| Hotline: 0983.970.780

Quản lý dịch bệnh trên cây lạc

Thứ Ba 07/10/2014 , 08:14 (GMT+7)

Vụ lạc thu đông 2014, Cty CP BVTV An Giang phối hợp với Cty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức mô hình quản lý dịch hại bằng thuốc BVTV để tăng năng suất lạc tại 3 xã ở huyện Diễn Châu (Nghệ An).

Mô hình đã thu hút sự quan tâm của cán bộ khuyến nông và đông đảo bà con nông dân trong huyện. KS Nguyễn Đình Ân, cán bộ kỹ thuật của Cty CP BVTV An Giang trực tiếp chỉ đạo và theo dõi mô hình cho biết, Diễn Châu và Nghi Lộc là 2 huyện trọng điểm lạc xuân của tỉnh Nghệ An.

Khi gieo lạc vụ xuân hằng năm bà con thường dùng giống lạc SX vụ xuân trước đó nên tỷ lệ nảy mầm thấp (trên dưới 60%), số hạt nảy mầm được cũng phát triển hạn chế và bị nhiều loại dịch, bệnh gây hại nên đã ảnh hưởng đến năng suất.

Bởi vậy, từ nhiều năm nay, nông dân đã triển khai làm lạc thu đông để lấy giống cho vụ xuân nhằm tăng tỷ lệ nảy mầm lên 90 - 95% là rất khoa học. Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, dịch bệnh lại thường xuyên xảy ra trên lạc vụ thu - đông khiến năng suất thường đạt thấp.

"Để giúp các địa phương khắc phục tình trạng này, chúng tôi đã triển khai mô hình mẫu quản lý dịch hại cho cây lạc trong vụ thu đông 2014 để tập huấn cho bà con bằng thực tế, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra diện tích lạc đại trà.

Đây là một quy trình chuẩn, khoa học ngăn chặn hiệu quả 20 loại dịch bệnh trên cây lạc giúp lạc sinh trưởng và phát triển cân đối và cho năng suất cao hơn", ông Ân khẳng định.

KS Lê Văn Sơn, Giám đốc Chi nhánh Syngenta tại Nghệ An và Hà Tĩnh chia sẻ: "Syngenta đưa ra quy trình sử dụng bằng thuốc BVTV của mình gồm 4 bước: Bước 1, dùng thuốc Cruiser Plus 312.5FS với liều dùng 02 ml/kg hạt giống để xử lý hạt trước khi gieo.

Cruiser Plus ngấm vào hạt và lưu dẫn vào mầm và lá mầm để ngăn chặn sâu xám, bọ trĩ giúp cây lạc sinh trưởng và phát triển khỏe, đồng đều trong vòng 15 ngày.

Bước 2, sau khi gieo được 2 tuần, phun tiếp Amistar Top 325SC với liều 20 ml/sào để ngăn chặn bệnh như chết ẻo đồng thời kích thích sinh trưởng và tăng khả năng phân cành cho cây lạc.

Bước 3, sau khi gieo được 1 tháng, cây lạc bắt đầu ra hoa, tiếp tục dùng Amistar Top liều lượng 20 ml/sào để ngăn chặn các loại nấm bệnh như nấm thối gốc mốc xám, thối Pythium, thối gốc mốc trắng... đồng thời kích thích cây lạc ra hoa tập trung.

Cũng theo ông Lân, đây là một tiến bộ kỹ thuật mới, nên cần phải được đánh giá một cách chu đáo để chứng minh hiệu quả của nó vào cuối vụ thu hoạch. Đề nghị Cty CP BVTV An Giang và Cty Syngenta tiếp tục áp dụng quy trình này ở vụ xuân tại nhiều xã để có cơ sở cho bà con các địa phương nhân rộng.

Bước 4, sau khi gieo khoảng 2 tháng rưỡi, thời điểm cây lạc đâm tia xuống đất thì xử lý tiếp bằng thuốc Titl Super 300 EC để ngăn chặn bệnh đốm lá, thán thư, gỉ sắt... nhằm kéo dài tuổi thọ cho bộ lá, giúp cây lạc quang hợp tốt để tăng năng suất cho cây lạc.

Ngoài 4 bước trên, nếu có sâu khoang, sâu xám, rệp muội và rầy xanh xuất hiện trên ruộng thì bà con nên xử lý bằng Virtako 40WG hoặc Match 50EC".

Ông Hoàng Tất Thành, Chủ nhiệm HTXNN Tiến Thành, xã Diễn Thành cho biết: “Vụ thu đông 2013 nhà tôi có 660 m2 đất màu, một kỹ sư của Cty Syngenta về làm đề tài nghiên cứu cũng đã đưa cho tôi làm thử theo quy trình này.

Anh ấy bảo tôi chia đôi số diện tích đất ấy, một nửa làm theo quy trình, một nửa làm theo cách truyền thống để đối chứng. Do giống lạc liền vụ nên sau khi xử lý bằng Cruiser Plus tỷ lệ nảy mầm đạt 98%.

Suốt cả vụ tôi làm đúng theo chỉ đạo thấy mô hình rất hiệu quả. Dịch bệnh không hề có, nhất là bệnh chết ẻo hoàn toàn biến mất (trên diện tích lạc đối chứng có tới 17% bị bệnh này). Cuối vụ thu hoạch, trên ruộng mô hình đạt 101 kg lạc khô/330 m2, củ lạc sáng, đẹp và căng tròn.

Còn trên diện tích đối chứng chỉ được gần 90 kg/330 m2 nhưng màu sắc và chất lượng củ lạc nhìn kém hơn. Tiếc là sau đó, tôi tìm không ra các loại thuốc đã sử dụng để làm tiếp trong vụ lạc xuân 2014...”.

Ông Hoàng Lân, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu khẳng định: "Đây là quy trình kỹ thuật mới mà Syngenta đưa ra cho cây lạc nên đã thu hút được sự quan tâm của cán bộ và nhân dân trong các xã trọng điểm lạc của huyện. Việc sử dụng các loại thuốc BVTV nêu trên của Syngenta tại Diễn Châu là không mới, nhất là trên cây lúa nên bà con ai cũng biết.

Tuy nhiên, khi làm theo quy trình này, bà con phải hiểu rằng các loại thuốc trên chỉ có tác dụng xử lý các loại nấm, bệnh và sâu hại khi dùng đúng liều; thuốc chỉ có tác dụng kích thích sinh trưởng chứ không phải là “thần dược” để biến những hạt giống không thể nảy mầm được vẫn nảy mầm và đơm hoa kết trái".

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.