| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 15/01/2015 , 07:45 (GMT+7)

07:45 - 15/01/2015

Quá tải, cần phải truy tố

Xe chở quá tải lưu thông trên đường, khiến đường bị phá hoại, chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia một cách công nhiên. 

Năm 2014, toàn quốc xảy ra 25.322 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với năm 2013, số vụ TNGT giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.018 người bị thương (-17,2%). Tuy nhiên, số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại tăng lên, tập trung ở 9 địa phương, đặc biệt tại 5 tỉnh, số vụ TNGT tăng tới 10%, là các tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, Vĩnh Long, Kiên Giang và Bến Tre. Tỉnh Lào Cai đứng đầu về các vụ TNGT nghiêm trọng cũng như tình trạng xe quá khổ, quá tải (Chủ tịch của các tỉnh này đều vắng mặt trong cuộc họp).

Đó là những con số được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác bảo đảm An toàn Giao thông ngày 13/1/2015, diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Đã có những chuyển biến mạnh, khi cả 3 yếu tố: Số vụ tai nạn, số người bị thương và số người chết vì TNGT đều giảm. Lần đầu tiên trong suốt mấy năm liền, số người chết vì TNGT ở mức dưới 9 nghìn người. Những con số đó cho thấy sự cố gắng của ngành GTVT trên cả 2 lĩnh vực: Hạ tầng giao thông được đầu tư, cải tạo, nâng cấp tốt hơn; Công tác tuyên truyền về ý thức chấp hành Luật Giao thông đến từng người tham gia giao thông tốt hơn.

Tuy nhiên, tại cuộc họp này, vấn đề xe quá tải lại trở nên nóng hơn, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có ý kiến kiên quyết “Tất cả xe quá trọng tải đều phải xử lý theo quy định và phải quay lại. Bất cứ loại hàng nào cho lên được, cũng phải hạ xuống được. Cần bổ sung quy định vượt trọng tải bao nhiêu phần trăm thì phải bị truy tố. Vì đó là hành vi cố tình phá hoại tài sản quốc gia”.

Đề xuất trên của vị Tư lệnh ngành GTVT quá đúng. Hàng ngàn km của những con đường ngàn tỷ vừa mới làm xong đã bị cày nát, trở thành lồi lõm, ổ trâu ổ voi xuất hiện… khiến sau đó Nhà nước phải xuất ra một lượng tiền rất lớn để khắc phục, đều có nguyên nhân chính là do những loại xe chở quá tải gây nên.

Hiện tượng xe quá tải lộng hành bằng rất nhiều hình thức, từ né tránh trạm cân, thuê “cò” dẫn đường, đến chồng tiền “làm luật” cho người của các cơ quan chức năng, khiến các cơ quan này bị vô hiệu hóa, đến mức Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự phải đích thân xuất hành, vào tận mỏ đá bắt xe quá tải.

Nhưng hình thức chế tài đối với những xe quá tải đó hiện vẫn quá nhẹ, chỉ là phạt tiền, khiến không đủ sức răn đe đối với đa số chủ của những phương tiện chở quá tải đó.

Những con đường là tài sản của quốc gia, được làm nên bằng ngân sách Nhà nước hoặc bằng vốn vay ODA, để phục vụ lợi ích quốc gia. Xe chở quá tải lưu thông trên đường, khiến đường bị phá hoại, chính là hành vi phá hoại tài sản quốc gia một cách công nhiên. Bộ luật Hình sự của ta đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Nên chăng, các nhà làm luật cần cân nhắc đưa hành vi phá hoại tài sản quốc gia nói trên vào Luật, như đề xuất của Bộ trưởng Bộ GTVT.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm