| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 05/06/2013 , 09:55 (GMT+7)

09:55 - 05/06/2013

Quản không chặt

Phân bón hiện vẫn chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện và được kiểm soát chặt chẽ...

Hiện cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Thế nhưng khung pháp lý quản lý mặt hàng này vẫn còn chưa chặt chẽ.

Theo ước tính của Bộ NN-PTNT, tổng nhu cầu phân bón các loại của nước ta lên tới 10 triệu tấn/năm. Một số liệu khác của Bộ Công thương cho biết phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang là khoản chi phí lớn nhất, chiếm khoảng 50% giá thành sản xuất lúa hiện nay.

Những con số này cho thấy thị trường phân bón đang giao dịch khá sôi động và đa dạng, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nông sản, năng suất cây trồng và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, phân bón hiện chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện và được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, mỗi năm, khoảng 10 triệu tấn phân bón, thuộc trên 5.000 loại khác nhau, vẫn được sản xuất, giao dịch, mua bán đến tay người tiêu dùng một cách tràn lan và hiếm khi được bị quản lý về mặt chất lượng.


Ảnh minh họa

Các phương tiện truyền thông cả nước đã phanh phui nhiều đường dây sản xuất phân bón bằng... bột vôi, bột đá, bột gạch ngói, đất nghiền nhỏ, thuốc nhuộm màu, muối và các loại hóa chất khác. Tuy nhiên, sau các tuyến bài điều tra công phu được đăng tải rộng rãi thì mọi chuyện lại... đâu vào đấy.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ vẫn lén lút sản xuất phân bón giả, hoặc trộn các loại bột đất đá vào các bao phân bón thật. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chất lượng cao thì bó tay đứng nhìn sản phẩm của mình bị làm giả, làm nhái mà không biết kêu ai. Trong khi đó, người nông dân bị quay như chong chóng trong "ma trận" của thị trường phân bón khi các loại sản phẩm phân bón giả, nhái đều được đóng gói cẩn thận, nhìn bên ngoài khá bắt mắt và tương đối giống hàng thật. 

Trong khi đó, văn bản pháp lý để điều chỉnh hoạt động của lĩnh vực này là Nghị định 15/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phân bón lại bị đánh giá là chưa đủ để răn đe bởi mức xử phạt còn thấp, dẫn đến nguy cơ “nhờn luật”, tái phạm nhiều lần. Bộ Công thương cho biết đang soạn thảo Nghị định sửa đổi theo chiều hướng nâng mức độ xử phạt cũng như biện pháp khắc phục hậu quả để tăng sức răn đe và từng bước đưa thị trường phân bón vào quy củ.

Rõ ràng, đây là một thông tin đáng mừng đối với người nông dân, những người đang chọn mua các loại phân bón bằng… trực giác. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, vấn đề quản lý ngành phân bón không chỉ dừng lại ở khía cạnh ban hành khung pháp lý và các quy định cụ thể mà còn nằm ở cả khâu thực thi.

Nhìn vào thực tế, có thể thấy vấn đề thực thi các quy định hiện hành trong quản lý thị trường phân bón đang diễn ra theo hình thức “giơ cao đánh khẽ”. Điển hình cho tình trạng này có thể kể đến trường hợp của tỉnh Đồng Nai mà Báo NNVN vừa phản ánh.

Cụ thể, tỉnh này có khoảng 40 cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón và trên dưới 80 đại lý buôn bán vật tư nông nghiệp nhưng mỗi năm cả tỉnh chỉ có 1 đợt thanh tra chuyên ngành kéo dài khoảng 2 tháng. Điều đáng nói là, nếu như quá trình thanh kiểm tra được thông báo, diễn ra khá “rầm rộ” thì kết quả lại bị “ém nhẹm” trong phạm vi “hẹp” (chỉ gửi cho cơ quan Sở và đối tượng vi phạm) dù luật pháp hiện hành yêu cầu các kết quả này phải được công bố rộng rãi.

Như vậy, có thể thấy rằng, thị trường phân bón đang bị buông lỏng, cả về khung pháp lý lẫn vấn đề thực thi trong các mối nguy cơ từ việc sử dụng phân bón giả đã nhiều lần được cảnh báo.

Bình luận mới nhất