| Hotline: 0983.970.780

Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa...

Chủ Nhật 01/10/2017 , 08:15 (GMT+7)

Rời Hà Nội chỉ 70km rìa thủ phủ tỉnh Hòa Bình, đã thấy những dãy núi hình răng cưa hiện ra. Đó là “đặc sản”, là một biểu trưng ám ảnh của Tây Bắc.

Từ đây, phố xá lùi xa, đã đến lúc cất lên tiếng hát dặm trường, “qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa, núi cao đèo sâu, bao khó khăn vượt qua”.

22-13-15_trng_18

Quốc lộ 6 hôm nay có phần thênh thang hơn, những khúc cua tay áo, cua "đũng quần" ba bốn “đỏ” từng đe dọa các tay lái thiện chiến nhất đã được uốn nắn, cắt xẻ.

Ven đường là cột mốc số 0 được xây dựng như một tượng đài lưu niệm, nơi đánh dấu điểm khởi đầu của con đường mà đoàn quân Tây Tiến năm xưa đã đi. “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc”. Con đường vào cảng Thượng Lưu đi Chợ Bờ huyền thoại giờ trải nhựa và cũng mang tên “Đường Tây Tiến”.

“Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời”, câu thơ đầy cung bậc bổng trầm như đèo dốc của thi sỹ Quang Dũng, một thành viên của đoàn binh Tây Tiến oai hùng năm xưa đã được cảm khái gióng lên như vậy. Con đường hiểm trở với sốt rét khiến “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”, khiến “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” năm xưa, giờ đã bớt ma thiêng nước độc. Nhưng chúng tôi vẫn tiến về phía Tây, vẫn sang Bắc Lào, vẫn qua dãy núi lớn Pha Luông vời vợi, với nạn sốt rét từng xóa sổ các bản làng hiu hắt trong mây xám kia. Trong đoàn tiễn các “chiến binh người Việt” lái xe đến Tam Giác Vàng (TGV) hôm nay, có một người bạn khá đặc biệt, hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thu Thủy.

Nơi khởi đầu con đường Tây Tiến, rồi “một đèo một đèo…, lại một đèo”, khen ai khéo vẽ cảnh cheo leo, cứ cheo leo mãi! Dốc Cun, đèo Thung Khe, đèo Mộc Châu, đèo Sơn La, đèo Pha Đin, đèo Tây Trang... dốc đèo cứ nối tiếp nhau, phong cảnh hữu tình mỗi lúc lại mở ra chất ngất thêm. “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”. Rồi lại “Ruồi vàng bọ chó gió Tây Trang”.

22-13-15_trng_19

Đèo Pha Đin dài tới 32 km, đỉnh đèo thật sự, bây giờ nằm buồn với con đường Quốc lộ 6 cũ, cả hai đang lùi dần vào dĩ vãng. Bởi, bây giờ, Đường Sáu Cũ chỉ còn là lối “mòn” dân sinh, dành cho những người ưa hoài niệm, ưa cảm giác du lịch mạo hiểm, muốn tìm về bước chân hùng vĩ của cha anh mình năm xưa.

Đường Quốc lộ 6 mới thênh thang đã thu hút hết lượng người và phương tiện tham gia giao thông về phía mình, nó như sợi chỉ đỏ tươi mới nối liền các tỉnh Tây Bắc, sang tít mù khơi Bắc Lào, nó như mạch máu đánh thức miền rừng xa thẳm nhưng hữu tình đó với miền xuôi.

Chúng tôi rẽ từ QL 6 mới thênh thang vào đường số Sáu cũ. Núi hình răng cưa thật huyền thoại, nó là thứ núi được gọi riêng một cái tên, như đặc sản trời sinh đất dưỡng của riêng Tây Bắc vậy.

Người mở đường thế kỷ 21 cũng hữu tình lắm, ngoài những khúc trùng khít lên nhau của Đường Sáu Cũ và Đường Sáu Mới, các chỗ “nắn dòng” đường mới truồi đi, bỏ lại đường cũ giữa bời bời lau lách gợi về hoang vu, thì người ta luôn làm các đường nối để hai con đường thông lưng với nhau, nhiều đoạn chạy song song nhau. Nghĩa là đang từ cảm giác êm ru đường trải nhựa luồn trong mây của đèo Pha Đin thế kỷ 21, bạn có thể dũi mưa gió, mây mù, bạn được bập bánh xe của mình vào ngoắt ngoéo chữ chi của Đường Sáu Cũ.

