| Hotline: 0983.970.780

Quân đội nỗ lực khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung thực phẩm

Thứ Sáu 05/02/2021 , 08:55 (GMT+7)

Ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, tổng đàn lợn nái trong quân đội còn ít, quy mô đàn lợn thịt ngày một giảm sâu. Do đó, cần một cú hích để khôi phục.

Đại tá Lê Quý Thắng - Trưởng phòng Sản xuất (Cục Quân nhu). Ảnh: Minh Phúc.

Đại tá Lê Quý Thắng - Trưởng phòng Sản xuất (Cục Quân nhu). Ảnh: Minh Phúc.

Tổng đàn lợn thịt trong quân đội giảm 42% so với thời điểm trước Dịch tả lợn Châu Phi

Tại buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và Tổng cục Hậu Cần vào chiều 4/2, đại tá Lê Quý Thắng - Trưởng phòng Sản xuất (Cục Quân nhu) cho biết, trong những năm qua, bằng nguồn vốn của Bộ Quốc phòng kết hợp huy động các nguồn lực, các đơn vị toàn quân đã từng bước xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng, phát triển gia tăng sản xuất nhằm chủ động nguồn thực phẩm ổn định, chất lượng, an toàn, góp phần cải thiện đời sống bộ đội trong điều kiện mức tiền ăn còn thấp, giá cả thị trường biến động.

Trước khi có Dịch tả lợn Châu Phi, tổng đàn lợn thịt toàn quân dao động khoảng trên 400.000 con/năm, nuôi thường xuyên 120.000 con. Sản lượng thu hoạch bình quân 14.000 tấn thịt lợn, đáp ứng 65 – 70% nhu cầu thịt lợn.

Tổng đàn lợn sinh sản là 15.000 con, sinh sản được 160.000 – 170.000 lợn con, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu con giống.

Tuy nhiên, kể từ khi Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, quy mô đàn lợn ngày một giảm. Đàn lợn hiện chỉ còn 70.000 con, giảm 42%; đàn lợn nái hiện còn 6.000 con, giảm 60% so với thời điểm trước dịch). Dự kiến sản lượng thu hoạch thịt lợn đáp ứng được 40 – 50% nhu cầu thịt lợn và đảm bảo được 15% nhu cầu con giống.

Lực lượng quân đội đang nỗ lực khôi phục lại quy mô chăn nuôi lợn như trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Minh Phúc.

Lực lượng quân đội đang nỗ lực khôi phục lại quy mô chăn nuôi lợn như trước thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Minh Phúc.

Bên cạnh đó, tổng đàn gia cầm thịt toàn quân dao động khoảng 4,5 triệu con/năm; tổng đàn gia cầm đẻ khoảng 260.000 con/năm; tổn đàn trâu, bò, dê khoảng 60.000 – 70.000 con/năm.

Ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, giá con giống, vật tư, thực phẩm từ chăn nuôi trên thị trường đang ở mức cao. Trong khi đó, đàn lợn nái trong quân đội còn ít, quy mô đàn lợn thịt ngày một giảm sâu; quân số phải bảo đảm lớn (nhất là giai đoạn đón nhận, huấn luyện chiến sỹ mới năm 2021).

Do đó, Tổng cục Hậu cần đề ngị Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ, ưu tiên cho các đơn vị quân đội phục hồi đàn nái sinh sản, khai thác con giống, vật tư, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, đảm bảo chất lượng và phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là được ký kết hợp đồng khai thác tập trung lợn thịt, gia cầm thịt và các sản phẩm từ thịt với giá ưu đãi để bảo đảm đủ thực phẩm thiếu hụt phục vụ bộ đội.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hậu cần cũng đề nghị Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Quân đội cần thoát khỏi tư duy "tăng gia sản xuất"

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Trước mắt để quân đội sớm khôi phục sản xuất, đề nghị Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục thú y hỗ trợ kỹ thuật, vật tư và xây dựng một số mô hình điểm về chăn nuôi, thủy sản.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại cuộc họp với Tổng cục Hậu Cần vào chiều 4/2. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT tại cuộc họp với Tổng cục Hậu Cần vào chiều 4/2. Ảnh: Minh Phúc.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với các doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam; Công ty TNHH CJ Vina Agri; Công ty JAPFA Việt Nam, Dabaco… để hỗ trợ quân đội thông qua việc ưu tiên cung ứng nguồn giống chất lượng với giá ưu đãi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, về lâu dài, Bộ Quốc phòng cần lập một đề án tổng thể về phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo nguồn thực phẩm trong quân đội, chứ không phải quân đội chỉ “tăng gia sản xuất”, tận dụng thức ăn thừa.

Theo ông, muốn có năng suất cao thì phải có con giống tốt, chuồng trại tốt, kỹ thuật tốt và thức ăn tốt. Sau khi Bộ Quốc phòng có Đề án, Bộ NN-PTNT, các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp sẽ phối hợp với quân đội để thực hiện mục tiêu này.

Bà Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: Chỉ tính riêng năm 2020, nguồn kinh phí khuyến nông Trung ương đã phân bổ để xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi trong quân đội là 5,5 tỷ đồng (chiếm hơn 20% tổng kinh phí xây dựng mô hình khuyến nông cả nước). Năm 2021, Bộ NN-PTNT tiếp tục phân bổ khoảng 4,5 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này (chưa kể một số kinh phí tập huấn khác).

Để các mô hình phát huy hiệu quả, bà  Hạnh cho rằng, các đơn vị quân đội cần có nhân sự có chuyên môn thú y, khuyến nông chuyên trách, hoặc hợp tác với ngành thú y địa phương để quản lý dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe vật nuôi tốt hơn.

Cần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi an toàn sinh học

Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, ngay sau cuộc họp Tổng cục Thủy sản sẽ phối hợp với Tổng cục Hậu cần để xây dựng hai mô hình nuôi cá rô phi tại Sơn Tây và Bắc Giang. Qua đó, tập huấn cho lực lượng quân đội các kỹ thuật thâm canh cá hiệu quả, đạt năng suất cao và an toàn dịch bệnh.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương, đánh giá: Với số lượng 120.000 con lợn thương phẩm nuôi thường xuyên; tổng đàn gia cầm thịt 4,5 triệu con, đàn bò 60.000 – 70.000 con là lớn (tương đương với quy mô chăn nuôi của một tỉnh nhỏ).

Trước đây, quân đội đã chủ động được phần lớn nguồn thực phẩm, nhưng sau khi dịch bệnh, nhất là Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra thì chuỗi cung ứng tại chỗ bị đứt gãy và rất khó có thể khôi phục được.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

“Tôi đã đi nhiều đơn vị trong quân đội và thấy rằng cơ sở vật chất rất tốt, con người nghiêm túc, tính kỷ luật cao và có điều kiện để chăn nuôi an toàn sinh học”, ông Dương nói và lấy ví dụ, Trung đoàn Thủ đô nhập 50 con lợn cụ kỵ từ Đan Mạch về nuôi, có 300 lợn nái để sản xuất con giống, rất hiệu quả. Bởi vậy, Bộ NN-PTNT cùng các doanh nghiệp cần hỗ trợ để quân đội khôi phục được sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh - Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh - Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Kinh doanh - Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, chia sẻ: Trong nhiều năm qua C.P đã phối hợp tốt với một số đơn vị quân đội để phát triển chăn nuôi. Thời gian tới, C.P cam kết hỗ trợ quân đội về tư vấn kỹ thuật, đào tạo chuyên môn chăn nuôi, mỗi đợt đào tạo có thể kéo dài 2-3 tháng (5-10 người/đợt) ngay tại các trang trại cùng chuyên gia giỏi của C.P.

  • Tags:
Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Trao tặng 80 di ảnh cho thân nhân các anh hùng liệt sỹ

Hội Cựu công an nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức lễ trao 80 di ảnh các anh hùng, liệt sỹ tới thân nhân, gia đình.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.