| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Bệnh thối rễ hại người trồng ổi

Thứ Sáu 27/08/2010 , 10:07 (GMT+7)

Thời gian gần đây người dân trồng ổi xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới đang phải đối mặt với một loại dịch bệnh gây thối gốc rễ, khiến cây ổi vàng lá và chết hàng loạt.

Đối với một vùng gò đồi như xã Nghĩa Ninh, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) thì trồng ổi là hướng chuyển đổi cơ cấu giống đúng đắn và hợp lý. Vậy nhưng, thời gian gần đây người dân đang phải đối mặt với một loại dịch bệnh gây thối gốc rễ, khiến cây ổi vàng lá và chết hàng loạt.

Theo chân một cán bộ xã Nghĩa Ninh, chúng tôi đã về thăm vườn ổi Xá Lị của gia đình ông Quách Sỹ Ngọ ở thôn 7, xã Nghĩa Ninh (thành phố Đồng Hới). Chỉ cách đây mấy năm, vườn cây của gia đình ông có hơn 70 gốc ổi xum xuê trĩu quả, đã thu về cho gia đình ông hơn 20 triệu đồng mỗi năm, thì giờ đây cũng chỉ là những gốc ổi còn trơ trọi. Ông Quách Sỹ Ngọ cho biết: “Cách đây 3 năm, vườn ổi bắt đầu nhiễm bệnh, dấu hiệu ban đầu là cây vàng lá, cây héo úa. Bộ rễ cũng chuyển dần sang màu đen và xuất hiện nhiều nốt sần sùi, dần dần thối mục. Gia đình đành phải chặt bỏ dần tránh lây lan sang cây khác. Nhưng chặt chưa hết cây này thì cây khác đã bắt đầu ngả vàng và chết theo. Đến cây con mới lớn cũng phải chặt bỏ”.

Không chỉ vườn ổi của gia đình ông Ngọ mà hơn chục gia đình trồng ổi khác trên địa bàn xã Nghĩa Ninh cũng đang xảy ra tình trạng này. Mới đây, vườn ổi rộng hơn 2.500 m2 của gia đình bà Đặng Thị Duyên đã chuyển phải sang trồng cây mè và một số giống cây lưu niên khác. Khi cây bị nhiễm bệnh, cũng như bà, nhiều bà con trồng ổi khác trên địa bàn đã tìm nhiều biện pháp như bón vôi, kali cho cây, tăng cường phân hữu cơ, tủ gốc chống hạn trong mùa nắng nóng… nhưng vẫn không hạn chế được dịch bệnh lây lan. Vừa đào những gốc ổi còn sót lại, bà Duyên thở dài: “Ông trời thật trớ trêu, mới đây thôi, cuộc sống của cả nhà nhờ cả vào từng gốc ổi, từ chuyện dựng vợ gả chồng cho con đến việc nuôi sữa cho cháu cũng đều nhờ cả vào đó. Nay dịch bệnh hoành hành,  gia đình thất thu, chắc phải chịu khó chuyển sang trồng cây khác xem có cải thiện được gì không!”

Xã Nghĩa Ninh hiện có gần 300 hộ dân trồng ổi Xá Lị, tập trung chủ yếu ở các thôn nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh như: thôn 5, thôn 6 và thôn 7. Trong những năm qua, mô hình trồng ổi và một số cây ăn quả khác đã đem lại những đổi thay đáng kể cho đời sống của người dân nơi đây. Hằng năm, mỗi hộ trồng ổi thu gần 30 triệu đồng từ giống cây này. Nhưng kể từ khi một số vườn ổi vị nhiễm bệnh, nhiều hộ dân trồng ổi trên địa bàn lâm vào khó khăn. Thu nhập của họ giảm đi đáng kể do năng suất chỉ còn đạt 20 % so với ban đầu.

Được biết, cán bộ Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh đã đến tận từng hộ dân để tìm hiểu, lấy mẫu xét nghiệm nhưng, cho đến nay, người dân vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía các cơ quan chức năng.

Trồng ổi, đã thực sự mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều người nông dân ở xã Nghĩa Ninh thoát nghèo. Nhưng dịch bệnh thối gốc rễ đang có chiều hướng lây lan sang diện rộng, khiến người dân không khỏi lo lắng. Mong các nhà chức năng cần sớm vào cuộc, tìm ra cách phòng trừ dịch bệnh cho cây, giúp người dân vượt qua khó khăn này.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.