| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Ba lần đò mới đến được trường

Thứ Sáu 16/04/2010 , 11:03 (GMT+7)

Đó là hoàn cảnh của hơn 200 em học sinh thôn Trằm Mé (thuộc xã miền núi Sơn Trạch).

Hiểm họa luôn rình rập với những chuyến đò đưa các em nhỏ đến trường

Nằm tựa lưng động Phong Nha, thôn Trằm Mé (thuộc xã miền núi Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) có 210 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó có gần 200 em học sinh. Điều đáng lo ngại là các em đến trường phải qua 3 chuyến đò ngang.

Thôn Trằm Mé hiện có gần 100 học sinh bậc tiểu học, 60 học sinh học bậc THCS và 20 em học bậc PTTH. Do địa hình cách trở nên phương tiện duy nhất đưa các em đến trường là những chuyến đò ngang. Học bậc tiểu học phải một lần sang đò. Học đến cấp 2 thì các em phải qua 2 lần đò mới đến được trường ở vùng trung tâm xã Sơn Trạch, cách xa nhà hơn 7 cây số. Lên đến bậc THPT, các em phải vượt qua 3 lần đò và đi gần 15 cây số mới đến được trường đóng trên địa bàn xã Cự Nẫm.

Khó có thể tính toán được để hết một cấp học, không biết các em học sinh thôn Trằm Mé phải qua lại biết bao nhiêu lần trên những chuyến đò ngang. Những hôm thời tiết bình thường thì còn đỡ, hễ nghe trời trở gió hay vào mùa mưa lũ, khi nước sông Son chảy xiết thì cả cô lẫn trò và phụ huynh nơm nớp lo sợ.

Chuyến đò buổi sáng cập bến, em Nguyễn Thị Cẩm Tú (học sinh lớp 7 trường THCS Sơn Trạch) vừa kịp đẩy xe đạp lên bờ, em nói trong hơi thở gấp: Mỗi lần đi qua sông cháu rất sợ vì đò thì nhỏ mà bọn cháu phải đi đông cho kịp học. Cháu phải đi qua 2 lần đò và đạp xe gần 9 cây số mới đến được trường. Hôm mưa gió thì sợ khiếp luôn. Có lẽ vì sợ mà bạn cháu bỏ học cũng nhiều rồi.

Không chỉ có các em học sinh mà hàng ngày, những thầy cô giáo đến trường, những người dân muốn về trung tâm xã, trung tâm huyện cũng phải qua những chuyến đò mong manh không hề có một thiết bị an toàn. Cô giáo Lê Thị Kim Nhung, giáo viên trường Tiểu học Trằm Mé cho biết: “Học sinh đi trên đò như vậy là chưa đảm bảo an toàn. Ngay cả giáo viên như chúng tôi cũng phải lo sợ hàng ngày”.

“Trước đây, có lần đò ngang do ông Đức chèo đưa gần 20 học sinh đi học về thì bị chìm. May mà lúc đó có nhiều đò bên sông phát hiện và đến cứu được các em an toàn. Chính quyền mong muốn có kinh phí xây dựng chiếc cầu dân sinh qua sông để các em đi học an toàn hơn và thuận tiện cho việc đi lại phát triên kinh tế của ngườu dân vùng bên sông” - ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Sơn Trạch.

Người lái đò tên là Lương cho biết: “Vì không có tiền để mua phao nên nhà tôi phải vận dụng lấy mấy cây tre, luồng kẹp vào hai bên đò để chắn nước". Đã không ít lần UBND xã Sơn Trạch tiến hành kiểm tra, phạt tiền, thậm chí đình chỉ không cho chiếc đò này hoạt động vì không an toàn; tuy nhiên, cứ mỗi lần đình chỉ đò là số học sinh bỏ học lại tăng lên, chính quyền xã lại phải “xuống tay”.

Thậm chí có hôm chủ đò làm mình làm mẩy, UBND xã buộc phải cắt cử trưởng thôn ra làm nhiệm vụ đưa đò cho học sinh đến lớp. Điều này, cũng lý giải vì sao số học sinh Trằm Mé học lên cấp 3 rất ít, đây cũng từng là địa phương có tỉ lệ học sinh bỏ học nhiều của tỉnh.

Do người dân còn nghèo nên chính quyền xã phải vận động mỗi phụ huynh hàng năm đóng góp 30 kg lúa để trả công cho người chèo đò. Ông Trần Xuân Tiền, Bí thư Chi bộ thôn Trằm Mé cho hay: “Đò này là dân tự lập. Còn phao cứu sinh thì thôn không có kinh phí để hỗ trợ”.

Không chỉ riêng thôn Trằm Mé mà hiện nay ở Quảng Bình có trên 60 bến đò ngang và các tuyến đò dọc với hơn 3.000 phương tiện vận chuyển hàng hoá, hành khách thường xuyên hoạt động và đang chứa đựng những ẩn hoạ khó lường.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.