| Hotline: 0983.970.780

Quản lý bền vững để tăng chất lượng gạo xuất khẩu

Thứ Hai 11/02/2013 , 14:51 (GMT+7)

Việt Nam được đánh giá là đang có biện pháp quản lý hữu hiệu nhất, đã khống chế được rầy nâu để bảo vệ năng suất và sản lượng lúa ở ĐBSCL...

Hội nghị quốc tế lần thứ hai về rầy nâu (Nilaparvata lugens) được tổ chức vào ngày 21 - 23/11/2012 tại Hàng Châu, Trung Quốc để tổng kết và thảo luận về khả năng gây hại và chiến lược quản lý liên quốc gia ở châu Á.

Việt Nam được đánh giá là đang có biện pháp quản lý hữu hiệu nhất, đã khống chế được rầy nâu để bảo vệ năng suất và sản lượng lúa ở ĐBSCL, trong khi hầu hết các quốc gia khác đang bị dịch rầy nâu gây hại nghiêm trọng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia, Philippines...


TS Robert S. Zeigler, TGĐ IRRI “đang tiến hành cuộc cách mạng xanh “mới” sẽ khống chế được rầy nâu để tăng gấp đôi sản lượng gạo mà không cần tăng diện tích”

Thành công của quản lý tổng hợp rầy nâu ở Việt Nam

Việt Nam được mời báo cáo và tổng kết như một thành công điển hình cho việc áp dụng các biện pháp tổng hợp trừ rầy nâu ở vùng ĐBSCL, chủ yếu như sau:

Gieo sạ đồng loạt “né rầy” bằng cách bố trí bẫy đèn để theo dõi sự di cư của rầy và chỉ gieo sạ đồng loạt khi vừa dứt cao điểm rầy vào đèn. Gần 300 bẫy đèn đã được bố trí khắp vùng ĐBSCL để theo dõi và thông báo mật số vào đèn hàng tuần cho các địa phương để theo đó mà tổ chức gieo sạ né rầy. Kể từ năm 2009, với diện tích trên 1,5 triệu ha lúa hai vụ đã có từ 59 - 68% nông dân áp dụng kỹ thuật gieo sạ né rầy đồng loạt, tránh được thiệt hại do rầy nâu và dịch bệnh virus do rầy nâu lan truyền.

Canh tác lúa theo nguyên tắc “3 giảm, 3 tăng” với trước tiên là sạ thưa 80 - 120 kg hạt giống/ha, hạn chế bón phân đạm đầu vụ để tạo ruộng lúa khỏe, rồi từ đó giảm được số lần phun thuốc trừ sâu - nhất là không phun thuốc trong 30 ngày đầu sau khi sạ để bảo vệ thiên địch trong ruộng lúa. Thành công của kỹ thuật canh tác này đã được Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) tổng kết và đang đề xuất áp dụng tại Thái Lan.

Phát động phong trào kiến thiết đồng ruộng theo “công nghệ sinh thái” để trồng hoa trên bờ ruộng nhằm thu hút thiên địch, gia tăng vai trò cân bằng sinh thái của sự đa dạng sinh học trong ruộng lúa.

Việc áp dụng thành công 3 kỹ thuật nói trên của Việt Nam cho thấy đã có tác dụng đặc biệt về xã hội (social impact), giúp huy động được vai trò tập thể của nông dân trong cộng đồng, nhất là biện pháp gieo sạ đồng loạt né rầy đã được nông dân hưởng ứng tích cực nên đã bảo vệ được năng suất lúa liên tiếp từ 2009 đến nay...

Rầy nâu đe dọa thâm canh lúa ở Á châu

Việc thâm canh để bắt kịp nhu cầu lương thực của việc gia tăng dân số và lợi nhuận cao của người trồng lúa đã thúc đẩy sự bùng phát của thị trường phân bón hóa học và rồi kéo theo sự bùng phát của thuốc trừ sâu. Khi dùng nhiều phân bón, nhất là phân đạm và thuốc hóa học thì rầy nâu càng mau kháng thuốc; một số thuốc trừ sâu cũng đã làm tăng khả năng sinh sản của rầy nâu gây nên sự tái bộc phát (resurgence) mật số sau khi phun thuốc đã làm cho thiên địch bị giết chết. Sự đa dạng sinh học đã giữ cân bằng sinh thái trong ruộng lúa, nơi mà các loài thiên địch từ lâu nay đã kềm giữ mật số rầy nâu, đã bị phá hủy và phóng thích rầy nâu trở thành loài sâu hại đa năng.

Thái Lan, từ vị trí là một nước xuất khẩu gạo đặc sản đứng hàng đầu thế giới do có diện tích đất rộng để canh tác một vụ lúa trong năm theo hệ thống vườn-ao-chuồng của nông nghiệp bền vững, đã bắt đầu bị rầy nâu tấn công khi chuyển sang thâm canh tăng vụ.

Từ 2010 đến nay thì mỗi năm Thái Lan mất trên 1 triệu tấn lúa ở vùng trọng điểm canh tác lúa tăng vụ. Nông dân chỉ dùng một vài giống lúa cải tiến có chất lượng cao nhưng không có khả năng kháng rầy, biện pháp phòng trừ chủ yếu là dùng thuốc hóa học do nông dân hoạt động cá thể và thuốc trừ sâu được Chính phủ coi là biện pháp hàng đầu nên đã chọn lọc, đề xuất và tài trợ cho nông dân.

Vì vậy mà thuốc trừ sâu đã được bày bán tùy tiện khắp nơi và nông dân thường dựa vào các khuyến cáo của đại lý thuốc hơn là công tác chỉ đạo của cán bộ khuyến nông. Có nhiều nông dân đã phun trên 10 lần trong một vụ mà lúa vẫn liên tiếp bị cháy rầy từ vụ này sang vụ khác, nên nợ nần chồng chất và có người đã phải tự tử do không trả được nợ.


Rầy nâu, dịch hại nguy hiểm

Chiến lược quản lý bền vững rầy nâu

Với đà gia tăng dân số thế giới hiện nay (có thể đạt đến 9 tỉ người vào năm 2025) thì việc thâm canh lúa cần phải được đẩy mạnh và với khả năng phát triển của rầy nâu như trên thì hội nghị đã đề ra 3 lĩnh vực cần phải được nghiên cứu tích cực để khống chế rầy nâu như sau:

- Cần phát triển giống lúa có khả năng kháng rầy bền vững với năng suất cao và chất lượng tốt qua các thành tựu có được trong công nghệ di truyền hiện nay như chồng gen kháng nhiều biotype khác nhau trong cùng một giống.

- Phục hồi sự đa dạng sinh học trong ruộng lúa qua việc áp dụng hệ thống canh tác bền vững, công nghệ sinh thái và khuyến khích vai trò của cộng đồng qua công tác xã hội (thí dụ như Việt Nam đang làm).

- Tổ chức hệ thống theo dõi và dự báo liên quốc gia để có chiến lược quản lý kịp thời vì rầy nâu có thể di cư theo mùa từ nước này sang nước khác.

Ở Việt Nam, điều đáng mừng là hiện nay đi đâu ở ĐBSCL cũng thấy ruộng lúa tràn đồng dọc theo hai bên đường, với mặt bằng, kỹ thuật gieo sạ đồng loạt, hệ thống tưới tiêu và đường sá nội đồng đã được cải thiện khá rõ nét. Lòng ai cũng thấy vui vì được “cơm no áo ấm”, và càng vui hơn cho người làm công tác chỉ đạo SX nông nghiệp khi thấy dự báo hàng tuần về tình hình gây hại của rầy nâu và bệnh vàng lùn đang ở mức không đáng kể. Tuy nhiên, liệu có thể duy trì, nhân lên đều khắp và phát triển thành nền SX lúa bền vững cho cả vùng được không? Đó là câu hỏi đang được phân tích theo những triển vọng như sau:

Liệu có khống chế hẳn được rầy nâu như hiện nay? Kinh nghiệm dân gian cho thấy rầy nâu thường phát dịch theo chu kỳ khoảng 10 năm 1 đợt, do chúng dần thích nghi được với điều kiện canh tác mới, cộng với sự lơi lỏng dần trong quản lý SX của nông dân. Do đó, nếu không duy trì được sự chỉ đạo phòng chống dịch thật chặt chẽ như hiện nay thì sự phát dịch có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Phong trào thành lập “cánh đồng mẫu lớn” đang lên vì nông dân thấy được lợi ích của sự hợp tác để cơ giới hóa sản xuất do thiếu hụt nhân công. Đi đầu hiện nay là một số Cty thương mại về vật tư nông nghiệp như BVTV An Giang, Phân bón Bình Điền, Bayer… với các cánh đồng do họ bảo trợ với hàng trăm héc-ta có hệ thống thu mua, phơi sấy và bảo quản.

Do đó, nếu muốn quản lý được việc sử dụng thuốc hóa học theo IPM thì sắp tới Cục Bảo vệ thực vật phải kết hợp chặt chẽ với Cục Trồng trọt để vừa hạ được giá thành SX, vừa tạo đồng ruộng thân thiện với môi trường theo hướng SX nông nghiệp bền vững.

Chất lượng gạo phải được cải thiện bằng việc tạo và chọn giống tốt (đặc biệt là có tính “kháng ngang” với rầy nâu), tập trung một số ít giống đặc trưng cho từng điều kiện của tiểu vùng sinh thái. Hiện nay, SX chỉ mới đạt được về số lượng qua tăng vụ cao theo hướng độc canh cây lúa, nên rất nguy hiểm cho sự trở lại của rầy nâu. Cần phải phát triển được cây màu và vườn cây ăn trái xen với 2 vụ lúa ăn chắc có phẩm chất gạo cao.

Giảm chi phí SX cho nông dân qua hợp tác trong cánh đồng mẫu lớn, hợp đồng SX gạo đặc sản với doanh nghiệp trên nguyên tắc “hợp tác 4 nhà” để loại khâu trung gian ép giá, tạo thương hiệu gạo xuất khẩu, tăng lợi nhuận cho nông dân để quyết giữ diện tích đất lúa cho an ninh lương thực của cả nước và cả khu vực. Đây là hướng đi tất yếu và đang có nhiều mô hình cho thấy hoàn toàn khả thi khi cuối cùng nông nghiệp được nhận ra là thế mạnh của nền kinh tế hiện nay nên cần được đầu tư thích đáng.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm