| Hotline: 0983.970.780

Quan chức xây dựng trái phép thì làm sao quản lý đô thị?

Thứ Bảy 09/11/2019 , 07:15 (GMT+7)

Trước sức ép của dư luận, ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức, TP.HCM đã xin thôi giữ chức vụ, vì những công trình xây dựng trái phép của ông và người thân kéo dài suốt 7 năm qua.

10-12-35_he_thong_nh_xuong_xy_dung_khong_phep
Hệ thống nhà xưởng trái phép trên diện tích 1800 m2 của ông Lê Hữu Thành.

Là một quan chức cơ sở, nhưng ông Lê Hữu Thành lại ngang nhiên làm hệ thống nhà xưởng quy mô với tổng diện tích 1.800m2 tại khu vực quy hoạch Ga Bình Triệu, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.

Ông Lê Hữu Thành từng làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Thủ Đức, trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức. Vì vậy, những người dân ở phường Hiệp Bình Chánh - quận Thủ Đức đều biết mặt ông Lê Hữu Thành và ngao ngán khi vị quan chức này liên tục sai phạm về quy định xây dựng nhưng vẫn ngạo nghễ như không có chuyện gì xảy ra.

Trong bản kiểm điểm được trình bày trước Ban Thường vụ Quận ủy Thủ Đức, ông cho rằng "đã nhận thấy khuyết điểm, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của người đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thiếu gương mẫu để bản thân và gia đình vi phạm pháp luật liên quan công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân".

Tuy nhiên, đây có phải là quá trình nhận thức tự kiểm điểm và tự phê bình của ông Lê Hữu Thành không? Hoàn toàn không! Sau rất nhiều đơn kiện của quần chúng, đích thân Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân đã đi thị sát tại các công trình trái phép của ông Lê Hữu Thành để chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Cụ thể, chiều 22/10/2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM- Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp đến tận 7 công trình xây dựng trái phép trên đất của ông Lê Hữu Thành, và không giấu được băn khoăn: "7 công trình sai phạm, lý do gì mà đến 7 năm chưa xử lý xong? Có phải quận chưa nghiêm túc, cán bộ địa bàn chưa nghiêm túc, người trong cuộc cũng cho qua luôn?".

Đồng thời, Bí thư Thành ủy TPHCM - Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu “phải chấp dứt ngay tình trạng này, và phải sắp xếp lại chức vụ của ông Lê Hữu Thành” bởi lý do “ông Lê Hữu Thành từng là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận mà làm sai, làm sao vận động người dân chấp hành pháp luật? Giờ ông Lễ Hữu Thành là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận mà làm sai, thì tư cách nào đi giám sát người khác?”.

Vì sao lãnh đạo quận Thủ Đức - TPHCM khăng khăng nhấn mạnh "không có vùng cấm, không có ngoại lệ và cũng không bao che cho những sai phạm của ông Lê Hữu Thành", nhưng 7 công trình trái phép của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức vẫn tồn tại từ năm 2012 đến nay? Thậm chí, vào tháng 5/2019, UBND phường Hiệp Bình Chánh tiến hành cưỡng chế 7 công trình của ông Lê Hữu Thành và người nhà, nhưng lại bị quận Thủ Đức yêu cầu ngừng lại, nhằm rà soát thủ tục và… tiếp tục im lặng?

Trong khi người dân bình thường chỉ cần chỉnh sửa mái nhà hơi nhô ra một chút, thì lực lượng thanh tra xây dựng đã có mặt và phô diễn uy quyền rất ghê gớm, còn hệ thống nhà xưởng của ông Lê Hữu Thành được làm với quy mô hoành tráng để vận hành cả dây chuyền chế biến gỗ và gia công cơ khí thì… chẳng ai đụng vào.

Không thể đổ thừa lực lượng thanh tra xây dựng hơi ít nhân sự nên không đủ tầm bao quát. Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM - Lê Hòa Bình chia sẻ: Thẩm quyền kiểm tra, xử lý những công trình vi phạm của ông Lê Hữu Thành và gia đình thuộc trách nhiệm của UBND phường Hiệp Bình Chánh và quận Thủ Đức. UBND phường Hiệp Bình Chánh có kiểm tra, phát hiện vi phạm xây dựng, có ra các quyết định xử lý nhưng thực hiện không đầy đủ. Các nhà xưởng này không bảo đảm quy định về phòng chống cháy nổ".

Trên thực tế, UBND phường Hiệp Bình Chánh có nể nang hay kiêng dè ông Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức không? Nói cho mạch lạc, những người có trách nhiệm ở phường Hiệp Bình Chánh còn vướng một rào cản nữa là ông Lê Ngọc Quý (em ruột của ông Lê Hữu Thành) nhiều năm làm Chánh Thanh tra quận Thủ Đức rồi chuyển sang làm Trưởng phòng Tư pháp quận Thủ Đức.

