| Hotline: 0983.970.780

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm ở Hà Nội

Thứ Hai 26/11/2012 , 10:27 (GMT+7)

Về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, những năm qua TP đã ban hành các chính sách để tăng cường quản lý, khuyến khích đầu tư...

THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP

TP Hà Nội có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.344,6 km2, với 29 đơn vị hành chính, tổng dân số 6,77 triệu người và 2,3 triệu khách vãng lai. Là một Thủ đô song Hà Nội lại có nhiều điều kiện phát triển nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm.

Hiện nay, Hà Nội có đàn gia súc, gia cầm lớn ở tốp đứng đầu cả nước với tổng đàn lợn 1,53 triệu con, đàn gia cầm 19 triệu con và đàn trâu bò gần 200.000 con, trong đó bò sữa 11 ngàn con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 390 ngàn tấn/năm đáp ứng 60-65% nhu cầu của nhân dân TP, sản lượng sữa 17.000 tấn, trứng gia cầm 870 triệu quả. Giá trị SX chăn nuôi đạt trên 51% GDP nông nghiệp.

Nét nổi bật về chăn nuôi của Hà Nội trong những năm qua là phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Trong đó phải kể đến là 10 xã chăn nuôi bò sữa với số lượng 8.979 con chiếm 79,78% tổng đàn bò sữa toàn TP; 10 xã chăn nuôi bò thịt với 14.710 con bò thịt, bò sinh sản chiếm 10,6% tổng đàn bò toàn TP.

Với chăn nuôi lợn tập trung ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Sơn Tây… đã có 722 hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư, trong đó có 416 hộ chăn nuôi quy mô lợn nái từ 20 con, lợn thịt từ 100 con/hộ, với đàn lợn nái 23.530 con, lợn thịt 211.239 con. Chăn nuôi gia cầm số hộ chăn nuôi ngoài khu dân cư là 1.153 hộ, nhiều hộ nuôi với quy mô 1-2 ngàn con. Đặc biệt trong chăn nuôi, đã hình thành các chuỗi từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm theo mô hình “từ nông trại đến bàn ăn”.

Chăn nuôi theo công nghệ sinh học đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đã được người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng quan tâm chú trọng. Bên cạnh đó, những năm qua TP đã có nhiều chính sách đầu tư cho công tác phòng chống dịch bệnh và tập trung chỉ đạo nên tình dịch bệnh cơ bản ổn định, không để dịch lớn xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển.


Chăn nuôi theo công nghệ sinh học

Về hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, những năm qua TP đã ban hành các chính sách để tăng cường quản lý, khuyến khích đầu tư mà điển hình là Quyết định số 51/2009/QĐ-UBND ngày 22/1/2009 ban hành “quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm"; Quyết định số 77/2009/QĐ-UBND ngày 10/6/2009 ban hành quy định một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, trên thực tế, thực trạng công tác quản lý giết mổ, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội cũng còn khá nhiều bất cập. Về cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện có hơn 3.700 điểm, hộ giết mổ rải rác trong khu dân cư, hoặc tham gia giết mổ theo mùa vụ, trong đó có 458 cơ sở, điểm giết mổ (có công suất giết mổ trâu bò ≥ 01 con, lợn ≥ 5 con, gia cầm ≥ 50 con) được kiểm soát.

Các điểm giết mổ gia súc, gia cầm được hình thành tự phát cả về vị trí và quy mô, với công nghệ thủ công là chính. Các sở sở này gần như không đủ các điều kiện về vệ sinh thú y theo tiêu chuẩn như khu giết mổ, phụ phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y; Không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng; nguồn nước sử dụng là nước giếng khoan không qua xử lý; Trang bị dụng cụ trong giết mổ khá tuỳ tiện, thủ công, lạc hậu không đáp ứng yêu cầu giết mổ. Do vậy, hầu hết các điểm giết mổ này mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Về kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm, trên địa bàn TP hiện có 1.042 chợ lớn nhỏ có kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm (chưa bao gồm các chợ cóc, chợ tạm), 417 siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật và 4.194 nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể có sử dụng và bảo quản sản phẩm gia súc, gia cầm tươi sống.

Đa số các hộ kinh doanh tại các chợ lớn, chợ trung tâm, chợ nội thành, nội thị đã đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; ở các chợ ngoại thành phần lớn trang thiết bị của các hộ còn thô sơ, đặc biệt là các chợ cóc, chợ tạm, chưa đảm bảo yêu cầu.

Việc quản lý các sản phẩm giết mổ, hằng năm Chi cục Thú y Hà Nội tổ chức kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được 308.700 tấn sản phẩm đạt 51%/tổng lưu lượng sản phẩm. Tuy nhiên, tỉ lệ thịt vật nuôi được kiểm soát giết đạt thấp 51%, còn 49% chưa kiểm soát được. Nguyên nhân do nhận thức người giết mổ hạn chế, không chấp hành quy định, luôn có tư tưởng chống đối, hơn nữa giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều không thể kiểm soát được.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, đặc biệt là nhằm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng chặt chẽ và giải quyết vấn đề môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, TP Hà Nội đã có những giải pháp mang tính quyết định.

Đó là Ban hành Bộ tiêu chí cơ sở giết mổ an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và có các chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các khu giết mổ tập trung, công nghiệp và bán công nghiệp.

Ngoài các văn bản đang tiếp tục được thực hiện, đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển SXNN, xây dựng hạ tầng nông thôn TP giai đoạn 2012-2016. Quyết định số 3410/QĐ-UBND ngày 30/7/2012 ban hành quy định tạm thời tiêu chí cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

TP Hà Nội rất cần sự quan tâm đồng bộ của các Bộ, ngành ở Trung ương, sự tham gia vào cuộc của các cấp ngành địa phương, các cơ sở kinh doanh, giết mổ, đặc biệt là sự thay đổi nhận thức, thói quen và chung tay xây dựng của mỗi người tiêu dùng thông thái.

Có như vậy, chăn nuôi của TP  mới phát triển ổn định bền vững, những thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh mới thực sự trở thành nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe cộng đồng và trở thành những sản phẩm “sạch” mang thương hiệu Thủ đô.

Về quy hoạch, từ nay đến 2020, TP quy hoạch, nâng cấp 13 cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, quy mô giết mổ tổng số trên 5.000 con lợn/ngày, 100.000 gia cầm và 600 con trâu bò/ngày, tổng sản lượng trên 900 tấn/ngày (trong đó cơ sở Cty C.P - Việt Nam 64.000 con gia cầm/ngày). Quy hoạch mới 35 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp ở 19 huyện, thị xã, dự kiến quy mô giết mổ 234 tấn/ngày. Mục tiêu đến 2015 phấn đấu 75% sản phẩm giết mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những giải pháp cụ thể mà TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo sẽ là tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng sử dụng sản phẩm an toàn tăng cường đầu ra cho các sản phẩm giết mổ đảm bảo an toàn thực phẩm.

Quy hoạch xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở giết mổ được quy hoạch. Ban hành quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP với mục tiêu đến năm 2015, dự kiến giết mổ công nghiệp chiếm 50%, giết mổ bán công nghiệp tập trung chiếm 25%.

Xây dựng chợ đầu mối kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi giá trị cung cấp thực phẩm an toàn. Tăng cường năng lực hoạt động của các trạm kiểm dịch động vật để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ động vật, sản phẩm động vật. Tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ. Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến.

(*): Tác giả hiện là PGĐ Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất