| Hotline: 0983.970.780

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam:

Quản lý sinh vật hại trong đất - vòng rượt đuổi giữa con người và dịch bệnh

Thứ Sáu 10/05/2019 , 08:47 (GMT+7)

Sinh vật hại trong đất hiện đang là yếu tố cản trở lớn đối với sản xuất trên nhiều đối tượng cây trồng đặc biệt là cây ăn quả và cây công nghiệp. Trong khi đó Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp quản lý hiệu quả...

Lệ thuộc vào phân bón, thuốc BVTV hóa học

Trong hai ngày 7 và 8/5/2019, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ Thực phẩm và Phân bón khu vực Châu Á Thái Bình Dương tổ chức hội thảo “Tăng cường năng lực sản xuất và sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật và phân bón sinh học để kiểm soát sâu bệnh hại cây trồng trong đất và sử dụng trong canh tác hữu cơ” với hai mục tiêu chính là nhận dạng về sự thay đổi các đối tượng sinh vật hại trong đất của các quốc gia trong đó có Việt Nam để có cách quản lý đúng.

Trao đổi với Báo NNVN, GS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chúng ta thành công trong việc nâng cao sản lượng, xuất khẩu nông sản trước hết là nhờ sự cần cù, sáng tạo của nông dân và sau đó là vai trò của khoa học công nghệ trong đó có giống mới cũng như các biện pháp thâm canh. Chính vì thế năng suất các loại cây trồng tăng ổn định, liên tục trong những năm qua ở mức 2% trên hầu hết các loại cây trồng.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn

Quá trình tăng năng suất đó phải kể đến một yếu tố là đầu tư thâm canh trong đó sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Chính vì sử dụng những thứ đó mà gần đây đã tác động đến môi trường sản xuất và đã có những dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững.

Đầu tiên phải kể đến môi trường đất bị suy thoái ở nhiều vùng sản xuất, ví dụ như Tây Nguyên thấy rõ nhất là độ pH (chua), giảm rất mạnh, bình quân chỉ 4-4,5. Việc giảm pH đất làm cho cây trồng khó hấp thụ dinh dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều đối tượng gây hại trong đất phát sinh, phát triển, đặc biệt là các nhóm nấm ký sinh.

Thứ hai là việc lệ thuộc vào sử dụng các thuốc BVTV hóa học không chỉ gây tác động tiêu cực nhất định đến môi trường sống, nước ngầm mà còn làm bùng phát các loài sinh vật gây hại đặc biệt là sinh vật hại trong đất. Đây là nhóm sinh vật gây hại rất khó phát hiện, nông dân chỉ phát hiện được khi cây trồng đã biểu hiện triệu chứng gây hại trên mặt đất, khi đó việc phòng trừ đã quá muộn.

Mặt khác, việc sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ cũng gặp khó khăn vì thuốc khó tiếp xúc được các đối tượng ẩn sâu dưới lòng đất, dễ bị rửa trôi, mất hiệu lực. Khi thuốc mất hiệu lực người nông dân lại càng tăng cường áp lực như tăng số lần sử dụng và lượng thuốc dùng cho mỗi lần.

Đó là nguyên nhân dẫn đến mức độ kháng thuốc và gia tăng mật độ của các đối tượng sinh vật gây hại trong đất. Khi sinh vật càng kháng mạnh thì nông dân lại càng sử dụng nhiều thuốc, tạo thành vòng luẩn quẩn, đuổi nhau như vậy, khó có lối thoát, làm cho mức độ phụ thuộc vào thuốc BVTV hóa học ngày càng nhiều hơn.

Thứ ba là chuyển đổi cơ cấu, thay vì trồng các cây ngắn ngày, số lượng thời vụ ít thì giờ đang tăng các cây trồng dài ngày, thâm canh liên tục, hệ số quay vòng đất cao.

Vì vậy cây trồng luôn hiện hữu trên đồng ruộng tạo môi trường chu chuyển các đối tượng dịch hại và tích lũy mật độ quần thể tốt nhất. Những cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu mức độ bị nhiễm vi sinh vật gây hại ngày càng nhiều hơn, nhất là tuyến trùng và các loại nấm.

Hiện tượng chết nhanh, chết chậm của hồ tiêu, hiện tượng chết của cà phê trong giai đoạn tái canh, hiện tượng chết của nhiều loại cây ăn quả như sầu riêng, cam quýt ở ĐBSCL và nhiều tỉnh phía Bắc phần lớn là do sự góp mặt của các sinh vật hại trong đất, tuy nhiên bà con lại chỉ dùng thuốc để phun lên lá. Nó báo hiệu một điều là chúng ta đã duy trì một đối tượng cây trồng trong thời gian dài mà không có sự luân canh hoặc cho đất nghỉ để thay đổi môi trường sống, giải phóng đất để xử lý vi sinh vật gây hại.

Cuối cùng là chúng ta đang chuyển từ nền sản xuất số lượng sang chất lượng, nhu cầu sản xuất sạch, an toàn, bền vững là một đòi hỏi nóng. Nếu tiếp tục lệ thuộc vào các giải pháp như hiện nay thì rất khó khăn.

Phẫu diện đất

Tóm lại, nông nghiệp hiện nay nổi lên hai vấn đề là sự tích lũy quần thể dịch hại và sự phát sinh của các đối tượng sâu bệnh hại trong đất ngày càng nhiều. Các giải pháp mà chúng ta đang ứng dụng là kém hiệu quả và không bền vững, rất cần giải pháp thay thế một cách phù hợp, hiệu quả theo hướng chất lượng sản phẩm và môi trường.
 