Ông Lê Ngọc Quý có biết sai phạm của anh trai mình là ông Lê Hữu Thành không, và ông Lê Ngọc Quý đã thực thi pháp luận như thế nào? Câu hỏi ấy, nếu trả lời được, sẽ hiểu nguyên nhân 7 công trình của ông Lê Hữu Thành vô tư thách thức dư luận. Và liên quan trực tiếp nhất là đơn khiếu nại của ông Trần Minh Tú - nguyên Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh. Giữa tháng 9/2019, ông Trần Minh Tú đang làm Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh được điều động về làm chuyên viên Ban dân vận Quận ủy Thủ Đức.

Ông Trần Minh Tú cho rằng mình đã là nạn nhân của một chiêu trò trù dập: "Bản chất của việc điều động là cách chức tôi, nhằm mục đích ngăn cản, răn dọa vì tôi đấu tranh với hành vi bảo kê, bao che cho người thân trong gia đình xây dựng không phép và chính việc xây dựng không phép của gia đình ông Lê Ngọc Quí và ông Lê Hữu Thành”.

7 công trình trái phép mà 7 năm không thể giải quyết. Quan trường luôn tương hỗ hay pháp luật bị xem thường? Một lãnh đạo cấp cao như ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đang họp Quốc hội đã phải xuống hiện trường để mục sở thị công trình trái phép, cũng đủ chứng tỏ sự thao túng của gia đình ông Lê Hữu Thành ở địa bàn đáng lo ngại như thế nào? Nếu ông Nguyễn Thiện Nhân không xuất hiện, thì 7 công trình trái phép sẽ tiếp tục “ngoài vùng phủ sóng” của các cơ quan chức năng chăng? Chính sự quyết liệt của ông Nguyễn Thiện Nhân đã khiến các đơn vị liên quan phải giật mình và hăng hái thực hiện cái nghĩa vụ mà lẽ ra họ phải thi hành thường xuyên.

Văn phòng UBND TPHCM có văn bản đề nghị Hội đồng Nhân dân TPHCM vào cuộc giám sát việc cưỡng chế, tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm của ông Lê Hữu Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu Sở Xây dựng TPHCM phối hợp chặt với UBND quận Thủ Đức để xử lý, cưỡng chế công trình vi phạm. Tất nhiên, ánh sáng công lý đã được khơi mở, thì ông Lê Hữu Thành không thể tiếp tục giở thói “một tay che trời”.

Đầu tháng 11/2019, một số hạng mục trong 7 công trình trái phép của gia đình ông Lê Hữu Thành đã được tháo dỡ. Thế nhưng, dù ông Lê Hữu Thành có thừa nhận khuyết điểm một cách muộn màng và xin thôi chức vụ đang nắm giữ, thì đó cũng là bài học cho công tác quản lý đô thị.

Ai dám cam đoan trường hợp quan chức ngang nhiên xây dựng trái phép như ông Lê Hữu Thành là hy hữu trên nước ta hiện nay? Vấn đề khiến người dân bức xúc nằm ở đây. Quan chức không gương mẫu thì làm sao bá tánh noi theo? Quan chức tùy tiện làm nhà xưởng thì làm sao ngăn chặn tình trạng lén lút cơi nới rồi chạy chọt bỏ qua đối với các công trình không được phê duyệt? Chính những quan chức kiểu ông Lê Hữu Thành đã trực tiếp gây bát nháo cho quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Khi những kẻ có chức quyền tự cho mình đứng trên pháp luật thì chẳng khác gì gieo rắc mầm mống hỗn loạn đời sống yên bình. Một quan chức cấp quận như ông Lê Hữu Thành mà đã tác oai tác quái như vậy, thì làm sao gìn giữ trật tự xã hội! Đáng lo ngại hơn, những cán bộ xung quanh ông Lê Hữu Thành lại “mũ ni che tai” trước sai phạm của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận, thì ý thức chống tiêu cực không thể nào phát huy.

Nhân vụ sai phạm của ông Lê Hữu Thành từng bước được phanh phui và chấn chỉnh, Bí thư Thành ủy TPHCM- Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo: Trong tháng 11/2019, UBND TP. HCM phải có chuyên đề phân loại các dạng vi phạm xây dựng, trường hợp nào được tồn tại, trường hợp nào phải tháo dỡ, gom lại thành hệ thống quy tắc để xử lý thống nhất trên toàn thành phố. Song song đó, các địa phương phải rà soát quy hoạch, trả lời cho dân chỗ nào làm được, chỗ nào giữ lại.

(Kiến thức gia đình số 45)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.