| Hotline: 0983.970.780

Quản lý khai thác công trình thủy lợi vùng ĐBSCL

Thứ Tư 15/10/2014 , 08:23 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, Nhà nước tập trung đầu tư phát triển và củng cố hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL. 

Tổ chức, hoạt động quản lý vận hành CTTL

Hằng năm, Nhà nước cùng với sự đóng góp của người dân, đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng và hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL.

Hệ thống cơ sở hạ tầng công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH trong vùng và đưa vùng ĐBSCL thành một trong những vùng SXNN và thủy sản trù phú bậc nhất châu Á.

+ Hệ thống công trình thủy lợi: Theo đánh giá từ nhiều nguồn tài liệu, hiện toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.143 cống vừa và lớn (khẩu độ từ 4 m trở lên), những cống có quy mô rất lớn như cống Láng Thé (liên tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long) rộng 100 m, cống đập cao su phân lũ, chậm lũ Tha La, Trà Sư...; trên 90.000 km kênh mương, gồm 21.452 km kênh chính; ngoài ra là kênh cấp I và kênh cấp II.

Đây là hệ thống kênh chiến lược rất lớn rộng từ 20 đến trên 100 m, phân phối nước và điều tiết lũ liên tỉnh, liên vùng và hầu hết phân cấp cho tỉnh quản lý khai thác.

+ Về mô hình tổ chức: Đối với các hệ thống thủy lợi liên tỉnh đã thành lập 3 Hội đồng quản lý hệ thống có sự tham gia của cấp Bộ NN-PTNT, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương (UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Chi cục Thủy lợi, tổ chức khai thác CTTL cấp tỉnh, UBND các huyện) gồm Tứ giác Long Xuyên, Quản lộ Phụng Hiệp và Đồng Tháp Mười.

Đối với các hệ thống công trình trong phạm vi tỉnh thuộc vùng ĐBSCL, việc quản lý khai thác do nhiều loại hình tổ chức khác nhau đảm nhận.

Có 5 tỉnh thành lập doanh nghiệp khai thác CTTL cấp tỉnh để quản lý khai thác CTTL. Tỉnh Bạc Liêu và Long An thành lập Trung tâm Quản lý khai thác CTTL. Tại các tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang và TP Cần Thơ, các Chi cục Thủy lợi chịu trách nhiệm quản lý khai thác CTTL thông qua việc tổ chức các đội quản lý vận hành CTTL.

+ Về nhân lực vận hành khai thác CTTL: Theo số liệu báo cáo của các địa phương trong vùng, lực lượng chuyên trách quản lý vận hành CTTL mới chỉ có khoảng 750 người (không tính các thủ công thuê ngắn hạn).

Thực tế, cho thấy đội ngũ nhân lực này mỏng so với yêu cầu thực tế để quản lý, vận hành khối lượng công trình theo phân cấp. Về chất lượng đội ngũ nhân lực, số lượng nhân viên quản lý vận hành công trình chưa qua đào tạo chiếm tới 34% tổng số, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các vùng, miền còn lại trong cả nước.

+ Về tài chính cho quản lý vận hành khai thác CTTL: Thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí, hàng năm ngân sách Trung ương cấp cho các tỉnh vùng ĐBSCL khoảng 1.000 tỷ cho công tác quản lý vận hành CTTL sau đầu tư.

Tổ chức quản lý khai thác CTTL của các tỉnh trong vùng khác nhau cũng ảnh hưởng đến việc phối hợp thực hiện vận hành cũng như áp dụng cơ chế chính sách. Đội ngũ cán bộ quản lý khai thác còn mỏng và trình độ còn hạn chế.
Nhiều công trình (cống) chưa có công nhân quản lý, vận hành đáp ứng tiêu chuẩn năng lực theo yêu cầu. Hệ thống kênh mương hầu như chưa được quản lý, bảo vệ theo các quy định hiện hành làm tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn kênh tương đối phổ biến.

Tuy nhiên, khảo sát đánh giá ban đầu cho thấy, kinh phí giao cho các tổ chức quản lý vận hành CTTL cấp tỉnh chiếm khoảng 10%, còn lại phân giao 90% cho các huyện và ban ngành, mà chủ yếu sử dụng lập các dự án nạo vét kênh rạch.

+ Một số tồn tại trong công tác quản lý, vận hành: Quá trình quản lý, vận hành các CTTL liên tỉnh vùng ĐBSCL trong nhiều năm qua cho thấy còn phát sinh xung đột lợi ích giữa các địa phương vùng hưởng lợi.