Để nhớ về một thời hào hùng, để ôn cố tri tân, đường ta rộng thênh thang tám thước thì rất cần rồi, nhưng đến, cảm nhận để hiểu về cái thời dốc đèo (“dốc Pha Đin chị gánh anh thồ”/ “Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”/ “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng, đèo Khế gió sang”) cực nhọc, tận cùng khổ cực năm xưa, cũng là không thể thiếu!

Đường Sáu Cũ và cái hướng ngược từ Kinh Đô Thăng Long lên Tây Bắc của nó luôn chứa trong mình nhiều câu chuyện lịch sử bất ngờ và thú vị. Xưa, các vua chúa phong kiến không đi nổi trên các lối mòn chuột chạy từ kinh thành của mình lên vùng đất mà nay chúng ta gọi là Tây Bắc hôm nay, nơi ấy vốn chỉ dành cho người đi bộ và đám ngựa thồ thật thon vó thóp bụng, vốn đầy giặc giã, phiến loạn và ma thiêng nước độc.

22-13-15_trng_20

Vì thế, thời trước, vua chúa phong kiến toàn phải cưỡi thuyền rồng dọc sông Hồng, rồi bắt nhịp với sông Đà, men mãi từ Chợ Bờ, Suối Rút, lên mạn Phương Lâm, Phù Bắc Yên, ngược Sơn La, leo thác mãi tới Thuận Châu, Quỳnh Nhai rồi đến tận cõi địa đầu - “nơi cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”.

Trước, trong đôi chuyến dẹp giặc cỏ miền biên viễn, nhiều vị vua Lê có để lại chữ của mình trên các vách đá ven sông. Nghệ thuật tức cảnh sinh tình, rút gươm khoét chữ lên vách đá, đương thời gọi là “ma nhai”. Chữ của vua, đã như cái cột mốc minh quân ái quốc, trí dũng song toàn trong lòng dân!

Như lá cờ yểm vào mái núi, xua đuổi đám phản tặc và ngoại bang. Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu hôm nay, mỗi tỉnh đều giữ cho mình một di tích quý báu, đó là bài tiêu dẫn, bài thơ đầy khí phách của vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi), là di tích quốc gia Chữ Của Vua Lê Thái Tông…

Nhân câu chuyện “sử sách” về một cung đường hiểm trở, đèo dốc như thế, chúng tôi lại muốn được chiêm ngưỡng bài thơ "Quế Lâm Ngự Chế" của vua Lê Thái Tông, khắc trên vách đá tuyệt mỹ ven thị xã Sơn La vào thế kỷ 15.

Bài thơ của vị vua triều Lê "lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa" ấy được khắc lên vách đá từ chuyến ngài thân chinh đi dẹp phản tặc Thượng Nghiễm ở vùng Thuận Châu, để rồi hơn 500 năm sau, đến năm 1965, mới được người Việt Nam phát hiện trở lại. Hiện, văn bia “Quế Lâm Ngự Chế” là một di tích quốc gia nổi tiếng, gợi nhớ về một thời thịnh trị “Đến đời Thái Tổ, Thái Tông/ thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn”.

Bài thơ chữ Hán khoét vào vách đá ven sông Đà của ông Lê Lợi, muôn đời vẫn ngùn ngụt khí phách, tạm dịch như sau: “Thơ rằng: “Bọn giặc cuồng sao dám trốn tránh. Tội đáng giết. Dân ngoại biên đã từ lâu ta đợi đến cứu sống, kẻ bầy tôi làm phản từ xưa vẫn có. Đất đai hiểm trở từ nay không còn (bọn chúng nữa). Hình bóng cỏ cây và tiếng gió thổi hạc kêu cũng làm quân giặc kinh sợ. Non sông này nhập vào một bản đồ, đề thơ khắc lên núi đá. Chắn giữ phía Tây nước Việt ta. Ngày lành tháng Chạp năm Tân Hợi, tức tháng 1 năm 1432".

