| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/11/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 13/11/2018

Qua vụ đánh bạc ngàn tỷ và 'Vũ nhôm', ai giám sát công ty bình phong?

Vụ án tổ chức đánh bạc và rửa tiền liên quan đến hai cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, đã chính thức được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử.

Hơn 90 bị can tham gia ở những cấp độ khác nhau, chứng tỏ đây là một đường dây tội phạm quy mô và táo tợn. Sở dĩ hai cổng game Rikvip và Tipclub tồn tại nhiều năm và thu lợi số tiền đen tối lên đến 9900 tỷ đồng, cũng do có sự bảo kê thông qua Công ty bình phong CNC!

Trong vụ án này, ông Phan Văn Vĩnh là bị cáo lớn tuổi nhất (63 tuổi). Hai bị cáo nhỏ tuổi nhất sinh năm 1997. Trong số 91 bị cáo hầu tòa, có 76 người là nam, 16 nữ. 34 bị cáo quê ở Hà Nội; còn lại đến từ TP.HCM, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai, Cần Thơ…

Công ty bình phong CNC do Nguyễn Văn Dương làm giám đốc, được thành lập với tư cách một đơn vị trực thuộc Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao- C50. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa dùng cái ghế Cục trưởng C50 và Trung tướng Phan Văn Vĩnh dùng quyền lực Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục cảnh sát, đã dung túng và bao che cho Nguyễn Văn Dương phối hợp Phan Sào Nam hình thành và vận hành công nghệ đánh bạc xuyên quốc gia.

Cáo trạng xác định, trong thời gian đương chức, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh không chỉ tạo điều kiện cho Công ty bình phong CNC hoạt động mờ ám, mà còn ngăn cản có hiệu quả đối với những cơ quan muốn kiểm tra và xử lý sai phạm của Công ty bình phong CNC. Thậm chí, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh còn vận động cho Công ty bình phong CNC được thuê trụ sở ngay bên trong khuôn viên do Tổng cục cảnh sát quản lý, nhằm triệt tiêu mọi trở ngại hoặc mọi hoài nghi có thể ảnh hưởng đến chuyện làm ăn phi pháp của Nguyễn Văn Dương và đồng bọn!

Sau khi đường dây đánh bạc trên mạng bị phá vỡ, Nguyễn Thanh Hóa và Phan Văn Vĩnh đều bị tước quân tịch và sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt nghiêm khắc của công lý. Tuy nhiên, bài học mà hai cựu tướng công an biến chất này để lại cho xã hội, là sự khó lường của những công ty bình phong. Thực tế đã cho thấy Công ty bình phong CNC của Nguyễn Văn Dương cũng như Công ty bình phong Nova Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ, đều tác oai tác quái dựa trên những đặc lợi được ban phát từ những lãnh đạo thoái hóa trong lực lượng công an. Nếu không có biện pháp giám sát thường xuyên và khống chế hợp tác, thì hệ luỵ từ những công ty bình phong vẫn còn tiếp diễn với những chiêu trò phức tạp hơn.

Về mặt lý thuyết, công ty bình phong vốn là một hình thức hoạt động được lập ra để lực lượng công an thực thi nhiệm vụ cần thiết về an ninh trật tự. Thế nhưng, làm cách nào để những công ty bình phong không bị lạm dụng cho những động cơ xảo trá của các cá nhân đê hèn, thì gần như chưa được cân nhắc cẩn thận. Chỉ cần doanh nghiệp nào khoác cái áo công ty bình phong, thì chính quyền địa phương cũng như cơ quan thuế hoặc quản lý thị trường đều có sự e ngại nể nang nhất định. Một khi công ty bình phong được xem như pháo đài bất khả xâm phạm, thì tai mắt của nhân dân cũng chẳng còn mấy ý nghĩa. Bây giờ, lực lượng công an từng bước chuyên nghiệp và hiện đại, đã đến lúc cần có những quy định chặt chẽ hơn, khắt khe hơn, quyết liệt hơn về các công ty bình phong!