Cụ thể, còn tồn tại các mâu thuẫn về lợi ích trong sử dụng nước, đặc biệt là những vùng giáp ranh giữa SX lúa và nuôi tôm nước lợ...

Sự cần thiết

Để phát huy hiệu quả của CTTL, công tác quản lý khai thác và bảo vệ đóng vai trò then chốt. Đây là hoạt động cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích và có tác động đến nhiều đối tượng sử dụng nước trong hệ thống CTTL.

Đối với các hệ thống công trình quy mô lớn, phạm vi liên tỉnh ở vùng ĐBSCL phục vụ đa mục tiêu về cấp nước cho nông nghiệp, thủy sản, du lịch, môi trường, phòng chống thiên tai, úng ngập, xâm nhập mặn, vai trò của công tác quản lý khai thác càng trở nên quan trọng.

Do vậy, về khoa học quản lý, xây dựng một hệ thống tổ chức và cơ chế chính sách trong quản lý khai thác CTTL khoa học, hiệu quả cho vùng ĐBSCL là nhiệm vụ cần thiết, bảo đảm điều hòa phân phối nước giữa các vùng, hài hòa và giảm thiểu xung đột lợi ích trong sử dụng nước giữa các đối tượng khác nhau nhằm phục vụ SX hàng hóa và phát triển bền vững cho vùng ĐBSCL.

Từ những phân tích ở trên, để nâng cao hiệu quả quản lý khai thác CTTL trong vùng, việc củng cố, hoàn thiện tổ chức quản lý khai thác CTTL vùng ĐBSCL là rất cần thiết và cấp bách.
Bên cạnh việc xây dựng tổ chức quản lý khai thác hiệu quả, phù hợp với đặc thù của vùng, cần áp dụng các giải pháp đảm bảo số lượng và chất lượng đội ngũ nhân lực quản lý khai thác, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp để đáp ứng yêu cầu phát triển SX, dân sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu và tác động thượng nguồn.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng tổ chức quản lý khai thác CTTL vùng ĐBSCL đã và đang được Nhà nước quan tâm chỉ đạo.

Đặc biệt năm 2005 trong hội nghị “Quy hoạch phát triển thủy lợi, thủy sản, xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ĐBSCL” của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu Bộ NN-PTNT nhanh chóng phối hợp với các tỉnh bàn bạc thống nhất việc thành lập Ban quản lý dự án thủy lợi vùng ĐBSCL.

Mục đích nhằm điều phối, khai thác có hiệu quả và tổ chức tu bổ các CTTL trong vùng. Thực chất đây chính là việc xây dựng tổ chức quản lý khai thác hệ thống CTTL vùng ĐBSCL.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ năm 2005, Bộ NN-PTNT đã triển khai củng cố tổ chức quản lý khai thác hệ thống CTTL thông qua việc thành lập 3 Hội đồng quản lý hệ thống thủy lợi liên tỉnh Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên và Quản Lộ - Phụng Hiệp và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng kèm theo các Quyết định số 3333, 3334, 3335/QĐ-BNN-TCCB ngày 29/11/2005.

Tuy nhiên, hoạt động của các Hội đồng quản lý hệ thống CTTL liên tỉnh này trong những năm qua chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

 Hội đồng quản lý hệ thống gồm nhiều thành phần tham gia của đại diện cơ quan có liên quan của các địa phương trong hệ thống, hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, đông nhưng không mạnh.

Các thành viên của hội đồng chưa được kiện toàn kịp thời khi có sự thay đổi về nhân sự lãnh đạo ở địa phương. Do vậy, sự phối hợp của hội đồng hệ thống và chính quyền địa phương chưa chặt chẽ.

Hội đồng chưa có một bộ máy chuyên môn giúp việc, làm việc chuyên trách nên việc tham mưu giúp Ban chỉ đạo thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao bị hạn chế. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý hệ thống hầu như không có.

Bên cạnh đó, để phát triển thủy lợi ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các giải pháp phi công trình bao gồm: củng cố, hoàn thiện tổ chức quản lý khai thác CTTL cần được coi trọng thông qua việc nghiên cứu thành lập các tổ chức quản lý khai thác CTTL lớn, liên tỉnh trong vùng gồm Ô Môn - Xà No, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Nam Măng Thít, Trà Sư - Tha La, hệ thống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười....

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất