| Hotline: 0983.970.780

Porton Down - cơ sở nghiên cứu quân sự bí mật gây tranh cãi của Anh

Thứ Năm 11/01/2018 , 13:05 (GMT+7)

Porton Down với lịch sử hơn 100 năm là một trong những cơ sở nghiên cứu quân sự bí mật nhất ở Anh. Không nhiều người Anh biết họ đã và đang làm gì ở nơi này. Đây là nơi các nhà khoa học, chuyên gia luôn phải đeo mặt nạ phòng độc và mặc đồ bảo hộ...

10-46-27_nh_1
Lối vào Porton Down

Porton Down, hay còn được biết đến với cái tên Cơ sở nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Quốc phòng, là nơi thực hiện rất nhiều nghiên cứu quân sự tối mật của Anh. Nó có ngân sách khoảng 500 triệu bảng (gần 680 triệu USD) một năm với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hùng hậu hơn 3.000 người. Đây là một trong những cơ sở khoa học gây tranh cãi và gây sợ hãi nhất ở Anh. Dù rất nhiều người Anh từng nghe tới Porton Down nhưng không mấy ai thực sự biết chính xác chuyện gì đang diễn ra bên trong, theo BBC.

Nằm trên một diện tích rộng 28 km2, đông bắc làng Porton, gần thành phố Salisbury, hạt Wiltshire, Porton Down được Anh xây dựng cách đây hơn 100 năm nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng khí gas của Đức trong Thế chiến I.

Cuộc tấn công bằng khí độc đầu tiên nhằm vào các binh sĩ Anh có sử dụng khí Clo. Hàng nghìn lính Anh, không biết mình đang đối mặt với mối nguy hại như thế nào, đã phải chịu vô số vết bỏng hóa chất hoặc chết trong đau đớn. Sau khí Clo, người Đức còn dùng tới cả khí mù tạt và chất độc quang khí (phosgene).

Tướng Herbert Kitchener, bộ trưởng chiến tranh của Anh lúc bấy giờ, ra lệnh tìm cách đối phó ngay lập tức và Porton Down ra đời.

Các nhà khoa học tại Porton Down nhanh chóng phát triển những mẫu mặt nạ phòng độc, đồng thời tiến hành hàng loạt thí nghiệm để thực hiện các cuộc tấn công bằng khí độc tương tự quân Đức. Hệ quả là hàng trăm nghìn binh sĩ và dân thường đã phải bỏ mạng. Đây cũng là lý do Thế chiến I đôi khi còn bị gọi là “cuộc chiến tranh hóa học”.

Kinh hãi bởi hậu quả thảm khốc của chiến tranh hóa học, các cường quốc thế giới năm 1925 ký Công ước Geneva, cấm việc sử dụng vũ khí hóa học nhưng lại không cấm phát triển chúng. Những năm 1950, thời kỳ Chiến tranh lạnh, các nhà khoa học ở Porton Down đã sáng chế ra hai hợp chất hóa học mới, một trong số đó - khí CS hay hơi cay - vẫn được dùng ngày nay. Hơi cay không gây nguy hiểm tới tính mạng. Người ta sử dụng nó trên khắp thế giới để kiểm soát đám đông.
 

Nghiên cứu để phòng vệ

Đây là nơi các nhà khoa học, chuyên gia luôn phải đeo mặt nạ phòng độc và mặc đồ bảo hộ. Họ dành hầu hết thời gian mày mò bên những chiếc ống nghiệm. Các biển cảnh báo “đặc biệt nguy hiểm” hay “siêu độc hại” có thể được nhìn thấy ở bất kỳ đâu. Người chịu trách nhiệm chính tại cơ sở này là giám đốc điều hành Jonathan Lyle.

“Chúng tôi thành lập 100 năm trước để đối phó với mối đe dọa vũ khí hóa học trong Thế chiến I”, ông Lyle nói. “Nhưng việc kiểm soát những công nghệ tương lại để đảm bảo rằng chúng ta luôn dẫn đầu cuộc chơi về khoa học hiện đại giúp mang lại lợi thế cho những lực lượng vũ trang của cũng là điều vô cùng quan trọng”.

Phủ kín cơ thể với chiếc áo bảo hộ, phóng viên Michael Mosley từ BBC được đưa vào một căn phòng kín bốc khói mù mịt. Cởi mặt nạ chống độc để nói chuyện, hơi đầu tiên ông hít vào vẫn ổn. Nhưng sang hơi tiếp theo, Mosley cảm giác như đang hít lửa vào phổi. Mosley lập tức bị họ và suy nghĩ đầu tiên của ông là thoát khỏi nơi này.

Khí CS không đặc biệt nguy hiểm, nhưng một chất hóa học khác cũng được phát triển tại Porton Down vào những năm 1950 thì có. Đó là một chất độc thần kinh với tên gọi chất VX. Chỉ cần tiếp xúc với chất độc VX trong khoảng thời gian ngắn, nạn nhân có thể bị co giật, tê liệt và tử vong.

Nguyên nhân các chất hóa học như VX hay khí mù tạt vẫn được sản xuất là bởi người ta sẽ dùng chúng để thử nghiệm khả năng chống chịu của các thiết bị chống độc cho binh sĩ.

Theo nhà chức trách, nhiệm vụ chính của Porton Down hiện nay là phòng vệ. Họ đang cố gắng để phát triển những phương pháp tốt hơn nhằm bảo vệ binh sĩ Anh và dân thường chống lại các cuộc tấn công.

Khuôn viên Porton Down nhìn từ trên cao

Porton Down đã hợp tác với Đại học Birmingham nghiên cứu chế tạo một thiết bị có khả năng giúp họ nhìn xuyên tường hay nhìn sâu xuống lòng đất. Một số nghiên cứu có tác dụng thực tiễn hơn như sử dụng công nghệ “sinh học tổng hợp” để chế tạo áp giáp nhẹ, mềm dẻo hơn nhưng vẫn chống đạn hiệu quả.

Ngoài ra, nghiên cứu về các mối đe dọa sinh hóa tiềm tàng hay tìm cách chống đỡ trước nguy cơ quốc gia bị tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học cũng là một nhiệm vụ khác của Porton Down.

“Porton Down là nơi chứa đựng những sự đối lập. Đây là một viện nghiên cứu bí mật nhưng đang cố gắng để cởi mở hơn. Nó ra đời trong chiến tranh nhưng mục tiêu tối thượng của họ giờ đây là phòng vệ. Họ đã có những giờ phút tăm tối nhưng họ cũng giúp cứu sống vô số sinh mạng. Nước Anh sẽ biến thành một nơi nguy hiểm hơn nhiều nếu không có họ”, Mosley bình luận.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Bình luận mới nhất