Ba hòn đá tảng

- Trình độ canh tác bền vững của Việt Nam so với thế giới và khu vực ra sao, thưa ông?

Nếu như lệ thuộc vào sản xuất ngoài trời như Việt Nam thì các nước trong khu vực đều có dấu hiệu bất ổn nhưng một số nước đã nhanh chóng chuyển đổi từ nền sản xuất thay thế đắt tiền hơn là không sử dụng nền canh tác ngoài trời mà ứng dụng công nghệ cao, canh tác trên giá thể như Đài Loan nên kiểm soát dễ dàng hơn nhiều.

- Tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học, phân bón hữu cơ của Việt Nam so với Trung Quốc ra sao?

Trung Quốc sử dụng chế phẩm sinh học chiếm khoảng 10% còn Việt Nam sử dụng khoảng 8%, phần lớn là nhập từ Trung Quốc. Hiệu quả sử dụng trên đồng ruộng của ta còn yếu bởi kinh nghiệm và năng lực của nông dân thấp hơn. Còn về phân bón, hiện chúng ta sử dụng khoảng 1 triệu tấn phân hữu cơ trong khi sử dụng tới 11 triệu tấn phân hóa học, tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ của Việt Nam cũng thấp hơn so với Trung Quốc.

- Giải pháp cho vấn đề này ra sao, thưa ông?

Nếu chúng ta chuyển nhanh được sang hướng ứng dụng các sản phẩm sinh học, thứ nhất sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường và chất lượng nông sản. Thứ hai sẽ là giải pháp bền vững vì khi đưa các tác nhân sinh học có lợi vào đất sẽ tích lũy, duy trì ở trong đó, chung sống hòa bình với tác nhân sinh học có hại để tạo lập cân bằng sinh thái.

- Tốt như thế nhưng điều kiện để cho phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học ở ta phát triển đã có chưa thưa ông?

Chúng ta đã nghiên cứu, có sản phẩm, khuyến cáo dùng các sản phẩm sinh học nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Thứ nhất là chính sách ưu tiên phát triển công nghệ, sản xuất và kể cả đăng ký chế phẩm sinh học chưa đủ mạnh. Ví dụ phân bón sinh học được ưu tiên không phải đăng ký nhưng thuốc BVTV thì chỉ ưu tiên giảm bớt khối lượng khảo nghiệm mà vẫn phải thực hiện trong thời gian khá dài.

Thứ hai là chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất của chúng ta chưa đủ mạnh. Nghiên cứu về chế phẩm sinh học chỉ ra được ở quy mô phòng thí nghiệm và sản xuất thử còn từ đó mà hoàn thiện công nghệ và sản xuất ở quy mô lớn là một quãng xa. Cho nên muốn cải thiện được chất lượng phải có doanh nghiệp đầu tư vào để sản xuất trên quy mô lớn, giảm giá thành so với các chế phẩm nhập khẩu mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Điều vô cùng quan trọng là các chế phẩm sinh học thường đắt, hiệu quả chậm nên ít được nông dân mặn mà ứng dụng. Vì vậy cần nâng cao nhận thức của người dân cùng các chính sách khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật một cách quy mô, liên kết với doanh nghiệp để khuyến khích việc bán các sản phẩm sinh học thay vì hóa học.

Trong ba yếu tố trên tôi thấy thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất chế phẩm sinh học là khó nhất bởi phát triển quy mô lớn thì mới giảm được giá thành trong bối cảnh các sản phẩm sinh học nhập khẩu rất đắt, nhất là Nhật Bản hay Đài Loan. Nếu doanh nghiệp của chúng ta nâng cao được trình độ cũng như xây dựng được thương hiệu như nước ngoài thì giá thành có thể giảm được hơn ½, lúc đó thì nông dân mới mặn mà trong sử dụng được.
 

Dậm chân tại chỗ

Giai đoạn 2007, chúng ta có chính sách mở cửa, thuốc BVTV sinh học, không phải đăng ký, khảo nghiệm nên áp dụng vào sản xuất khá nhanh. Trước đó chỉ áp dụng xấp xỉ 2%, bằng một số nước kém như Ấn Độ nhưng chỉ cần 3-4 năm sau Việt Nam đã vươn lên đạt xấp xỉ 10%. Tuy nhiên, cho đến nay lại vẫn chỉ duy trì ở tỷ lệ đó thôi. Vì sao? Vì cả ba yếu tố đã kể trên. Chúng ta chưa nhận thức được đầy đủ vấn đề và hỗ trợ quyết liệt cho nó. Sự tham gia của các doanh nghiệp kém vì họ thích kinh doanh hơn là sản xuất bởi chạy theo lợi nhuận.

Việt Nam vẫn là quốc gia sử dụng nền canh tác ngoài trời là chủ đạo

- Tại sao các doanh nghiệp BVTV thích cung ứng thuốc hóa học hơn sinh học?

Các công ty BVTV đều có cung ứng sản phẩm sinh học nhưng phần lớn là nhập khẩu mà chưa có đơn vị nào đầu tư một cách bài bản để sản xuất cả. Họ chưa dám tự tin vào công nghệ khó hơn là sinh học, thứ nữa là lãi từ sản xuất có thể là thấp hơn nhiều so với thương mại. Và phải nói một điều là kinh doanh thuốc BVTV sinh học kỳ công hơn nhiều so với hóa học vì đưa vào dân rất khó mà lãi lại thấp. Nông dân ta chỉ thích sử dụng các loại thuốc khi phun cái là thấy hiệu quả ngay, đó là hạn chế để các thuốc sinh học có thể thâm nhập vào sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.