| Hotline: 0983.970.780

Quá tải tuyến cuối: Chuyện nói mãi!

Thứ Sáu 12/08/2011 , 11:00 (GMT+7)

Dù đã tăng hơn 3.000 giường bệnh, tình trạng quá tải vẫn không giảm, càng căng thẳng hơn ở các BV chuyên khoa tuyến cuối.

Khu vực chờ khám bệnh tại BV Chấn Thương chỉnh hình

Hiện nay, ở TP.HCM, có 113 bệnh viện (BV), trong đó có 21 BV trực thuộc bộ, ngành; 29 BV trực thuộc Sở Y tế TP; 23 BV trực thuộc quận, huyện và 34 BV tư nhân cùng tham gia khám chữa bệnh. Từ năm 2008 - 2010, Sở Y tế đã tăng hơn 3.000 giường bệnh cho các BV. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn không giảm, càng căng thẳng hơn ở các BV chuyên khoa tuyến cuối.

Bước vào khu chờ khám bệnh của BV Chấn thương chỉnh hình, ai cũng thấy ngộp thở và mệt mỏi, bởi lượng người ken sát nhau chờ khám bệnh. Người đông đến nỗi ghế đá, ghế nhựa hết, các góc cầu thang cũng trở thành nơi ngồi chờ khám bệnh. Bác sĩ Trần Thanh Mỹ, GĐ BV Chấn thương chỉnh hình cho biết, mỗi ngày có khoảng 2.000 người đến khám bệnh tại đây. Với 11 phòng khám làm việc liên tục, không cả nghỉ trưa, bình quân mỗi bác sĩ phải khám 100 lượt người/ngày.

Tuy nhiên, ở BV Chấn thương chỉnh hình chưa là gì so với BV Ung bướu. Nếu bên chấn thương chỉnh hình, gần một nửa bệnh nhân đi khám bệnh một mình thì ở BV Ung bướu, hầu hết ai đi khám chữa bệnh cũng phải có người thân kèm theo chăm sóc, thậm chí có đến 2 người nhà đi cùng. Theo BS, giám đốc Lê Hoàng Minh, bình quân mỗi ngày BV Ung bướu tiếp nhận khoảng 1.500-1.700 người đến khám, trong đó 60% bệnh nhân đến từ các tỉnh. Tính cả người đi kèm, thì ngày nào cũng có hơn 3.000 người xếp hàng, đứng ngồi trong khuôn viên bệnh viện...

Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra ở các phòng khám, mà ngày càng trở nên phổ biến ở tất cả các khoa điều trị của các bệnh viện tuyến cuối. Hai, ba bệnh nhân cùng nằm một giường bệnh là hình ảnh phổ biến tại các bệnh viện. Bệnh viện Nhi đồng 1 được thiết kế khám chữa bệnh cho 2.000 bệnh nhân/ngày, hiện phải tiếp nhận 3 - 4.000 bệnh nhân/ngày. Bệnh viện Nhi đồng 2 có 700 giường nhưng thường xuyên 900 -1.000 bệnh nhân nội trú. Chỉ tiêu giao BV Ung bướu 1.300 giường, bệnh viện trang bị khoảng 1.500 giường nhưng số bệnh nhân điều trị nội trú tại đây luôn dao động 1.600-1.700 bệnh nhân mỗi ngày. Đã có 52.427 lượt bệnh/1.599 giường (năm 2009) và 53.674 lượt bệnh/1.476 giường (năm 2010). Đó là lý do vì sao hình ảnh 2- 3 bệnh nhân/giường bệnh, trở nên quá quen thuộc tại BV Ung bướu.

GĐ Lê Hoàng Minh cho biết, mặc dù ngành y tế các tỉnh cũng như TƯ đã tổ chức tập huấn, đào tạo bác sĩ cho các bệnh viện tuyến quận, huyện, tỉnh và từng bước trang bị đủ cơ sở vật chất cũng như nhân lực mở khoa ung bướu ở các nơi (thậm chí Cần Thơ cũng đã có BV Ung bướu), song bệnh nhân vẫn bỏ qua tuyến cơ sở để lên thẳng BV Ung bướu TP.HCM. Bởi họ quan niệm rằng, đây là địa chỉ tin cậy, với đội ngũ chuyên môn uy tín, khiến bệnh nhân cứ ùn ùn đổ về tuyến cuối. Chẳng thế mà trong khi bệnh nhân từ Kiên Giang lên TP.HCM phải chờ từ 5 giờ sáng đến 9 giờ tối để được xạ trị ở BV Ung bướu, thì máy xạ trị gia tốc ở BV Kiên Giang nằm không vì không có bệnh nhân.

Để khắc phục tình trạng này, các BV đều lập dự án mở rộng năng lực khám chữa bệnh, song vì nhiều lý do khác nhau mà dự án vẫn chỉ là dự án. Chẳng hạn, dự án của BV Ung bướu xây thêm cơ sở 2 với 1.000 giường tại quận 9 - TP.HCM đã được phê duyệt, dự kiến đến quý 4/2011 sẽ bắt đầu khởi công nhưng đến nay vẫn còn gần chục hộ và cơ quan chưa thể giải tỏa được. Ngay BV Chấn thương chỉnh hình cơ sở 2 với diện tích 32 ha tại Bình Hưng, Bình Chánh dự kiến giữa tháng 9 khởi công nhưng đến nay công tác đền bù, giải tỏa vẫn còn vướng...

Vì vậy, chuyện quá tải ở các BV tuyến cuối, nhất là các BV chuyên khoa, nói mãi vẫn không có hồi kết.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.