai tây không cần đất. Qua một số mùa vụ sản xuất thử nghiệm, cơ sở nghiên cứu này đã thu hoạch được sản lượng khoai tây rất tốt và Bộ Nông nghiệp Ấn Độ đã quyết định đưa vào chương trình khuyến nông mở rộng, để nông dân nắm bắt về kỹ thuật sản xuất mới trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, trong điều kiện sản xuất hiện nay thì khí canh nổi lên với rất nhiều lợi thế khi thực hành sản xuất. Nó không chỉ khắc phục được vấn đề thiếu đất trồng trọt mà còn có khả năng tăng năng suất lên đến 10 lần. Đặc biệt là khí canh sử dụng rất ít nước và chất dinh dưỡng hơn các phương pháp sản xuất truyền thống, do đó giảm thiểu chi phí vật tư đầu vào sản xuất.
“Trong công nghệ trồng khoai tây khí canh, chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây thông qua hệ thống rễ treo. Viện Nghiên cứu nông nghiệp hiện đang tiến hành đánh giá, tổng kết các bộ 'khoai tây giống' khỏe mạnh được trồng thử nghiệm theo phương pháp này để phổ biến rộng rãi trong thời gian tới", chuyên gia nông nghiệp Anil Thadani cho biết.
Các kỹ thuật sản xuất khí canh và thủy canh đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Mặc dù chúng có điểm giống nhau là không liên quan đến đất, nhưng cách thức mà chất dinh dưỡng được chuyển đến nuôi dưỡng cây trồng là khác nhau.
Trong phương pháp thủy canh, cây trồng luôn được giữ trong nước và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Trong khi đó với lối canh tác khí canh, các chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây trồng thông qua việc tưới phun.
Ông Anil nói: “Cây khoai tây được trồng trong môi trường khép kín hướng lên trên và bộ rễ ở dưới. Các hệ thống vòi phun nước được lắp đặt ở phía dưới, để các chất dinh dưỡng đã được trộn sẵn và vận chuyển đến bộ rễ. Nói tóm lại, cây trồng sẽ nhận được cả ánh sáng mặt trời từ trên cao và các chất dinh dưỡng từ bên dưới tương tự như ở trên cạn”.
Giới chuyên gia cho rằng, công nghệ sản xuất khí canh mở ra giải pháp mới rất tích cực, tuy nhiên yếu điểm duy nhất của nó là khâu đầu tư ban đầu liên quan đến nhiều chi phí.
Khí canh (Aeroponics technology) là một phương thức canh tác mới trong nông nghiệp, trồng cây không sử dụng đất (thổ canh), hay nước (thủy canh) mà trồng trong môi trường không khí có chứa các thể bụi dinh dưỡng. Các bụi thể dinh dưỡng cung cấp cho rễ để cây sinh trưởng và phát triển.
Khí canh cung cấp ôxy cho cây trồng tốt hơn, nhờ bộ rễ trong môi trường giàu ôxy làm cho cây có sức đề kháng tốt hơn, hạn chế vi khuẩn kị khí và các loại nấm bệnh nguy hiểm. Ngoài ra khí canh cũng tiết kiệm không gian, diện tích trồng do được thiết kế tích hợp bằng các trụ khí canh thẳng đứng phù hợp với đô thị, kể cả ở trong nhà nếu được cấp ánh sáng đầy đủ.
Với khí canh, rễ cây lơ lửng trong không khí, được cung cấp nước và chất dinh dưỡng bằng phun sương và không khí xung quanh luôn được giữ ẩm. Nguyên tắc cơ bản của hệ thống khí canh là phun một màn sương giàu dinh dưỡng trực tiếp lên rễ hay củ. Việc phun sương thường được thực hiện khá liên tục để cây trồng phát triển và làm tăng quá trình trao đổi chất của cây hơn gấp mười lần so với trồng cây trong đất.