| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/12/2018 , 06:31 (GMT+7)

06:31 - 27/12/2018

Quản lý nhà thuốc bằng công nghệ

Từ ngày 1/1/2019, các nhà thuốc muốn hoạt động phải có máy tính sử dụng phầm mềm đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, qua đó kê khai giá, hạn dùng của thuốc và đơn thuốc.

Đây là kết quả của đề án quản lý nhà thuốc bằng công nghệ, được Cục Quản lý Dược tích cực triển khai từ năm 2017 đến nay. Riêng tại TP.HCM đã có 7.700 nhà thuốc nối mạng cùng cơ quan chức năng, với phần mềm của Viettel.

Ảnh minh họa

Mỗi nhà thuốc phải bỏ ra cho việc kết nối phần mềm quản lý thuốc là 1,8 triệu đồng/năm. Ngoài ra, chi phí nhà mạng, chi phí nhân viên nhập liệu… cũng là những khoản phát sinh mà người kinh doanh nhà thuốc phải đắn đo. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn là tính hiệu quả của đề án này. Khi được quản lý trọn vẹn bằng công nghệ, thì toàn bộ hệ thống từ bán buôn đến bán lẻ, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối đều được công khai và minh bạch. Hơn nữa, đề án này còn tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Bởi lẽ, theo các chuyên gia y tế, vấn đề bán thuốc không có đơn của thầy thuốc, đặc biệt là kháng sinh là vấn đề nhức nhối dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng. Muốn giải quyết nguy cơ ấy, thì hành động giám sát chặt chẽ hệ thống nhà thuốc cũng là một phương pháp chiến lược và lâu dài.

Quản lý nhà thuốc bằng công nghệ, trước hết đáp ứng được bài toán kinh doanh thuốc. Chỉ cần thống kê đơn giản, các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sẽ biết ngay sản phẩm nào đang tăng trưởng và thị trường nào đang khan hiếm. Vì vậy, để nguồn dữ liệu của quá trình quản lý nhà thuốc bằng công nghệ không biến thành món hàng thương mại khuất tất, cũng cần sự vận hành và bảo mật nghiêm túc.

Liệu đề án của Cục Quản lý Dược có thể giải quyết được vấn đề chất lượng cho toa thuốc không? Không ai dám bảo đảm, bởi lẽ nhà thuốc chỉ nhập liệu những loại thuốc và những đơn thuốc mà họ muốn báo cáo mà thôi. Thuốc không rõ nguồn gốc và đơn thuốc không hợp lệ, khi không vào hệ thống quản lý, thì người mua sẽ gánh chịu hậu quả. Cho nên, cần phải có hành lang pháp lý để chấn chỉnh việc quản lý nhà thuốc, mua bán thuốc qua mạng. Cụ thể, phải theo dõi hành vi bán thuốc không cần toa, và hành vi kê toa không cần cân nhắc các loại thuốc. Thậm chí, không ít bán sĩ kê toa luôn kèm theo… thực phẩm chức năng để hưởng hoa hồng từ nhà sản xuất!

Hành vi bán thuốc không cần toa, đúng là một vấn nạn xảy ra từ thành thị đến nông thôn. Người dân ít hiểu biết, đã xem việc tự chữa bệnh là bình thường. Bất cứ biểu hiện nhứt đầu, hắt hơi, cảm lạnh gì cũng ra nhà thuốc để mua, mà không cần bán sĩ khám bệnh và kê toa. Thực tế, nhiều cán bộ y tế coi hậu quả của kháng thuốc không có gì nghiêm trọng nên kê toa tùy tiện, còn nhà thuốc vì lợi nhuận nên sẵn sàng bán thuốc không cần toa. Thật buồn cười, khi mua thuốc ở Việt Nam dễ hơn mua rau, khiến nhiều người đi công tác nước ngoài thường mang theo kháng sinh đề phòng bị bệnh, sốt thì lấy ra dùng, vì mua ở các nước văn minh không thể mua thuốc đơn giản như vậy!