| Hotline: 0983.970.780

Putin - người đàn ông số 1 nước Nga

Thứ Hai 31/10/2011 , 11:52 (GMT+7)

Với những động thái mới nhất tại Nga, ông Putin nhiều khả năng sẽ là người đầu tiên trong lịch sử chính trường Nga có 4 nhiệm kỳ làm tổng thống - vừa đúng 20 năm.

Ngày mới vào chính trường, ông Putin từng nói: “Hãy cho tôi 20 năm, tôi sẽ đưa nước Nga lên tầm cao mới”. Với những động thái mới nhất tại Nga, ông Putin nhiều khả năng sẽ là người đầu tiên trong lịch sử chính trường Nga có 4 nhiệm kỳ làm tổng thống - vừa đúng 20 năm. Từ số báo này, NNVN sẽ khởi đăng loạt bài về người lãnh đạo được phương Tây cho là uy tín và quyền lực nhất của Nga.

RÚT SÚNG RA THÌ PHẢI BẮN 

Tuổi thơ gắn liền khu tập thể

Theo những tài liệu chính thức, Putin sinh ngày 7/10/1962 tại thành phố Leningrad nay là St. Petersburg. Tuổi thơ của Putin – cựu nhân viên tình báo kinh tế của KGB (Ủy ban An ninh quốc gia) vốn ít được tiết lộ nhiều. Mãi đến năm 2000, tiểu sử của ông hé lộ phần nào qua cuốn sách From the first person dựa trên các cuộc phỏng vấn được thực hiện với Putin năm 2000 và lấy chi phí từ chiến dịch tranh cử của ông.

Theo đó, Putin trải qua tuổi thơ trong một căn hộ chung cư nhỏ bé. Putin được mô tả là cậu bé chăm chỉ, học giỏi. Những nhà quan sát quốc tế cho rằng, hình ảnh Putin thời thơ ấu trong From the first person giống hệt như những quan chức của Liên bang Xô Viết – xuất thân bình dị, nghèo nhưng học giỏi.

Putin thời thơ ấu

Gia đình Putin gồm những người gắn bó mật thiết với lãnh đạo cao cấp của Liên Xô. Ông nội Putin là đầu bếp riêng của Lenin và Stalin từ trước Chiến tranh thế giới thứ II. Mẹ Putin là công nhân trong nhà máy, cha là lính hải quân, tại hạm đội tàu ngầm đầu thập niên 1930. Khi Chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, ông chuyển sang lực lượng xử lý bom mìn thuộc biên chế bộ binh.

Putin là con út trong gia đình có ba anh em trai. Tuy nhiên, một người anh của Putin chết vài tháng sau khi sinh, người kia chết vì bệnh bạch hầu trong thời gian Leningrad bị Đức Quốc xã bao vây. Theo lời kể của Putin, mẹ ông chăm sóc ông rất kỹ lưỡng, bà luôn dặn con trai: “Đừng đi chơi quá xa. Con hãy chơi trong sân chơi của khu tập thể để mẹ có thể nhìn thấy con”. Bà làm đúng như vậy, cậu bé Vladimir (tên lúc nhỏ của Putin) gần như không bao giờ thoát được tầm mắt quan sát của mẹ cho đến năm 6 tuổi.

Một lần, tranh thủ lúc mẹ làm bếp, Vladimir một mình đi ra đường lớn, “cảm giác đầu tiên của tôi khi đó là phấn khích và một chút sợ hãi. Ngoài đường rất đông người, có nhiều xe cộ qua lại. Mọi thứ bên ngoài mang cho tôi sự kích thích rất lớn”, Putin nhớ lại.

Sự kích thích đó là lý do một lần Vladimir cùng đám bạn trốn bố mẹ đi ngoại ô chơi bằng tàu điện. Đến nơi, cả nhóm lạc đường, phải trải qua một đêm giá rét mùa đông ngoài trời trong cái đói. Khi trở về, Vladimir bị bố đánh bằng thắt lưng da. “Kể từ đó, tôi không dám trốn nhà đi chơi nữa”, Putin nói.

Điều thứ hai mà Putin ấn tượng với khu tập thể thời thơ ấu là... những trận chiến với lũ chuột. “Chuột ở khắp nơi. Dọc theo những cầu thang sắt bong tróc lỗ chỗ, một con chuột hay vài con chuột chạy qua xẹt lại là chuyện thường thấy”, Putin nói. Và cậu bé Vladimir cùng nhóm bạn thường xuyên chơi trò đánh đuổi chuột.

Bài học lớn đầu đời

Putin tự nhận xét, mình là người thích đi chơi hơn đi học. Ông nói rằng, bản thân là người thích hoạt động: “Với những người thích tự do, thích hành động thì nhà trường là nơi sẽ khiến họ thấy bị giam hãm. Những bức tường vây quanh, những nội quy, kỷ luật trong trường nhiều khi gây rắc rối cho tôi”.

Thích nghịch ngợm nên Putin thường hay xung đột với những đứa trẻ cá tính như mình. “Hệ quả tất yếu là những lần đánh nhau. Tôi còn nhớ lần đầu tiên bị đánh bại, rất đau. Nhưng từ lần ấy, tôi rút ra nhiều bài học mà sau này cũng được dạy ở KGB”. 

Ông Putin là người rất mê thể thao và giỏi võ

Lần ấy, Vladimir bị một cậu bé khác, cao to hơn đánh một trận nên thân sau vài lời cự cãi giữa hai bên. Vladimir sau đó rút ra bốn bài học lớn: Thứ nhất, tôi đã sai. Lúc đó, cậu bé kia chỉ nói với tôi câu gì đó, tôi lập tức đáp trả bằng thái độ hết sức thô lỗ. Trên thực tế, bắt nạt người khác như vậy thật vô lý. Tôi sai, nên tôi phải chịu sự trừng phạt.

Thứ hai, nếu lúc đó trước mặt tôi là một thanh niên cao to, có lẽ tôi không dám đáp trả. Chỉ vì cậu bé kia trông cũng gày gò, nên tôi cảm thấy mình có thể coi thường. Đến khi phải chịu đau tôi mới hiểu rằng, không nên như thế cho dù trước mặt mình là bất cứ ai. Phải tôn trọng người khác.

Tuy thừa nhận mình hay đánh nhau, nhưng Putin cho rằng ông chưa bao giờ là kẻ thích bạo lực. Putin nói với tờ Ria Novosti của Nga: “Chuyện trẻ con tranh chấp với nhau là điều dễ hiểu. Nhưng chúng tôi không giống những kẻ lưu manh ngày nay chỉ biết lang thang và đấm đá. Tôi chưa bao giờ dùng dao hay xích sắt khi đánh nhau ngày bé, chỉ là nắm đấm để tranh đua xem ai có lý hơn mà thôi”.

Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào, dù tôi đúng hay sai, nếu phải đánh lại thì mình phải là kẻ mạnh. Cậu bé kia gần như chẳng cho tôi hy vọng nào để đánh thắng.

Thứ tư, tôi phải chuẩn bị thật tốt cho mình. Nếu bị bắt nạt và phải đánh trả, tôi sẽ làm điều đó trong thời gian ngắn. Rất ngắn.

Tôi tự tổng kết ra một điều: Tôi đánh nhau không phải vì thô lỗ hay nóng giận nhất thời. Nhưng nếu phải đánh, tôi sẽ đánh đến cùng.

Putin kể rằng, sau này ông được học điều tương tự trong lớp huấn luyện nghiệp vụ của KGB. Nguyên tắc thứ nhất, đừng bao giờ để bản thân dễ dàng bị cuốn vào xung đột. Tiếp đó, đừng bao giờ rút súng trừ khi đi đến quyết định “Tôi phải bắn”. Nói một cách khác, không đánh thì thôi, đã đánh phải thắng. Những kinh nghiệm thời thơ ấu giúp Putin hiểu nguyên tắc này rất nhanh.

Xem thêm
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Apple xác định Việt Nam là một cứ điểm trên toàn cầu

Đây là lần đầu tiên ông Tim Cook tới Việt Nam. Trước đó, vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Giám đốc điều hành Apple.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.