Cái “khung” của Đường Quốc lộ Sáu hôm nay, tiếc thay, lại không phải do người Việt Nam thiết kế, chỉ huy thi công. Nó được thực dân Pháp dùng roi cặc bò và báng súng dữ, tuyển phu mộ lính người Việt, bắt họ phải phá tuyến san đường phục vụ cho mưu đồ cai trị và bóc lột thuộc địa của chúng.

Dù với mưu đồ và sự tàn ác nào, thì họ cũng có công khai sinh ra một con đường cho những chiếc xe bánh tròn đầu tiên có thể tiến vào với hoang rậm, những thứ của xã hội văn minh cũng sẽ nhè lối đó mà lên đồng bào miền thượng du. Con đường ấy từng mang tên là Đường Bốn Mốt, bởi nó được hoàn thành năm 1941 sau mấy chục năm sức lao phu người Việt húc vào các vách núi như… châu chấu đá xe.

Tưởng rằng chấu ngã, chẳng dè xe nghiêng. Đường cũng từng mang tên viên công sứ Sanh Pu Lốp, người Pháp, bởi ông ta đã đốc thúc, cai quản việc phá đá mở đường. Đến thời ông Tố Hữu viết thơ: “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát”, là tả cảnh người Việt ái quốc nỗ lực chuẩn bị lương thảo, khí giới tiến quân lên đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp và tay sai vào nửa chừng những năm 1953-1954.

Bấy giờ, Đường Quốc lộ Sáu đã khang trang hơn nhiều cho xe cơ giới đi. Nhưng, trong ký ức, cảm giác và so sánh của mọi người, nó vẫn mịt mù gian khó. Con đường Số Sáu Mới hôm nay, lướt êm giữa mờ ảo mây cao, giữa cơn mưa rừng thơ mộng, nó như một giấc mơ ảo diệu của miền Tây Bắc, cái nơi từng đời đời kiếp kiếp phải “bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền”.

Qua vùng Mộc Châu của Sơn La, nhìn dãy Pha Luông (chiết tự tiếng địa phương là Núi Lớn) sừng sững, vời vợi; án ngữ, sẫm tối cả chân trời, giáp đường biên hai nước Việt - Lào, ai đó lại đọc thơ “Tây Tiến”. Giữa “ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, chợt gặp cảnh “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”.

Sơn La là cái rốn sốt rét lớn nhất Việt Nam, đầu những năm 1990, liên tiếp các trận dịch xóa sổ các bản làng. Cái “rốn” chết chóc vì sốt rét đó chính là khu vực Pha Luông “mưa xa khơi” từng khiến đoàn binh Tây Tiến “quân xanh màu lá” với nước da xanh rớt, rồi “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc” (trọc đầu) vì sốt rét ác tính.

22-13-15_trng_21

Đoàn quân đi về hướng Tây ấy sang đến Bắc Lào. Con đường thuộc địa xưa cũng xuyên từ Bắc Việt sang Bắc Lào. Rừng núi giống nhau, thắm tình đoàn kết, cùng gánh chịu những lầm than của thời thuộc Pháp rồi gian nan kháng Pháp như nhau.

Những vệt sáng cuối ngày giót vào đỉnh mây mù của đèo Pha Đin, ở điểm cao mà những chiếc đại xa bò bên mép vực chỉ bé như con cua đá, đã khuếch tán ra một vẻ đẹp kỳ ảo.

Sau 2 đêm làm lữ khách lỡ độ đường của Tây Bắc Việt Nam, chúng tôi đã đặt chân tới lòng chảo Điện Biên Phủ, với cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, màu mỡ, thơm thảo nhất của miền Tây Bắc và dần dần sang Bắc Lào.

Trời vẫn xanh như thế, rừng vẫn thắm giống nhau, nhưng dường như núi của nước bạn không có hình răng cưa đặc sản như Tây Bắc huyền thoại kia nữa. Ở nơi ấy, núi phải có một tên gọi riêng. Trông vời lưng núi, là biết Tây Bắc đang nồng ấm hiện ra hay là lại đang da diết chia tay mình mất rồi.

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất